|
Hanoinet – Tổng số tiền bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước tại TP.HCM từ 1994–2007 là hơn 7.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác bán nhà ở này vẫn còn gặp nhiều khó khăn và tồn tại những bất cập.
Ngày 17/4, Hội đồng bán nhà ở TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê ở theo Nghị định 61/CP. Theo đơn vị này, hiện quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước do TP.HCM quản lý có quy mô hơn 105.000 căn, chỉ đứng sau Hà Nội.
Trong đó, 30.385 căn chuyển thành nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo chính sách pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý của TP; 11.716 căn do cơ quan hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, đoàn thể nhân dân, tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp Nhà nước quản lý chuyển giao cho TP để thực hiện chủ trương tập trung đầu mối quản lý…
Theo đơn vị này, hiện nay quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước tại TP nằm phân tán trên 24 quận, huyện với sự chênh lệch về quy mô rất lớn. Số nhà này chủ yếu tập trung tại 5 quận: 1, 3, 5, 10, Bình Thạnh và Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.
Về công tác bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê, tính từ tháng 12/1994 đến 31/12/2007 TP đã duyệt giá 89.565 căn trên tổng số 94.502 căn thuộc diện được bán. Tổng giá trị duyệt giá gần 7.300 tỷ đồng.
Cũng theo đơn vị này, nguồn thu từ tiền bán nhà đã được TP sử dụng vào mục đích đầu tư phát triển nhà ở mới phục vụ tái định cư cho các hộ dân di dời thuộc các dự án, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và nhu cầu cải thiện cơ sở hạ tầng khu dân cư thu nhập thấp…
Ngoài ra, theo Hội đồng bán nhà ở TP, nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP.HCM hiện còn 14.610 căn, chưa kể 701 căn qua rà soát của quận, huyện đến ngày 31/12/2007 hiện còn do các cơ quan, tổ chức khác quản lý chưa chuyển giao cho TP.
Tuy nhiên, Hội đồng bán nhà ở TP.HCM cũng cho biết, công tác bán nhà còn khó khăn như nguồn gốc hình thành và những hệ lụy phát sinh trong quá trình quản lý kém hiệu quả, dẫn tới việc quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước còn có tính chất rất phức tạp cả về kỹ thuật lẫn pháp lý.
Bên cạnh đó, quy định quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước tuy được ban hành nhiều nhưng chưa được hệ thống hóa, đồng bộ hóa. Năng lực và phương pháp quản lý của các công ty quản lý nhà ở còn thiếu tính chuyên nghiệp, dẫn tới hoạt động quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hiệu quả chưa cao. Thậm chí còn để xảy ra tình trạng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước bị chiếm dụng.
Mặt khác, theo đơn vị này, một bộ phận không nhỏ người thuê nhà ở vi phạm quy định như chuyển nhượng không hợp lệ; xây chen, cơi nới; tranh chấp… người sử dụng không có hộ khẩu thường trú tại căn nhà, thậm chí không có hộ khẩu tại TP; nợ tiền thuê nhà; cho thuê lại một phần hoặc cả căn… gây thất thoát tiền của Nhà nước.
Trên thực tế, tiền cho thuê nhà ở không đủ để duy trì chống xuống cấp quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước trong khi nhu cầu nhà ở của người có công với cách mạng, nhân dân lao động và cán bộ công chức lại vô cùng bức bách.
Theo VNN