Ông Ngô Quang Xuân cho rằng nếu ngại việc sử dụng nhà ở sai mục đích thì có thể đưa thẳng những quy định về chế tài xử lý. Ảnh: VNN
Dự thảo sửa đổi điều 126 Luật Nhà ở về quyền sở hữu nhà ở tại VN của người VN định cư ở nước ngoài có quy định rõ số lượng cho từng đối tượng.
Theo đó, người được quyền sở hữu nhà ở như công dân trong nước (tức không hạn chế số lượng) là người VN định cư ở nước ngoài có quốc tịch VN, hoặc là người gốc VN thuộc các đối tượng về đầu tư trực tiếp, có công đóng góp cho đất nước, hoạt động trong lĩnh vực kinh tế – xã hội có bằng đại học hoặc tương đương trở lên về VN làm việc, người có kỹ năng đặc biệt mà VN có nhu cầu và người kết hôn với công dân VN ở trong nước.
Trong khi đó, những đối tượng là người gốc VN không thuộc thành phần nói trên, được cơ quan có thẩm quyền của VN cho phép cư trú tại VN từ 6 tháng trở lên hoặc được cấp giấy miễn thị thực thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ.
Chế tài để tránh đầu cơ
Mục đích sửa luật để tạo điều kiện về chỗ ở cho kiều bào khi về VN, nhưng có ý kiến lo ngại sẽ có người lách luật, sử dụng nhà sai mục đích hoặc đầu cơ, mua đi bán lại bất động sản. Tuy nhiên, ý kiến đa số cho rằng để hạn chế tình trạng này, có thể áp dụng các quy định khác để điều chỉnh như Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Kinh doanh bất động sản…
Công tác nhiều năm ở nước ngoài với tư cách trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại của QH Ngô Quang Xuân cho rằng: “Khi kinh tế phát triển, luật soạn thảo chặt chẽ thì không nên phân biệt đối tượng, giới hạn số lượng nhà sở hữu. Điều đó có thể khiến kiều bào “tâm tư” trong khi không chỉ có điều 126 mà rất nhiều văn bản pháp luật liên quan điều chỉnh về nhà ở, đất đai”.
Ông Xuân thậm chí cho rằng, nếu ngại việc sử dụng nhà ở sai mục đích thì có thể đưa thẳng những quy định về chế tài xử lý ngay trong điều luật.
Liên quan đến quy định người có quốc tịch VN được sở hữu nhà ở trong nước, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho hay: “Trong số hơn 3 triệu người VN ở nước ngoài, có hơn 2 triệu người còn quốc tịch. 750 nghìn người trong số này được cấp hộ chiếu. Sẽ không phải người VN nào còn quốc tịch cũng có nhu cầu và có nhu cầu thì không có nghĩa có điều kiện sở hữu nhiều nhà cùng lúc”.
Ông Xuân bác quan điểm này, cho rằng cần phải nhìn xa hơn bởi “khi đã còn quốc tịch thì việc có hộ chiếu không phải điều khó khăn, nhất là khi luật sửa đổi gần đây đã đưa ra những quy định thông thoáng”.
Theo dự thảo luật sửa đổi, người kết hôn với công dân VN ở trong nước có quyền được sở hữu nhà ở như công dân VN. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho hay, khi soạn thảo sửa đổi luật, Chính phủ tính đến thực tiễn QH đã có Nghị quyết cho phép cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng này được phép mua và sở hữu nhà ở tại VN. Do đó khi sửa đổi điều 126, ban soạn thảo cũng bổ sung trường hợp này để đảm bảo tính hợp lý giữa người VN định cư ở nước ngoài và cá nhân nước ngoài.
Hơn nữa, theo Thứ trưởng Nam, không phải người gốc VN nào khi kết hôn với công dân VN ở trong nước cũng mặc nhiên trở thành công dân VN, vì có đối tượng sẽ không đủ điều kiện hoặc không có nguyện vọng nhập quốc tịch VN theo quy định của Luật Quốc tịch năm 2008. |
Vẫn băn khoăn số lượng nhà Việt kiều được sở hữu
6
Theo VNN
Bài trước