Kỷ niệm trọng thể 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789-2009)





“Tự hào vì Tổ quốc anh hùng, tự hào vì Thăng Long – Hà Nội thiêng liêng với bề dày hàng nghìn năm văn hiến và truyền thống yêu nước mà chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa cách đây 220 năm là một trong những trang sử oai hùng nhất”. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã mở đầu bài diễn văn quan trọng, khai mạc Lễ hội kỷ niệm 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2009) tổ chức, sáng 30/1 (tức mùng 5 Tết Kỷ Sửu), tại Công viên văn hóa Đống Đa-Hà Nội.


Chủ tịch Thành phố nhấn mạnh: Được thay mặt cả nước tổ chức lễ hội mừng chiến thắng Ngọc-Hồi Đống Đa vào đúng mùa xuân thứ 999 của kinh đô Thăng Long, toàn quân và toàn dân Hà Nội, các cấp chính quyền Thành phố hiểu rằng đó vừa là vinh dự, hạnh phúc, vừa là động lực thúc giục mọi người phấn đấu học tập, lao động sáng tạo, góp phần xây dựng Hà Nội mãi mãi xứng đáng là trái tim của Tổ quốc-Thủ đô Anh hùng-Thành phố vì Hòa bình, thiết thực cùng cả nước bước vào Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội vào năm 2010.


Trong tâm khảm của tất cả con dân nước Việt, hình ảnh vị anh hùng dân tộc lẫm liệt, thiên tài kiệt xuất quân sự – Hoàng đế Quang Trung đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp dưới cờ đại nghĩa, quét sạch giặc xâm lược khỏi bờ cõi, làm nên chiến thắng vĩ đại, thần tốc mùa xuân Kỷ Dậu bất diệt. Người và cuộc chiến đấu anh hùng của trăm họ Đại Việt mùa xuân Kỷ Dậu trở nên bất tử không chỉ nhờ những võ công chống xâm lược hiển hách mà còn sống mãi trong trái tim nước Việt hôm qua, hôm nay và mai sau, bởi lòng yêu nước vô bờ bến, sự quả cảm phi thường và nghệ thuật quân sự kết tinh trí tuệ, dũng khí Việt Nam qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước…Mùa xuân Kỷ Dậu, một trong những mùa xuân vĩ đại nhất, đẹp nhất, đáng ghi nhớ nhất trong lịch sử Việt Namn; là mùa xuân đoàn tụ của cả đất nước, có cánh mai vàng rực rỡ của mùa xuân phương Nam đoàn tụ bên màu đào tươi thắm của mùa xuân Thăng Long và miền Bắc.


Lễ hội kỷ niệm 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa thu hút sự tham gia của hàng nghìn người dân Thủ đô và khách thập phương. Cùng dự còn có đoàn đại biểu tỉnh Nam Định, thành phố Quy Nhơn, quận Lê Chân (Hải Phòng), thành phố Đà Nẵng. Lễ hội mở đầu bằng lễ dâng hương tại Chùa Bộc và Chùa Đồng Quang, 2 di tích quan trọng trong quần thể di tích Gò Đống Đa (phường Quang Trung-quận Đống Đa) được ghi vào sử sách cùng chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa lịch sử. Lễ hội chính thức diễn ra tại khu vực tượng đài Vua Quang Trung, với lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống và Chúc văn ca ngợi chiến công hiển hách của người Anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ, làm rạng danh truyền thống Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến và Anh hùng cùng sự tiếp nối truyền thống của thế hệ hôm nay.


Điểm nhấn của chương trình lễ hội là màn sử thi kéo dài hơn 40 phút mang tên “Cánh đào báo tiệp” (đạo diễn Nguyễn Khắc Phục), khái quát cuộc đời và sự nghiệp của người Anh hùng Quang Trung-Nguyễn Huệ, sự hiện diện của công chúa Ngọc Hân và bối cảnh cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Thanh và chiến thắng vang dội Ngọc Hồi-Đống Đa mùa xuân Kỷ Dậu 1789. Màn sử thi do các nghệ sĩ diễn viên các đoàn nghệ thuật Hà Nội như: Nhà hát Chèo, Nhà hát Cải lương, Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Đoàn Xiếc, Nhà hát múa rối Thăng Long, cùng khoảng 200 vận động viên CLB võ thuật Hà Nội tham gia thể hiện, biểu diễn võ thuật Bình Định và vào vai quần chúng nhân dân hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng trở về. Tiếp đó là phần hội diễn ra từ 10h đến 17h, với nhiều hoạt động văn hóa thể thao, trò chơi dân gian, vui chơi giải trí, phục vụ nhân dân Thủ đô và du khách như: múa rồng, múa chiêng, thi đấu cờ người, biểu diễn võ thuật…/.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *