máy bay đến côn đảo luôn vào lúc sáng sớm, nghĩa là khi hòn đảo được chiếu bởi muôn vàn những tia nắng chói lòa của buổi rạng đông. nhìn từ trên cao, đảo như một con gấu lớn quay lưng về đất liền phía tây, chân trước xoãi ra thái bình dương. biển hiền lành với những con sóng nhẹ và màu xanh muôn đời. những cánh rừng nguyên sinh vẫn còn nguyên vẹn, và ánh sáng lấp lóa hắt lên từ bờ cát. hòn đảo khiến cho tâm trạng buổi sáng của khách như bừng tỉnh. đúng vậy, có thể là giờ bay đến côn đảo được hãng hàng không tính toán theo sự hợp lý của việc kinh doanh, nhưng về tâm trạng, buổi sáng là thời khắc con người hay nghĩ đến những gì sắp tới. do vậy, thời gian và cảnh sắc ấy làm người ta dễ tạm quên đi cảm giác đang đặt chân lên mảnh đất từng là địa ngục, là bãi tha ma với những mẩu xương người vùi trong cát nóng…
cách nay mười bảy năm, tôi đặt chân lên côn đảo lần đầu trong cái nắng trưa gay gắt và luồng gió phần phật táp mạnh xuống từ cánh quạt chiếc trực thăng quân sự. sân bay cỏ ống lúc ấy còn hoang sơ, và con đường ven đảo cũ kỹ đầy ổ gà khiến chiếc xe jeep cứ nẩy tung lên. hồi ấy, hòn đảo vẫn còn lẩn khuất cái u hoài của một mảnh đất bị bao phủ bởi một quá khứ đau thương đầy máu. thì lần này, với tôi, lại là cảm giác phấn khích hơi tỉnh táo của một người quay trở lại nơi đã từng đến, để nhìn một sự thay đổi, với tâm trạng nửa hy vọng, nửa lo lắng.
sự xô đẩy và những tác động thô bạo vào môi trường tự nhiên và tâm linh ở nhiều khu di tích do công tác phục chế và đầu tư du lịch đã khiến ta luôn bị ám ảnh bởi những ý nghĩ bi quan đầy tiêu cực. sân bay cỏ ống đã rộng hơn, hiện đại hơn để đón những chuyến atr.72 chở du khách đến côn đảo ba chuyến mỗi tuần. con đường ven biển trải nhựa phẳng lì rộng rãi chạy thẳng đến trung tâm và nhiều con đường mới khác nối những khu dân cư mới được quy hoạch. đã có nhiều sự đầu tư đổ vào nhưng hình như một côn đảo với đầy đủ tính đặc thù vẫn chưa bị đe dọa lắm (tuy đã có dấu hiệu manh nha), khiến cái cảm giác lo lắng và những ý nghĩ bi quan ban đầu có phần được giải tỏa.
bắt đầu là sự hoang vắng! nhưng sự hoang vắng và vẻ tĩnh lặng đầy sức gợi, là đặc tính tự thân của côn đảo. đặc tính ấy được tạo nên bởi thân phận lịch sử của nó. như khúc dạo đầu lặng lẽ, để từ từ dẫn dắt người ta vào một bản giao hưởng buồn sau đó. và những xúc cảm dữ dội cứ ào ạt dần lên. những dấu ấn thực dân, những chứng tích của cái ác, nhưng không chỉ có vậy, bên cạnh những nhà tù với nền công nghệ cai trị và đàn áp đến tàn bạo, còn có những dấu ấn về đời sống đô thị của một thời. chúng vẫn còn hiển hiện, đã tạo ra, và để lại cho hòn đảo những giá trị riêng đầy bản sắc.
hãy nhìn toàn thể cấu trúc quy hoạch chung ở khu trung tâm. một cơ cấu hoàn chỉnh của hệ thống cai trị, điều hành, vận hành của một nơi giam giữ, gồm nhà tù, các công sở phục vụ bộ máy cai trị và nuôi tù nhân, nhà ở của nguời cai trị và cai tù. tất cả đã được các nhà kiến trúc và quy hoạch thực dân kiến tạo một cách hoàn hảo. dinh chúa đảo, nhà công quán với dấu ấn của nhạc sĩ lớn người pháp camllie saint-saens, ông đã ở đây từ 20-3 đến 19-4-1895 để hoàn thành vở nhạc kịch brunehilda. những con đường với hai hàng cây, khu phố cũ, hệ thống nhà ở của các chức sắc, những dãy nhà trệt nền cao, với bậc thềm duyên dáng và dãy hành lang phía trước, mái ngói dốc, mang một vẻ tinh tế của kiến trúc pháp đã được nhiệt đới hóa để phù hợp với khí hậu bản địa. một không khí đô thị cứ man mác một nỗi buồn, ấm cúng, hiền lành, và có chút gì lãng mạn. trong khung cảnh ấy, thật khó tưởng tượng rằng sự yên bình và khốc liệt chỉ cách nhau một bức tường thôi, sang bên kia, lại là một thế giới của cái ác và sự tàn bạo.
kiến trúc nhà tù côn đảo là một biểu hiện rất rõ sự tiến xa hơn về tính chất dã man, tàn bạo, từ thời pháp đến thời mỹ. nếu như ở thời pháp, đó là một tổng thể hoàn chỉnh với nhà nguyện, giảng đường, những dãy trại giam tường gạch mái ngói, trần cao, bao quanh khoảng sân rộng rãi, nhiều ít cũng có những bóng cây. những cái cổng được nghiên cứu chăm chút kỹ lưỡng về kiến trúc, như những trại phú hải, phú sơn, phú tường, mà phần vỏ của kiến trúc còn có “tính người” (cho dù là để mỵ dân); thì qua thời mỹ, là những dãy trại giam thấp bé, mái bê tông mỏng đè lên bốn bức tường như những cái hộp đặt nung dưới nắng lửa mùa hè. chúng thường nằm chơ vơ, rải rác ở những trại như phú an, phú bình, phú hưng. nhà tù thời mỹ mang một tính chất khủng bố rõ ràng, một sự thô bạo không cần che đậy.
nghĩa trang hàng dương là nơi yên nghỉ của hàng vạn con người, nhưng theo thống kê tổng cộng ở cả 4 khu a, b, c, d chỉ có 1.283 ngôi mộ, trong đó có nhiều khu mộ tập thể. như vậy là còn rất nhiều những nắm xương tàn vẫn nằm rải rác các nơi. những ngôi mộ ở hàng dương bây giờ nằm theo hàng lối và được đánh dấu bởi những lá cờ. nhưng nào ai khẳng định đã không còn những mẩu xương người lẫn đó đây trong cát trắng? hàng vạn con người ngã xuống, hàng vạn linh hồn bay lên, những linh hồn bất diệt và có cả những oan hồn. những nấm mồ hữu danh và vô danh, những chí sĩ yêu nước, nhà cách mạng, mà cái chết của họ đã trở thành bất tử. nhưng còn biết bao nhiêu những linh hồn khác, họ có thể ở các phe phái, các tầng lớp xã hội khác nhau, những con người bình thường bất hạnh. họ có thể là người lương thiện hay kẻ bất lương, tà hay chính, nhưng đều chịu chung một số phận đau đớn, u uất. linh hồn của họ như còn lởn vởn dọc hành lang trại tù, dưới gốc si cổ thụ, bên một bức tường xưa cũ, hay đâu đó ở những bậc thềm hoang. những cái chết đã được xác định, có người tưởng niệm, lo hương khói. nhưng còn biết bao nhiêu những linh hồn vơ vẩn khác không ai thờ cúng? trước kia, những người thiết kế nghĩa trang hàng dương đã có một ý tưởng rất hay, là làm một cái tháp chuông. ở đó treo lên một cái chuông để gió trời thổi vào, và gióng lên những hồi chuông như lời cầu nguyện. những tiếng chuông nguyện vô tư của trời, công bằng cho tất cả. nhưng rồi không hiểu tại sao, ý tưởng ấy không được thực hiện, đã thay vào đó là ba cây hương giả đồ sộ bằng bê tông?
những lớp sóng của lịch sử dân tộc đã dội vào côn đảo nhiều truyền thuyết. sinh hoạt tâm linh của người dân đảo là thờ hai nhân vật, đều là phụ nữ. bà phi yến, thứ phi của chúa nguyễn phúc ánh, tức nguyễn ánh. và võ thị sáu, một trinh nữ cộng sản kiên cường. những nhân vật đã đi vào huyền thoại. một người đàn bà chết để giữ gìn phẩm tiết. và một thiếu nữ hy sinh vì lý tưởng cách mạng. hai linh hồn, một chất chứa nỗi oan khuất xót xa, và một là trinh nữ vô tư đón cái chết như đi đến với buổi bình minh. hồn thiêng đã làm run sợ cả những kẻ hung tàn.
đến côn đảo, ta có tâm trạng như đến với một bản giao hưởng nhiều khúc đoạn. nó đưa đẩy cảm xúc con người theo từng phân cảnh. khúc lặng lẽ yên bình của biển, khúc trầm tư của núi, khúc lại cồn nên nỗi khắc khoải căm hờn, rồi trở lại nhịp nhàng với vẻ thanh bình của một đời sống êm ả trong lòng những khu phố cũ.
một mảnh đất mà mỗi di tích đều gắn với những cái chết. cầu tàu 914 là 914 người tù ngã xuống vì lao dịch. cầu ma thiên lãnh chỉ có hai mố cầu dở dang cũng đổi tới 356 mạng người. thì linh hồn của hòn đảo như được hợp nên từ hàng vạn những linh hồn đơn lẻ, nó bao phủ khắp nơi, ám vào những di tích, và khiến những di tích như phát ra những lớp sóng từ, có thể làm khuynh đảo mọi cảm giác, xoáy sâu vào lòng người.
di tích chỉ là phần vật chất còn lại của lịch sử, nó có thể bị hủy hoại bởi thời gian. nhưng linh hồn của những di tích mới là cái tồn tại muôn đời.
côn đảo – sài gòn, trước mùa vu lan 2006
bài: tạ mỹ dương
ảnh: t. m. d., nguyễn văn tất
(ktnđ số 07-2006)