Soi bóng xuống dòng sông Đa-nuýp, tòa nhà Quốc hội Hungari – xây dựng theo phong cách kiến trúc gô-tic kết hợp giữa cổ kính và hiện đại, không những nó xứng đáng là một kỳ quan của đất nước này mà còn biểu hiện quyền lực tối cao của cơ quan lập pháp lưỡng viện.
Từ quảng trường phía Đông, chúng tôi bước vào cửa chính tòa nhà bắt gặp ngay hai con sư tử đá ngồi án ngữ hai bên làm tôn thêm sự uy nghiêm của một nhà nước ra đời đã hơn 1.100 năm nay. Theo những bậc thềm dẫn vào là Nhà mái vòm khổng lồ 16 cạnh, tượng trưng cho 16 đời vua trị vì đất nước Hungari. Và chúng tôi được thấy bên trong Nhà mái vòm này những bức tượng chân dung của 16 vị vua như đang ngồi trầm tư suy nghĩ về những giai đoạn lịch sử đã qua. Nhà vua đầu tiên Stephen I (975-1038) đăng quang với chiếc Vương miện được gửi tới từ Giáo Hoàng đã mở ra một đế chế phong kiến Hungari hùng mạnh mang đậm mầu sắc Thiên chúa giáo. Tại Nhà mái vòm, hiện vẫn còn trưng bày chiếc Vương miện Thánh đầu tiên đó cùng những bảo vật quý của các đời vua Hungary. Nhà mái vòm cũng là một trong các hạng mục được hoàn thành sớm nhất của Tòa nhà để kịp cho Quốc hội tiến hành phiên họp kỷ niệm 1.000 năm thành lập đất nước Hungari vào năm 1896 (nhiều hạng mục khác tới 8 năm sau mới hoàn thiện). Nhà mái vòm nối với cầu thang chính tỏa đi các nơi trong Tòa nhà được đánh giá là một công trình sáng tạo về nghệ thuật kiến trúc độc đáo, rực rỡ nhất của Giáo sư Imre Steindl. Trong số gần 40kg vàng để trang trí cho cả Tòa nhà thì phần lớn được dùng ở Nhà mái vòm này. Bởi vì đây là trái tim của Tòa nhà – nơi diễn ra các cuộc họp chung của hai viện Quốc hội và cũng là nơi thu hút nhiều khách thăm quan nhất. Với chiều cao 96m, Tòa nhà Quốc hội là một trong những tòa nhà cao nhất ở Budapest. Con số 96 không phải là ngẫu nhiên mà kiến trúc sư thiết kế nó mang một ý nghĩa của năm 896 thành lập Vương quốc Hungari và năm 1896 kỷ niệm thiên niên kỷ hình thành Nhà nước này. Từ Nhà mái vòm bước lên các bậc thang được trang trí rất tinh xảo ta có thể ngắm nhìn những bức họa đặc sắc trên trần nhà cùng bức tượng bán thân kiến trúc sư Imre Steindl đặt trang trọng trên tường. Vị kiến trúc sư này là giáo sư Đại học Kỹ thuật Hungari đã giành chiến thắng trong cuộc thi “Thiết kế Tòa nhà Quốc hội” từ năm 1882. Với đề án thiết kế kết hợp giữa kim-cổ của ông được các nghị sĩ hoan nghênh và Quốc hội Hungary quyết định xây dựng. Theo thiết kế, Tòa nhà dài 268m, rộng 123m, không những bảo đảm cân đối về nghệ thuật kiến trúc mà còn toát ra sự bề thế, uy nghi, phù hợp với tính năng sử dụng Tòa nhà. Những phòng lớn liền kề với Nhà mái vòm là Hạ nghị viện và Thượng nghị viện (tồn tại tới năm 1945, nay là phòng họp chung của Quốc hội). Trong số 691 phòng của Tòa nhà chỉ dành hơn 200 phòng cho các cơ quan của Quốc hội làm việc. Số phòng còn lại dùng vào các hoạt động khác như: Thư viện, phòng ăn, tiếp khách… Một nhà ăn lớn của Quốc hội nằm đối diện với cầu thang chính, trên trần được vẽ các nhân vật trong chuyện ngụ ngôn và trên tường lối vào là bức họa 5 loài gia súc nổi tiếng của Hungary. Từ góc nhà ăn lớn dẫn tới hai phòng nhỏ hơn là nơi ăn riêng của các đại biểu Quốc hội (phía Nam) và Phòng họp báo ở phía Bắc. Phòng họp báo này còn được gọi là “Phòng thảm thêu” vì từ năm 1920 ở đây treo một tấm thảm khá lớn để trang trí. Nằm ngay bên dưới Nhà ăn lớn là Thư viện Quốc hội với hàng ngàn đầu sách cùng nhiều tài liệu cần thiết phục vụ các nghị sĩ… Sau những giờ làm việc căng thẳng, các nghị sĩ hoặc nhân viên của Quốc hội có thể dạo chơi, thư giãn… tại 10 sân trong Tòa nhà và có thể đi lại, ra vào bằng 29 cầu thang bộ, 13 thang máy, 27 cổng của Tòa nhà. Mặt tiền của Tòa nhà Quốc hội Hungary nhìn thẳng ra dòng sông Đa-nuýp mà từ những con tàu du lịch ngoài xa, hay đứng bên kia bờ sông đều thấy được những mái vòm, ngọn tháp vươn lên bầu trời xanh thẳm. Nhất là vào ban đêm, ánh đèn rực rỡ của Tòa nhà tỏa xuống dòng sông Đa-nuýp và từ mặt sông, ánh sáng lại dội lên làm cho Budabest thêm long lanh như “viên ngọc”. Toàn bộ Tòa nhà có tất cả 88 bức tượng, 242 bức điêu khắc thì ở mặt tiền được trang trí nhiều bức điêu khắc nhất với hình ảnh các vị vua, nhà lãnh đạo và những người lính có công lớn của đất nước Hungari. Chúng tôi cứ tưởng chỉ có mình thuộc diện “ăn theo” Đoàn lãnh đạo Nhà nước đến thăm chính thức Hungari thì mới được vào trong Tòa nhà Quốc hội sang trọng ở đây. Nhưng, chúng tôi thấy những người dân Hungari, thậm chí cả từng đoàn khách du lịch nước ngoài cũng đang có mặt tại nơi trang nghiêm và đầy quyền lực này để thưởng ngoạn một công trình kiến trúc đặc sắc. Điều thú vị là người dân Hungari còn được tư do đến dự những phiên họp của Quốc hội, nghe Quốc hội luận bàn về những công việc quan trọng của đất nước. Thật là dịp hiếm có cho chúng tôi được chiêm ngưỡng một kỳ quan do hơn 1.000 thợ giỏi của đất nước Hungari xây dựng trong suốt 19 năm trời (từ 1885 đến 1904). Tòa nhà xây dựng với thời gian kỷ lục như vậy có lẽ là do phải rất công phu, tỷ mỷ và tinh xảo trong những đường nét, hoa văn, họa tiết của từng tác phẩm nghệ thuật. Do đó, mọi người dân Hungari đều cảm thấy một niềm kiêu hãnh với Tòa nhà Quốc hội nguy nga, đồ sộ và tráng lệ này. Họ coi Tòa nhà là biểu tượng quốc gia, một kỳ quan kiến trúc của đất nước. Và từ nơi đây, trong lòng chúng tôi không khỏi khấp khởi chờ mong đến tháng 2 năm 2011 (theo dự kiến) đất nước mình cũng có được Tòa nhà Quốc hội Việt Nam tọa trên mảnh đất Ba Đình lịch sử, để xứng đáng với tầm vóc ngàn năm văn hiến của dân tộc mà một Nhà nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố ra đời cách đây hơn 63 năm./. |
Tòa nhà Quốc hội – một kỳ quan của Hungari
2