Người dân ở TP Hoà Bình và những huyện thị trong tỉnh biết đến Phạm Ngọc Chuyển và gọi anh là “Chuyển gạch”, vì nhìn bề ngoài anh như một lão nông: Người cao to, da sạm đen, chân tay rắn chắc. Họ biết đến anh vì một lẽ nữa do anh làm giám đốc đã một thời cung ứng nhiều triệu viên gạch phục vụ xây dựng các công trình dân dụng phục vụ thi công xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình và các huyện thị của cả tỉnh Hoà Bình. Thời điểm ấy, những năm tám mươi của thế kỷ trước, gạch ngói Quỳnh Lâm là gạch thủ công theo kiểu lò dã chiến, sản lượng và chất lượng thấp và khi đốt lò gây ô nhiễm môi trường. Đã nhiều lần ông Chuyển phải xuống họp với người dân địa phương thương thảo về ảnh hưởng do khói bụi các lò gạch gây ra thiệt hại đến hoa màu. Chuyện cũ đã qua, ông giãi bày: Biết làm thế nào được khi mà đơn vị quá nghèo, tiềm lực kinh tế không có, trình độ công nhân kỹ thuật thấp. Hơn ba mươi năm gắn bó với vùng đất Mường đã để lại trong anh nhiều kỷ niệm vui buồn. Anh bảo, đã có nhiều bài báo viết về anh, về những thành tích anh đạt được trong SXKD, việc anh vực dậy một DN ngấp nghé bên bờ vực phá sản để trở thành một Gạch ngói Quỳnh Lâm hôm nay – điểm sáng của ngành công nghiệp VLXD của tỉnh Hoà Bình. Với sản phẩm gạch ngói chất lượng cao, giải thưởng quả cầu bạc toàn quốc năm 2004 thì người ta mới thấy những thành tựu mà Phạm Ngọc Chuyển thầm lặng làm để xây dựng thành công một thương hiệu “Gạch ngói Quỳnh Lâm”. Anh biết chia sẻ với đồng nghiệp đúng những lúc gian khó và biết quyết đoán những lúc cần thiết. Người lao động ở Cty Quỳnh Lâm kể lại: Vào thời điểm năm 1993, khi Cty thực hiện phương án CPH – đây cũng là DN đầu tiên của tỉnh Hoà Bình thực hiện CPH. Anh Chuyển bảo, thật không đơn giản chút nào khi người lao động chưa thông, chưa hiểu. Họ sợ mất quyền lợi nên đã chống đối, gửi đơn thư tới các cấp lãnh đạo khiếu kiện. Trước những diễn biến phức tạp, mà theo anh nghĩ là do người lao động chưa hiểu hết chủ trương chính sách của Nhà nước, lại bị kích động của một số phần tử xấu làm ảnh hưởng tiến trình CPH của Cty. Giải thích trên hội nghị không được, đã nhiều buổi tối người ta thấy anh lặng lẽ đến từng nhà công nhân để phân tích đến lúc họ hiểu mới thôi. Năm 1993, Cty tổ chức đại hội cổ đông thành công, Phạm Ngọc Chuyển được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành. Chiếm được lòng tin của công nhân và nói là làm, Phạm Ngọc Chuyển lập tức có chiến lược mới, đó là từng bước thay đổi công nghệ từ sản xuất gạch thủ công sang công nghệ nung đốt bằng hệ thống lò gạch liên tục kiểu đứng. Để thực hiện được điều đó, anh đã nhiều lần về Hà Nội và các DN sản xuất gạch của TCty VIGLACERA để học hỏi kinh nghiệm. Sau lần nghiên cứu đấy, anh quyết định mời Giám đốc Cty CP Cơ khí và Xây dựng Viglacera đến Hoà Bình để xin ý kiến tư vấn. Nể tính cầu thị của anh, Giám đốc Lê Văn Vinh và các cộng sự đã đến Hoà Bình hướng dẫn Cty cách đầu tư và lắp đặt hệ thống dây chuyền sản xuất gạch hiện đại với công suất 15 – 20 triệu viên/năm. Cty Cơ khí và Xây dựng Viglacera đã bán cho Quỳnh Lâm hệ thống sản xuất gạch và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chuyển giao công nghệ. Như một cuộc cách mạng mới, người lao động Quỳnh Lâm thấy được hiệu quả từ dây chuyền công nghệ này, đó là giảm sức lao động mà sản phẩm gạch đạt tiêu chuẩn loại A tới gần 100%. Có được gạch mộc rồi, nhưng còn việc nung đốt ra sao thì đó lại là phép tính tiếp theo; chả nhẽ lại đốt bằng lò thủ công? Không được. Phạm Ngọc Chuyển đã khẳng định như vậy tại cuộc họp HĐQT và anh quyết định chỉ có tiến lên nắm bắt công nghệ hiện đại không thì chết. Và lại một lần nữa khi nghe tin ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có mô hình công nghệ lò nung gạch liên tục kiểu đứng với hiệu quả: Giảm nhân công lao động và giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, lại một lần nữa anh khăn gói về Hà Nội tìm hiểu. Đúng là “đi một đàng học một sàng khôn”, có đến tận nơi được sự giúp đỡ của các cán bộ kỹ thuật của Viện Khoa học công nghệ Nhiệt lạnh – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Phạm Ngọc Chuyển như mở cờ trong bụng và anh có tờ trình về đề án xây dựng các lò gạch nung liên tục kiểu đứng trình Sở KHCN và lãnh đạo tỉnh. Được chấp thuận, anh nhanh chóng cho triển khai xây dựng tại nhà máy các lò dạng kiểu này. Nhờ đó sản lượng nung gạch chất lượng gạch loại cao, tiết kiệm nguyên liệu, giảm nhân công lao động. Khi hỏi về hiệu quả đầu tư, anh Chuyển cho hay: Kể từ năm 2003 đến nay, mô hình nung gạch này được áp dụng đã mang lại lợi ích thiết thực cả về kinh tế và đặc biệt là không còn ô nhiễm môi trường. Những ngày đầu tháng 3/2009, chúng tôi trở lại Cty CP Gạch ngói Quỳnh Lâm và nhận được tin vui: Cty chuẩn bị đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và cá nhân anh Chuyển được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Phần thưởng cao quý đó là niềm tự hào của CBCN Cty và cá nhân anh Chuyển, để hôm nay Quỳnh Lâm trở thành điểm sáng của ngành sản xuất VLXD ở Hoà Bình. |
Anh “Chuyển gạch”
2
Bài trước