Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long sẵn sàng cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long





Cùng với Hà Nội gấp rút chuẩn bị các công việc để tiến tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long, Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long cũng đang tiến hành những công việc cần thiết góp phần vào sự kiện trọng đại này. Đặc biệt, Hoàng Thành Thăng Long (HTTL) đã hoàn tất và gửi tới UNESCO bộ hồ sơ đề nghị được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Hy vọng, Việt Nam sẽ có thêm một di sản văn hóa thế giới nữa vào năm 2010, đúng thời điểm Đại lễ diễn ra.



HTTL đang được đề nghị với UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới


Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa và Thành Cổ Hà Nội (CL&TCHN) đã trao đổi xung quanh vấn đề này cũng như công tác bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa lịch sử của khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long.


Thưa ông, thời điểm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đang đến gần, là một trong những di tích quan trọng của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung HTTL đang có những kế hoạch chuẩn bị gì cho Ngày Đại lễ?


Ông Nguyễn Văn Sơn: Trung tâm HTTL vẫn đang tích cực vận động UNESCO sớm công nhận HTTL là Di sản Văn hóa thế giới.  Đồng thời đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu quy hoạch tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm chính trị Ba Đình và tỷ lệ 1/500 cho khu di tích  trung tâm Hoàng Thành Thăng Long. Trung tâm đang triển khai dự án cải tạo chỉnh trang các di tích hiện có, tiến hành trưng bày một số di vật tiêu biểu của khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và chỉnh trang hệ thống ánh sáng, đường nội bộ, cây cảnh góp phần phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long.


Ngoài ra, Trung tâm cũng đang tiến hành nghiên cứu, công bố một số ấn phẩm giới thiệu về di sản HTTL, tổ chức một số hội thảo trong nước về HTTL và về các vương triều Lý, Trần, Lê. Hiện nay Trung tâm HTTL đã thực hiện kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền về HTTLT. Dự kiến, trong khoảng quý III/2009, website đầu tiên về HTTL sẽ ra đời để nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế biết nhiều hơn về HTTL.


Còn rất nhiều phần việc khác nhằm quảng bá, phát huy, bảo tồn những giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt của HTTL đang được Bộ Ngoại Giao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND TP.Hà Nội, Uỷ ban Unesco, các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung Ương và Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia 1000 năm Thăng Long chỉ đạo thực hiện.


Hiện nay, quá trình đề nghị UNESCO công nhận HTTL là Di sản Văn hóa Thế giới được tiến hành đến đâu, thưa ông?


Ông Nguyễn Văn Sơn: Như chúng ta đã biết, đầu năm nay, bộ hồ sơ Trung tâm HTTL được Việt Nam hoàn tất và gửi tới Paris (Pháp) đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.


Đến khoảng tháng 10 – 11/2009, Icomos (Tổ chức giám sát độc lập) của UNESCO sẽ kiểm tra thực địa để so sánh với nội dung của hồ sơ đã đệ trình. Sau khi kiểm tra, Icomos sẽ có nhận xét, đánh giá gửi Hội đồng Di sản trước ngày 15/2/2010. Trong khoảng 6 tuần, Hội đồng Di sản sẽ nghiên cứu, xem xét nhận xét của Tổ Tư vấn UNESCO.


Hồ sơ HTTL đã được phía Việt Nam chuẩn bị rất tốt, được phía UNESCO đánh giá là đảm bảo quy định của công ước về Di sản Văn hóa thế giới năm 1972. Vấn đề quan trọng là UNESCO sẽ tiến hành kiểm tra thực địa cũng như nghiên cứu, xem xét xác định những tiêu chí về giá trị di sản mà chúng ta đề nghị có đáp ứng tiêu chí là di sản văn hoá của nhân loại không, hay chỉ là di sản văn hoá quý giá của dân tộc. Tất nhiên, những tiêu chí mà chúng ta đề nghị đã được đưa ra thảo luận tại rất nhiều hội thảo và được các chuyên gia trong nước cũng như chuyên gia của UNESCO đánh giá cao.


 Những giá trị văn hóa lịch sử tiêu biểu của HTTL đã được khẳng định, theo ông làm thế nào để tiếp tục bảo tồn, phát huy và giữ gìn những giá trị đó?


Ông Nguyễn Văn Sơn: Từ năm 2006, Trung tâm HTTL đã bắt đầu phát triển những chương trình hợp tác với các cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế để xây dựng kế hoạch bảo tồn lâu dài và phát huy giá trị di sản.


Hiện nay, Trung tâm HTTL đang hợp tác với các cơ quan nghiên cứu của các nước như: Nhật Bản, Pháp và các chuyên gia của UNESCO về phương án, bảo tồn, phương pháp bảo tồn cụ thể cho từng loại di vật theo các chất liệu khác nhau. Việc bảo tồn phải được tiến hành theo kế hoach trong nhiều năm với những bước đi cho thích hợp vì đối với di sản không thể làm vội, làm gấp được. Nếu chưa hiểu rõ di sản mà làm gấp, làm vội thì sẽ đồng nghĩa với phá hoại.


Một vấn đề nữa là bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích HTTL cần phải có sự phối hợp từ nhiều phía, từ các cơ quan quản lý, các cơ quan chuyên môn, chuyên gia nghiên cứu văn hóa lịch sử…vv và đặc biệt là hệ thống thông tin truyền thông đại chúng với nhiều hình thức tuyên truyền, quảng bá để đưa những giá trị của di sản tới công chúng, tới bạn bè quốc tế.


Khu trung tâm của HTTL gần với một số di tích lớn như Văn Miếu Quốc tử Giám, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Lăng Bác… và một số di tích lân cận. Vì vậy trong kế hoạch quản lý di sản đã tính đến việc phối hợp giữa các cơ quan để hình thành các tuyến du lịch tạo thuận lợi, hấp dẫn du khách được thăm nhiều di sản trong một thời gian thích hợp.



Trân trọng cám ơn ông!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *