Với quyết tâm tạo dựng những đô thị lớn và hiện đại khu vực Thủ đô Hà Nội mở rộng đã được các cấp chính quyền phê duyệt, Khu đô thị Dương Nội, Phùng Khoang, Thạch Thất, Thạnh Phúc, Chương Mỹ, Quốc Oai. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Cường vừa dẫn đầu một đoàn kỹ sư tham quan và tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng đô thị ở một số nước châu Á. Tại sân bay Nội Bài, khi vừa đặt chân về Việt Nam, ông đã dành cho phóng viên Báo Xây dựng một cuộc trao đổi hết sức ý nghĩa.
Thưa ông, ở các nước châu Á mà ông vừa tìm hiểu, đô thị nào đã để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất? – Ấn tượng lớn nhất đối với tôi là việc người Malaysia xây Thủ đô hành chính. Từ một vùng đất giống như khu vực Ba Vì – Hà Nội, Chính phủ Malaysia giao cho một kiến trúc sư trưởng chỉ đạo việc lập quy hoạch. Họ quy hoạch chi tiết đến từng vị trí trồng cây xanh, vỉa hè; từng sắc màu mặt tiền đường phố, từng phong cách kiến trúc các công trình nhà ở… Khi quy hoạch đã được phê duyệt Chính phủ chỉ bỏ công quỹ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng một số công trình công cộng như nhà Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Nhà thờ. Việc tạo dựng các công trình kiến trúc còn lại dành cho các doanh nghiệp theo những thoả thuận với Nhà nước. Việc quản lý quy hoạch, kiến trúc, tiến độ xây dựng của họ hết sức nghiêm ngặt. Thi công chậm tiến độ mà không có lý do chính đáng thì một số tiền từ tài khoản của chủ đầu tư tự động sẽ chuyển vào tài khoản Nhà nước theo các cấp độ phạt khác nhau. Về đầu tư hạ tầng, ông nhận thấy chúng ta cần học bạn điều gì? – Đó là sự thống nhất giữa các chủ đầu tư trong cùng một dự án lớn. Ở Nhật Bản, Singapore hay Malaysia, trước khi một tuyến đường được khởi công thì dường như việc xây dựng các hộp kỹ thuật cho điện chiếu sáng, ống cấp thoát nước đã được thiết kế hoàn thiện thi công trong lòng đất trước đó rồi. Sự khớp nối được tính toán một cách cẩn trọng trong tổng thể quy hoạch chung. Mặt đường đã trải apfan thì không còn chuyện đào bới khoan cắt để thi công các công trình hạ tầng phụ nữa. Tại một số dự án đô thị phía Đông TP Hải Dương, phía Tây TP Hải Dương, Khu đô thị Hoà Vượng – Nam Định, Dương Nội – Hà Nội, Tập đoàn Nam Cường đã học theo đúng kinh nghiệm của nước ngoài. Một điều nữa trong bài toán hạ tầng đô thị là phải hết sức khoa học, dự báo tính toán mật độ dân cư trong xu hướng phát triển đô thị. Nhiều đô thị của chúng ta đang phải trả giá về việc quá tải thoát nước, cấp điện… Với nhận thức xây đô thị văn minh thương hiệu Việt Nam ngang tầm đô thị các nước phát triển trong khu vực cho nhiều thế hệ sau không bị lạc hậu, Tập đoàn Nam Cường đã không tiếc chi phí chủ động mời tư vấn Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc tham gia tư vấn thiết kế các đô thị Trúc Sơn, Hoài Đức, Cổ Nhuế, Thạch Thất, Đan Phượng… Khi làm quy hoạch, thiết kế kiến trúc đô thị mới trên đất cổ Hà Tây với nhiều di sản văn hoá như chùa Thầy, chùa Trăm Gian, làng cổ Đường Lâm, đền Và…ông có suy nghĩ gì? – Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan là các nước tôi học được rất nhiều việc khai thác các giá trị vô hình của di sản văn hoá vật thể. Ở Thủ đô Thái Lan hay Malaysia vẫn tồn tại những ngôi chùa cổ, những nhà thờ trong hệ thống đô thị hiện đại. Nơi đây thu hút nhiều nhất du khách quốc tế tạo điều kiện cho ngành Du lịch phát triển. Trong việc quy hoạch một số đô thị vùng Hà Nội mở rộng tôi luôn nhắc nhở các cộng sự phải quan tâm đặc biệt đến các khu di tích, sử dụng những tầng văn hoá cha ông chúng ta gìn giữ từ ngàn đời. Từ kiến trúc nhà ở, thiết kế giao thông, vật liệu xây dựng liền kề di tích phải hài hoà ăn nhập với không gian di tích. Tôi nghĩ rằng, với một hệ thống hạ tầng được cải tạo đồng bộ tôn trọng không gian, cảnh quan cũ di tích nằm trong quần thể đô thị do Nam Cường quy hoạch chắc chắn không chỉ là nơi gìn giữ những di sản văn hoá mà còn là nơi sản sinh ra của cải vật chất cho xã hội giống như ở một số quốc gia trên thế giới. Xin cảm ơn ông! |