Góp ý dự thảo NĐ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai











BỘ XÂY DỰNG


—————–


Số:  406   /BXD-QLN


V/v: góp ý dự thảo NĐ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai


 


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


Độc lập – Tự do – Hạnh phúc


————————


 


Hà Nội,  ngày  18   tháng 3 năm 2009


 


Kính gửi: Bộ Tài nguyên và Môi trường


                                    


Bộ Xây dựng nhận được công văn số 443/BTNMT-TCQLĐ ngày 23/02/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị góp ý cho dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:


 


1. Về đối tượng điều chỉnh của dự thảo (khoản 1 Điều 2)


 


Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, đối tượng sử dụng đất không chỉ bao gồm tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mà còn bao gồm các đối tượng như cơ sở tôn giáo, hộ gia đình và cộng đồng dân cư. Vì vậy, đối tượng áp dụng của Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai phải bao gồm tất cả những đối tượng như đã nêu trên. Tuy nhiên, đối với đối tượng là cộng đồng dân cư thì dự thảo cần phải xác định cụ thể ai là người đại diện để nộp phạt, tiền phạt được thu từ nguồn nào để đảm bảo tính khả thi của quy định này.


 


2. Về các hành vi vi phạm hành chính (Điều 3)


 


a) Việc nêu cụ thể các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai như trong dự thảo là cần thiết, tạo cơ sở cho việc áp dụng xử phạt khi có các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, tại điểm e Điều 3 của dự thảo quy định một số hành vi đối với đất, trong đó có hành vi để thừa kế đối với đất không đủ điều kiện là không phù hợp. Bộ Xây dựng cho rằng, cho dù người sử dụng đất có thực hiện hành vi để thừa kế lại quyền sử dụng đất đối với đất không đủ điều kiện thì cũng không thể thực hiện xử phạt. Vì theo quy định của pháp luật thì việc mở thừa kế chỉ được thực hiện khi người sở hữu tài sản chết, như vậy không thể tiến hành xử phạt vi phạm đối với chủ thể đã chết. Do đó, đề nghị dự thảo bỏ nội dung này.


 


b) Tại điểm k của Điều 3 quy định hành vi “trốn tránh, chây ì không trả lại đất”, Bộ Xây dựng nhận thấy đối với quy định pháp luật thì nên ghi rõ hành vi là không trả lại đất theo đúng thời hạn là đủ, việc sử dụng các cụm từ “trốn tránh, chây ì” là chưa cụ thể, khó xác định và gây khó khăn trong áp dụng pháp luật.


 


3. Về giải thích từ ngữ  (Điều 4)


 


a) Hành vi “xây tường, làm hàng rào” quy định tại khoản 4 Điều 4 của dự thảo là một trong những hành vi vi phạm trật tự xây dựng đã được quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 23/2/2009 của Chính phủ. Vì vậy, đề nghị xem xét không quy định hành vi này trong dự thảo.


 


b) Đề nghị bổ sung phần giải thích các khái niệm như : “đất không đủ điều kiện” để chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn (Điều 14 dự thảo); “không đủ điều kiện nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (Điều 15 dự thảo). Điều 14 mới dẫn chiếu “đất không đủ điều kiện” là đất không có những căn cứ theo quy định tại Điều 106 Luật Đất đai, tuy nhiên, Điều 106 của Luật Đất đai quy định rất chung chung, gồm 4 căn cứ là: có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án và trong thời hạn sử dụng đất.


 


4. Về hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 6)


 


a) Về quy định tại khoản 2 Điều 6


Theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 12 Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính của Uỷ ban thường vụ Quốc hội số 04/2008/UBTVQH12 ngày 02/4/2008 thì Chính phủ chỉ được phép quy định biện pháp khắc phục hậu quả khác. Vì vậy, nếu quy định “tịch thu lợi ích có được do vi phạm” là hình thức xử phạt bổ sung sẽ trái với quy định của Pháp lệnh. Đề nghị xem xét đưa biện pháp này thành biện pháp khắc phục hậu quả hoặc tách thành khoản 4 Điều 6 của dự thảo cho phù hợp.


 


b) Về quy định tại khoản 3 Điều 6


Biện pháp khắc phục hậu quả được liệt kê ở đây chưa đầy đủ và chưa phù hợp với những biện pháp quy định tại Chương II dự thảo (ví dụ quy định tại khoản 9 Điều 14). Vì vậy, đề nghị quy định lại như sau:


“3. Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm:


a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm;


b) Buộc bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra;


c) Các biện pháp khác được quy định tại Chương II Nghị định này”


 


5. Về quy định đất không đủ điều kiện để chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn (Điều 14)


 


a) Đề nghị quy định cụ thể đất không đủ điều kiện để thực hiện các giao dịch trên là những trường hợp nào (ví dụ: đất đã được thế chấp những vẫn sử dụng để chuyển nhượng cho người khác).


b) Tại khoản 9 Điều 14 đề nghị bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả ngoài biện pháp thu hồi đất đã lấn, chiếm. Đối với những hành vi quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 ngoài việc tịch thu phương tiện và các lợi ích khác do vi phạm như dự thảo đã quy định còn buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả sau: hoàn trả bên bị thiệt hại giá trị tài sản đã nhận khi thực hiện các giao dịch (chuyển nhượng, thế chấp…); bồi thường cho bên bị thiệt hại; đồng thời có biện pháp xử lý cụ thể phần đất vi phạm.


 


6. Về quy định việc công bố hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai


 


Để đảm bảo cho việc xử phạt vi phạm hành chính được công khai, minh bạch và có tác dụng răn đe, giáo dục, đề nghị dự thảo cần bổ sung thêm 1 Điều quy định về việc công bố công khai tên tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm , nội dung vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả…. trên các phương tiện thông tin như trang web của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trang web của UBND tỉnh, thành phố nơi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.


 


7. Về các mẫu văn bản áp dụng trong xử phạt vi phạm hành chính


 


Để tạo điều kiện cho việc áp dụng các quy định của Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính, góp phần tăng cường hiệu quả trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, đề nghị dự thảo Nghị định bổ sung thêm một số mẫu văn bản như mẫu biên bản vi phạm hành chính, mẫu quyết định xử phạt, mẫu quyết định cưỡng chế thi hành, mẫu quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả…nhằm đảm bảo mọi hành vi vi phạm được xử lý kịp thời.


 


Trên đây là nội dung một số ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng về dự thảo Nghị định, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tổng hợp để hoàn chỉnh dự thảo trước khi trình Chính phủ ban hành./.


 








Nơi nhận:


– Như trên;


– Lưu: VP, QLN.


KT. BỘ TRƯỞNG


THỨ TRƯỞNG


 


 


đã ký


 


 


 


  Nguyễn Trần Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *