Không để hình thành những “khu nhà nghèo”



 










Khu nhà giá rẻ tại Vĩnh Yên – Ảnh: Q.D



Ngày 14.4, Bộ Xây dựng đã tổ chức họp trực tuyến với 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Vĩnh Phúc, Đồng Nai và Bình Dương về phát triển nhà cho các đối tượng khó khăn.


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, về cơ bản, Chính phủ đã thống nhất với dự thảo nghị quyết “Về một số cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp (TNT) tại khu vực đô thị” mà Bộ Xây dựng trình và dự kiến nghị quyết sẽ được ban hành trong tuần này. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành 3 quyết định quy định cụ thể về chính sách, cách thực hiện, nguồn vốn, trách nhiệm của các bộ ngành và địa phương. Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng các chính sách và chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tổ chức cho công nhân, sinh viên, người TNT vay tiền để mua nhà, thuê nhà. 


Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, trong các năm 2009 – 2010, Chính phủ sẽ dành khoảng 8.000 tỉ đồng tiền trái phiếu để thực hiện xây ký túc xá cho sinh viên, trong đó, dự kiến TP.HCM và Hà Nội mỗi địa phương sẽ được bố trí 2.500 tỉ đồng. Các tỉnh, thành phố cũng đã có quỹ đất sạch nhất định cho xây ký túc xá, nhà cho công nhân và người TNT. Hiện cũng đã có trên 80 dự án do các doanh nghiệp có đất sạch đăng ký và họ sẵn sàng khởi công xây dựng. Vì vậy, nhu cầu về vốn và đất sạch cho mục tiêu xây dựng các loại nhà nêu trên trong 2 năm 2009 – 2010 về cơ bản là thuận lợi. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam yêu cầu các địa phương lựa chọn và đăng ký ngay từ bây giờ đến cuối tháng 4 một số dự án cụ thể có đất sạch, nêu rõ quy mô, thiết kế và chủ đầu tư. “Dự án nào khả thi sẽ trình Thủ tướng phê duyệt ngay, không nhất thiết phải đợi đủ các dự án. Các địa phương cần đặc biệt ưu tiên, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục để sớm triển khai trong quý 3/2009, mục tiêu đến cuối năm 2010, đầu năm 2011 sẽ có quỹ nhà đáp ứng được một phần nhu cầu cấp bách về chỗ ở cho sinh viên, công nhân và người TNT” – ông Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh. 


Tại buổi họp hôm qua, ông Nguyễn Tấn Bền – Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị nên cho phép các đơn vị sử dụng lao động, nếu tự xây dựng nhà ở cho công nhân cũng được hưởng các chính sách của nghị quyết này. Ông Nguyễn Quốc Tuấn – Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng đồng quan điểm với ông Bền và đề nghị thêm, khi nghị quyết có hiệu lực sẽ cho phép áp dụng đối với các dự án xây nhà cho công nhân, sinh viên và nhà cho người TNT đã hoặc đang thực hiện dở dang. 


Về băn khoăn của dư luận trong việc xây dựng các khu nhà cho công nhân, người TNT sẽ tạo điều kiện hình thành những khu người nghèo sau này, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nói: “Thực tiễn người nghèo không có đủ tài chính để sở hữu những căn hộ ở các khu trung tâm, hoặc sống trong khu chung cư cao cấp. Tuy nhiên, chúng ta không thể đẩy người nghèo ra các khu vùng sâu, vùng xa. Sẽ phải giải quyết bài toán này thông qua công tác quy hoạch, xây dựng xen kẽ những khu nhà ở xã hội với nhà ở thương mại và đảm bảo các khu nhà cho công nhân, người TNT có đầy đủ cơ sở hạ tầng xã hội và được kết nối tốt với hệ thống hạ tầng đô thị. Các dự án xây nhà thương mại có quy mô trên 10 ha sẽ phải dành 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội”. 


Trước lo ngại về tình trạng người dân sau khi mua được nhà giá thấp sẽ ngay lập tức bán cho người khác, ông Nguyễn Trần Nam khẳng định: “Dự thảo nghị quyết quy định rõ chủ sở hữu không được bán, chuyển nhượng cho người khác trong 10 năm, nếu muốn bán phải bán cho Nhà nước hoặc chủ đầu tư để phân phối cho các đối tượng khác cần hỗ trợ về chỗ ở và phải nộp lại một khoản tiền nhất định”. 


Quang Duẩn 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *