Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm: Tranh chấp từ hợp đồng ủy quyền



 










Người dân Thủ Thiêm xem danh sách nhận tiền bồi thường, hỗ trợ bổ sung theo chính sách mới – Ảnh: M.Nam


Bắt đầu hiệp thương bồi thường khoảng 20 ngày và chỉ sau 5 ngày chi trả tiền hỗ trợ bổ sung theo Quyết định 06/2009 của UBND TP.HCM tại Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.2 đã nhận được hơn 100 đơn, thư tranh chấp…


Bên mua: Đường nào cũng thiệt!


Ngày 20.2, qua Báo Thanh Niên, ông N.T.H ngụ P.Bình Khánh, Q.2 đề nghị Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.2 ngăn chặn việc chi tiền hỗ trợ bổ sung đối với bà N., người đã mua lại suất tái định cư thuộc dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm của ông cách đây hơn 3 tháng. Ông H. kể: Tháng 11.2009, do sốt ruột chờ nhận suất tái định cư (diện tích 46m2) nên vợ chồng ông đã bán lại cho bà N. với giá 230 triệu đồng, bằng một hợp đồng ủy quyền cho bà N. được nhận suất tái định cư. Chuyện giữa hai bên chẳng có gì đáng nói nếu như UBND thành phố không áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ mới (Quyết định 06/2009). Theo đó, số tiền nhận hỗ trợ bổ sung từ suất tái định cư của ông H. chênh lệch đến 16 triệu đồng/m2 (nếu trả lại suất tái định cư để nhận tiền). Với cách tính “hai bên cùng có lợi”, ông H. thỏa thuận với bà N. trả lại suất tái định cư, ông sẽ trả lại cho bà tiền vốn cộng lãi, tổng cộng là 300 triệu đồng. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được bà N. chấp thuận, bởi theo bà, ông H. đã bán suất tái định cư cho bà thì coi như không còn quyền nhận tiền hỗ trợ nữa. Tranh chấp xảy ra, ông H. tuyên bố: Nếu không có chữ ký của ông, thì bà N. cũng chẳng nhận được suất tái định cư cũng như tiền hỗ trợ bổ sung!


Tương tự, sau khi mua lại suất tái định cư (160m2) của bà T. ở P.An Lợi Đông (nằm trong khu đô thị mới Thủ Thiêm) cũng bằng hợp đồng ủy quyền, ông B. đơn phương đề nghị Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q.2 giải quyết cho ông được nhận tiền thay vì suất tái định cư. Đề nghị này tất nhiên bị từ chối. Hơn nữa, phía bà T. đã có đơn yêu cầu Ban bồi thường Q.2 ngăn chặn không giải quyết cho ông B. nhận suất tái định cư. Đến đường này, ông B. đành phải đi tìm bà T. để thỏa thuận lại. “Tính đi tính lại, tui thấy đường nào mình cũng vào thế kẹt! Nếu đề nghị bà T. làm lại hợp đồng ủy quyền nhận tiền thay vì nhận suất tái định cư trong thời điểm này sẽ là việc bất khả thi. Cùng lắm, tui sẽ đề nghị chia cho bà T. 5/5 để vẹn cả đôi đường!”, ông B. nói.


Chỉ trả tiền hỗ trợ cho chủ gốc


Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hứa Ngọc Thảo, Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.2, cho biết đa số trường hợp gửi đơn đến Ban bồi thường là do phát sinh tranh chấp giữa những người đứng tên trên hồ sơ và người được ủy quyền (người mua suất tái định cư). “Khi nhận được đơn, chúng tôi sẽ xem xét cụ thể, như: nội dung ủy quyền, người được ủy quyền, thời hiệu ủy quyền… của từng hồ sơ; nếu không đủ tính chất pháp lý sẽ bị bác. Những trường hợp còn hiệu lực, Ban bồi thường sẽ gửi hồ sơ về UBND phường để hòa giải giữa người chủ cũ và người được ủy quyền. Nếu hòa giải bất thành, một trong các bên có quyền khởi kiện ra tòa án dân sự. Riêng việc chi trả tiền hỗ trợ chỉ giải quyết cho người đứng tên hồ sơ gốc chứ không chi trả cho người được ủy quyền”.


Đáng quan ngại, theo nhận định của ông Thảo, tình trạng bán suất tái định cư tại Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm trong thời gian qua là không ít. Do đó, chắc chắn việc phát sinh tranh chấp giữa người mua và bán suất tái định cư sẽ còn xảy ra nhiều, nhất là chính sách mới mà UBND thành phố vừa ban hành được xem là có mức hỗ trợ cao nhất so với các dự án trên địa bàn TP.HCM từ trước đến nay.


Những hợp đồng vô hiệu







Liên quan đến việc lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ thiệt hại có liên quan đến người sử dụng đất hợp pháp và người được ủy quyền, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài đã giao Sở Tư pháp thành phố có văn bản hướng dẫn để UBND quận, huyện và Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận, huyện giải quyết các tranh chấp phát sinh.

Trước đây, vào ngày 18.9.2008, TAND TP.HCM đã tiến hành xét xử phúc thẩm một vụ kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng phiếu tái định cư giữa nguyên đơn là bà Nguyễn T. N. (Q.2) và bị đơn là bà Nguyễn T.H. (Q.6). Tháng 4.2006, bà N. bán cho H. phiếu tái định cư căn nhà 512/74 KP3 P.An Lợi Đông Q.2 với giá 210 triệu đồng. Bảy tháng sau, bà H. bán lại phiếu tái định cư này cho ông Nguyễn V.T. (Q.Gò Vấp) với giá 800 triệu đồng. Tranh chấp diễn ra, bà N. khởi kiện yêu cầu tòa hủy hợp đồng mua bán phiếu tái định cư giữa các bên, buộc ông T. phải trả lại phiếu tái định cư. Ngày 3.6.2008, TAND Q.2 nhận định: hợp đồng mua bán phiếu tái định cư giữa các bên không có hiệu lực ngay từ thời điểm giao kết vì trái pháp luật, lỗi thuộc về cả bên mua lẫn bên bán nên tuyên hủy các hợp đồng này, các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận, đồng thời bà N. phải bồi thường cho bà H. 274 triệu đồng. Sau đó, bà H. và ông T. kháng cáo. Tại phiên xử phúc thẩm, bà N. đồng ý hỗ trợ thêm cho bà H. 150 triệu đồng (ngoài 274 triệu đồng), bà H. đồng ý hỗ trợ thêm cho ông T. 250 triệu đồng. Xét thấy đây là sự tự nguyện của các bên nên HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận.


Luật sư Nguyễn Tấn Hải, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết: Theo quy định của pháp luật, suất tái định cư (nền nhà, căn hộ) hay tiền hỗ trợ di dời, giải tỏa được cấp, trả cho người có nhà đất thực tế bị giải tỏa, di dời. Suất tái định cư là tài sản chưa hình thành, chưa có quyền sở hữu vào thời điểm chuyển nhượng nên việc mua bán là bất hợp pháp. Khi phát sinh tranh chấp hợp đồng này bị vô hiệu và sẽ giải quyết theo quy định pháp luật về hợp đồng vô hiệu. Giải quyết hậu quả có hai trường hợp: Nếu tài sản tranh chấp chưa hình thành, hợp đồng sẽ bị hủy và các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu tài sản tranh chấp đã hình thành, tòa án sẽ tiến hành định giá tài sản, xác định lỗi và thiệt hại của mỗi bên để giải quyết. Theo thực tiễn giải quyết loại án này, lỗi chia đều 50 – 50 cho bên bán và mua.


Cũng theo luật sư Hải, Bộ luật Dân sự quy định việc ủy quyền sẽ chấm dứt khi một bên chết, hoặc bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, hoặc một trong các bên đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền. Đồng thời, người nhận ủy quyền muốn ủy quyền lại phải có sự đồng ý của người ủy quyền ban đầu, nội dung ủy quyền thứ hai không vượt ra ngoài nội dung ủy quyền thứ nhất. Như vậy, chỉ cần một người liên quan đến việc ủy quyền chết hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền thì người mua coi như bị vướng và đường hướng pháp luật sẽ giải quyết giống như trên.


Minh Nam – Lê Nga

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *