Ngôi nhà của Mẹ

ngôi nhà của mẹcòn nhớ, lúc bắt đầu đợt cải tiến tổng thể từ số tháng 4-2006, kiến trúc nhà đẹp đã gửi một thông điệp đến bạn đọc: “ngôi nhà, nơi ta gặp nhau, là tổ ấm”. bây giờ tôi mới hơn ba mươi tuổi, nhưng tôi có quá nhiều điều thấm thía về một ngôi nhà – tổ ấm của chúng tôi…

mẹ bảo căn nhà xây khi tôi được hơn một tuổi, và tôi đã ở đó cho đến lúc lấy chồng. cho đến năm tôi mười hai tuổi, nó vẫn là căn nhà đẹp nhất vùng. trên diện tích một ngàn mét vuông, nó nằm cân đối giữa vườn cây. khách đến chơi, không ít người mơ ước, dòm ngó nó, thậm chí bắt chước kiểu – nếu có tiền sẽ xây như thế…

điều ấn tượng nữa là căn nhà có nội thất toàn bằng gỗ quý. từ cái tủ thờ giữa nhà đến mọi vật như giường, bàn, ghế… khắp các phòng đều tinh xảo. nền nhà lát gạch bông màu xanh ngọc đậm, gạch thời đó tuy khổ nhỏ nhưng bóng đẹp vô cùng, càng lau càng bóng. ngủ dậy mỗi sáng sớm, tôi luôn thấy mình khỏe khoắn và vui tươi chạy thẳng ra vườn chơi với bầy gà, hái vài quả mãng cầu hay lượm mấy quả mít chín cây…

căn nhà được xây bằng một phần công sức mẹ tôi làm cả mấy mẫu rẫy, phần lớn từ của cải do ông bà nội tôi cho (khi còn sống, ông tôi là một nhà buôn mía đường và nông sản nổi tiếng khắp miền đông nam bộ trước giải phóng). chỉ có điều, nhà xây được ba năm thì ba tôi không ở nữa. lúc bấy giờ mẹ vừa sanh đứa em tôi được mười tháng…

những điều gì xảy ra hoặc xảy ra như thế nào để ba mẹ tôi xa nhau, lúc ấy tôi không biết (nhưng sau này thì tôi hiểu). điều tôi nhớ là trong căn nhà ấy, hai lần tôi thấy mẹ khóc. lần thứ hai là lúc tôi vào đại học, còn lần đầu là lần mẹ xếp áo quần cho ba đi với người khác. mẹ để dành cho tôi một cái áo thun của ba để tôi đỡ nhớ, một bộ đồ cho mẹ và một cái áo cho thằng em tôi đừng khóc nếu ba không về.

tôi không muốn nhớ cái buổi chiều ám ảnh đó, một buổi chiều cuối năm, hình như là hai mươi hai tết, mẹ tôi đưa ba tôi ra cổng để đi đến với người đàn bà khác… nhưng tôi không quên được, một tay mẹ ẵm nách em tôi, một tay mẹ bụm miệng tôi đừng khóc, còn ánh mắt mẹ xa xăm, đau xót nhìn theo bóng ba tôi xa dần về phía cuối đường trên chiếc xe vespa với cái giỏ đồ mẹ gói.

căn nhà nổi tiếng đẹp và cổng kín tường cao giờ như một cái chùa. vì nằm ở đầu dốc, nó trở thành điểm dừng nghỉ chân cho người đi chợ, thồ hàng, bán ve chai, hàng rong…, thậm chí có thể cho người lỡ đường nghỉ qua đêm và cho cả diễn viên cải lương ở nhờ trong lúc đoàn về diễn tại vùng này. mẹ tôi mở cửa và mở cả lòng. mẹ nuôi heo, trổ nhà ra xây thêm mấy dãy chuồng heo phía sau. mẹ bán những con hổ, con beo, đầu nai nhồi lông thú cho lái. mẹ buôn bắp, cho chứa hàng, mở quán bán bánh bèo, bánh xèo, mở tiệm tạp hóa, rồi quán cà phê cóc… những gì có thể làm để nuôi hai đứa con dại và đem lại sinh khí cho ngôi nhà, mẹ đều làm. mẹ cắt tóc ngắn, leo lên giếng sửa máy bơm, leo lên nóc nhà lợp ngói hư hay là thậm chí sửa máng xối, bắt con mèo đẻ trên la phông. mẹ trở thành đàn ông trong căn nhà rộng không có người làm trụ cột.

tôi rồi cũng quen với “căn nhà cũ kiểu mới”. cái thói quen mà tôi nhớ mãi đã trở thành quy luật là cứ đúng sáu giờ chiều, nhà tôi đóng chặt cửa. mẹ cho chúng tôi ăn và tắm trong nhà bếp rồi lấy tất cả thau chậu bằng kim loại treo lên mọi cái cửa sổ lớn và cửa ra vào. mẹ bảo treo thế để khi kẻ trộm nào cạy cửa thì đồ đạc sẽ rớt, mẹ sẽ nghe mà ra chống trộm! những ngày mưa, mẹ kiếm thau chạy hứng dột khắp nhà, tôi ngồi học bài mà nghe lòng đau. ba tôi không một lần về vì bận vun trồng hạnh phúc ở một ngôi nhà khác.

ba không về. tôi và em trai lập nghiệp ở thành phố. cuối cùng mẹ treo bảng bán nhà. mẹ nói mẹ đã khóc nhiều ngày và đi đến quyết định đó. mẹ bỏ lại ba mươi năm cùng nhiều thứ trong căn nhà của mẹ để theo con xa quê, xa tất cả.

bây giờ chúng tôi có một căn nhà ống ở phố. em tôi lớn, người đàn ông trụ cột đã có nhưng mẹ tôi cứ khóc khi nói về căn nhà cũ. mỗi lần mẹ về quê thì việc đầu tiên là xuống xe đi bộ từ đầu dốc để có thể nhìn căn nhà từ xa mà không ai biết. tôi thường bảo cố quên căn nhà cũ đi mẹ, nhìn làm gì hả mẹ, nhưng mẹ luôn lắc đầu: “đừng con!”.

bài: hồ phụng

(ktnđ số 4-2008)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *