Dự án KCN Tân Phú Trung: Doanh nghiệp bức xúc vì bị ép giải tỏa



 







 


Ngày 14.4, đoàn công tác liên ngành do 3 bộ Tài nguyên – Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư đã có buổi tiếp xúc với 48 doanh nghiệp có nhà xưởng, đất đai nằm trong phạm vi giải tỏa của dự án KCN Tân Phú Trung (huyện Củ Chi, TP.HCM). Hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều bày tỏ sự bức xúc vì những vi phạm pháp luật xảy ra trong quá trình giải tỏa thực hiện dự án này.


Mặc dù trong năm 2007, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã 3 lần chỉ đạo phải làm rõ những vấn đề liên quan đến việc giải tỏa tại dự án KCN Tân Phú Trung (TP.HCM) để báo cáo Chính phủ, nhưng những ý kiến chỉ đạo này đã không được triển khai rốt ráo. Ngày 21.11.2008, Văn phòng Chính phủ tiếp tục truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải làm rõ những ý kiến khiếu nại của người dân và DN xung quanh việc giải tỏa đền bù tại dự án này, báo cáo Thủ tướng chậm nhất là ngày 20.12.2008. Thế nhưng, mãi cho đến hôm qua, gần 4 tháng sau hạn định nói trên, các DN có nhà xưởng, đất đai thuộc phạm vi dự án mới được trình bày nguyện vọng và nỗi bức xúc của mình.







Tại buổi họp ngày 14.4.2009 giữa đoàn công tác liên ngành với DN, ông Lê Minh Tấn – Chủ tịch UBND huyện Củ Chi đã yêu cầu công an thu hồi máy quay phim, máy chụp hình của các PV thuộc các báo Thanh Niên, Sài Gòn Giải Phóng, Lao Động, Pháp Luật và Đài truyền hình Việt Nam. Ông Tấn còn yêu cầu lực lượng công an “giải tán” các báo đài đến tham dự cuộc họp, mặc dù các phóng viên tác nghiệp đúng theo Luật Báo chí. Sau đó, ông Tô Văn Đáp – Phó chánh thanh tra Bộ TN-MT, trưởng đoàn công tác liên ngành và ông Lê Minh Tấn đã “mời” phóng viên báo đài để làm việc riêng. Khi phóng viên các báo đài viện dẫn Luật Báo chí để phản ứng cách làm việc này, cả hai ông mới đồng ý cho các phóng viên vào phòng họp.


Ông Hồ Cao Tâm, Phó giám đốc Công ty TNHH thương mại – dịch vụ Quán Quân cho rằng: “Nhiều DN hưởng ứng chủ trương của UBND TP.HCM, từ nhiều năm trước đã di dời các cơ sở ô nhiễm ra ngoại thành và về mua đất ở Tân Phú Trung để xây dựng nhà xưởng. Tuy nhiên, một số DN khi đã được kiến trúc sư trưởng chấp thuận về quy hoạch, sau đó xin giấy phép xây dựng thì bị từ chối. Điều này khiến cho các DN bị thiệt hại rất lớn”. Nhiều DN phản ảnh: đất của DN mua cách đây 8 – 10 năm với giá từ 200 – 400 ngàn đồng/m2 để xây dựng nhà xưởng, có quyết định giao đất của UBND TP.HCM và có văn bản chấp thuận địa điểm của kiến trúc sư trưởng nhưng sau đó bị buộc phải nhận tiền đền bù 65.000 đồng/m2, nếu phải thuê lại thì theo khung giá của chủ đầu tư là Công ty cổ phần phát triển đô thị Sài Gòn Tây Bắc (SCD), doanh nghiệp phải đóng từ 65 – 90 USD/m2 (trong vòng 50 năm). Đây là điều bất hợp lý lớn nhất trong quá trình giải tỏa đền bù ở dự án KCN Tân Phú Trung.


Ông Tạ Duy Hinh, Giám đốc Công ty Quốc Hưng cho rằng: “Việc làm của chủ đầu tư và UBND huyện Củ Chi là áp đặt và quá tùy tiện”. Còn ông Nguyễn Chí Công, chủ một cơ sở sản xuất nằm trong phạm vi dự án thì bức xúc: “Do thời gian giải quyết khiếu nại đền bù quá dài nên hầu hết thiết bị máy móc của cơ sở chúng tôi nhập về phải để phơi mưa nắng năm này sang năm khác. Ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại này?”.


Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, ngày 18.1.2008, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Trung Tín đã có cuộc gặp gỡ với các DN để lắng nghe ý kiến. Nhưng suốt một thời gian dài, mặc cho sự bức xúc của gần 70 DN, UBND TP.HCM vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng để giải quyết vấn đề đền bù tại dự án KCN Tân Phú Trung. Ông Hồ Cao Tâm nói: “Tôi không hiểu vì sao lại phân loại DN ra và họp với 16 DN trước vào ngày 13.4.2009 và 48 DN vào ngày hôm nay?”.


Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trong một bản danh sách thống kê các trường hợp đã có quyết định giao đất – thuê đất trước khi hình thành KCN Tân Phú Trung do Sở TN-MT TP.HCM lập, có 44 DN đã được giao – thuê đất, trong đó có 39 quyết định do UBND TP.HCM ký và 5 quyết định do UBND huyện Củ Chi ký. Nhiều trường hợp trong số này đều được chấp thuận về địa điểm xây dựng và được trả lời là phù hợp quy hoạch. Câu hỏi đặt ra là trong quá trình giải tỏa đền bù tại dự án KCN Tân Phú Trung, tại sao các cơ quan chức năng không xem xét đến các yếu tố pháp lý này để minh định một cách rõ ràng và linh hoạt khi giải tỏa đền bù?


Trần Thanh Bình


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *