Hà Nội sẽ “bội thực” màn hình quảng cáo dịp nghìn năm





 – Khá nhiều doanh nghiệp đang sẵn sàng bỏ tiền lắp hàng loạt màn hình lớn, công cụ trình chiếu (LED) trên đường phố Thủ đô với lý do quảng bá Hà Nội nghìn năm, nhưng dĩ nhiên  đều “lồng” các quảng cáo riêng dưới nhiều hình thức. Vấn đề chỉ là Hà Nội có đồng ý hay không và đồng ý đơn vị nào…


 








Mô hình 1 biển LED tấm lớn.


Theo Đề cương các hoạt động tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và Đại lễ kỷ niệm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngoài đồng hồ đếm ngược đã được lắp tại khu vực vườn hoa đền Bà Kiệu gần hồ Hoàn Kiếm – một số địa điểm khác tùy từng “mốc” còn 500 ngày, còn một năm… cũng được đưa vào kế hoạch lắp đặt, như: vòng xoay khu vực Trung tâm Hội nghị Quốc gia; địa đầu thành phố Hà Đông; vòng xoay cầu chui


Đề cương này chỉ định hướng “lắp dựng một bảng LED mầu điện tử chất lượng cao trên hành lang ban công Nhà triển lãm Thành phố 93 Đinh Tiên Hoàng, thường xuyên đưa hình ảnh Hà Nội phát triển“.


Một công ty xin lắp 500 bảng LED tại Thủ đô


Đó là Công ty CP An Xuân thuộc Tập đoàn Ancom. Với lý do “quảng bá hình ảnh Hà Nội đến đông đảo nhân dân Thủ đô và khách du lịch quốc tế, tuyên truyền các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thành ủy và UBND“, doanh nghiệp này vừa qua đã trình một dự án tự nguyện bỏ hoàn toàn kinh phí để lắp một hệ thống từ 300 – 500 màn hình LED tại nhiều tuyến phố, vận hành 3 cặp thuyền Long Phụng trên hồ Tây, hồ Trúc Bạch và Thiền Quang mỗi thuyền “đeo” trên mình 1 màn hình LED cỡ lớn và nhiều màn hình lớn khác trên các tòa nhà cao tầng tại Hà Nội.


Công ty này không cần tiền của Thành phố mà chỉ cần cho phép lắp đặt. “Đổi lại, xin được khai thác quảng cáo trên hệ thống để thu hồi vốn và duy trì hệ thống” – Giám đốc Bùi Tùng Lâm của công ty này cho biết.


Trước đề nghị này của Cty An Xuân, qua nhiều cuộc họp bàn, các sở, ngành đã “gút” lại số lượng màn hình LED dự kiến lắp đặt chỉ bằng khoảng 1/10 mong muốn của doanh nghiệp, tức là chỉ 39 vị trí rải rác quanh hồ Hoàn Kiếm, hồ Thiền Quang và vài đường phố như Hai Bà Trưng, Trấn Vũ, Thanh Niên…


Cùng với đó, 2 cặp thuyền Long Phụng của Cty An Xuân cũng được các quận Tây Hồ và Hai Bà Trưng chấp thuận neo đậu tại hồ Tây và hồ Thiền Quang, dĩ nhiên không thể thiếu các màn hình LED lớn – mục đích chính – mà nó “cõng trên lưng”!


 







TIN LIÊN QUAN


  • GS Phan Huy Lê: “…Tôi đề nghị gác công trình này lại”
  • Lắp đồng hồ đếm ngược nhắc 1000 năm Thăng Long
  • 1000 ngày đếm ngược về Thăng Long nghìn năm
  • Video: Khởi động đồng hồ đếm ngược

Tuy nhiên, tham mưu cho Thành phố Hà Nội vấn đề này, Sở VH-TT&DL sau đó chỉ đề nghị duyệt dự án của An Xuân với số lượng rút đi còn tổng cộng 33 bảng LED.


Việc này dường như khiến An Xuân không thỏa mãn. Công ty đã tiếp tục gửi văn bản tới UBND TP, khẳng định hệ thống thiết bị của dự án đồng bộ không thể tách từng phần, rằng “công ty đã bỏ rất nhiều chi phí thuê chuyên gia nước ngoài khảo sát, thiết kế và lựa chọn thiết bị đảm bảo tính hiện đại nhất cũng như phù hợp môi trường khí hậu Việt Nam, đảm bảo mỹ quan đô thị“, rằng “công ty đã thuê thiết kế kỹ thuật chi tiết các thuyền Long Phụng đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và đã có chứng nhận của Cục Đăng kiểm đường sông“…


Chưa kể, vừa qua, Công ty CPTM Quảng cáo Vương Gia đã xin được tài trợ toàn bộ chi phí để “thay thế hệ thống đèn trang trí cũ, lạc hậu trên địa bàn thành phố bằng hệ thống đèn LED hiện đại, tiết kiệm năng lượng…” hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.


Ngoài ra, Công ty CP Sunlogo cũng muốn góp phần làm đẹp Thủ đô nghìn năm tuổi thông qua việc xin phép được tuyên truyền kết hợp khai thác quảng cáo thương mại tại 2 bên thành hàng loạt cầu vượt: Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Ngã tư Xuân Thủy – Hồ Tùng Mậu


Duy trì bảng LED thêm 10 năm sau Đại lễ?


Bám sát Đề cương của Thành phố, một doanh nghiệp khác – Công ty CP Quốc tế Minh Hoàng Gia vừa qua cũng đề nghị được tham gia tuyên truyền cổ động trực quan nhân dịp 1.000 năm Thăng Long, trong đó lắp một bảng LED kích thước tương đương 100m2 tại vòng xoay khu vực Trung tâm Hội nghị Quốc gia – đường Phạm Hùng – đường Trần Duy Hưng (Hà Nội), với chức năng đồng hồ đếm ngược.


Song song đó, Minh Hoàng Gia xin dựng nhiều pano tấm lớn tại 5 cửa ô: đầu đường 1B hướng Nam (cửa ô phía Nam), đường Hà Nội – Lạng Sơn (giáp Bắc Ninh), đường sân bay Nội Bài (ngã tư đi Vĩnh Phúc), đường Láng – Hòa Lạc tại nút giao, đầu đường 5 đi Hải Phòng. Chưa hết, khoảng 20.000 bandrole được doanh nghiệp này xin phép treo trên các đường phố chính 10 quận nội thành, thị xã Sơn Tây và 18 huyện ngoại thành Hà Nội.


 








Khu vực Trung tâm Hội nghị Quốc gia chính là trung tâm Hà Nội mở rộng hiện nay, và Minh Hoàng Gia chưa lắp bảng LED lớn thì ở đây cũng đã có quảng cáo tấm lớn rồi! (Ảnh: H.H)


Riêng đồng hồ đếm ngược khổng lồ và các pano tấm lớn (kể trên), dù phục vụ lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long nhưng Cty Minh Hoàng Gia đề nghị được duy trì tồn tại không chỉ đến dịp nghìn năm mà còn suốt 1 thập kỷ sau Đại lễ!?


Mặc dù theo Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, đa số ý kiến các sở, ban, ngành đều thống nhất cho phép Minh Hoàng Gia lắp 1 đồng hồ đếm ngược lớn tại vòng xoay Phạm Hùng – Trần Duy Hưng nhưng không phải không có nhiều ý kiến băn khoăn trên thực tế.


Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Danh Lợi đưa ý kiến về góc độ an toàn giao thông, cho rằng việc đặt bảng LED (nếu được phép) phải đảm bảo về: vị trí, kết cấu, kỹ thuật ánh sáng… sao cho không khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông, ánh sáng của biển LED cũng không làm lóa mắt người đi đường…


Đại diện lãnh đạo Sở QH-KT Hà Nội thì nhìn nhận bảng LED tựa như một công trình kiến trúc, vì vậy cần đảm bảo mỹ thuật trong cả kích thước, vật liệu, kiểu dáng… sao cho vẻ đẹp chung toàn khu vực đó được tôn lên. Hơn nữa, vị trí dự kiến đặt bảng LED là khu đất dự trữ xây khu Liên cơ sau này của Thành phố cùng công trình đường sắt trên cao – cần xem xét kỹ đề nghị duy trì bảng LED và pano tấm lớn thêm 10 năm sau Đại lễ.


 








Trung tâm Hội Nghị Quốc gia đã luôn bị kêu ca là xây trên một nền quá thấp, bản thân công trình cũng không lấy gì làm “cao lớn” – đi ngoài đường phải chú ý lắm mới có thể bao quát thấy… nhưng nay có khả năng lại tiếp tục bị che khuất bởi nhiều quảng cáo tấm lớn, được lắp đặt trên cao, phía ngoài vòng xoay Phạm Hùng – Trần Duy Hưng (Ảnh: T.M).


Đáng chú ý, một đại diện Sở VH-TT&DL đã khẳng định vị trí Minh Hoàng Gia xin phép lắp biển quảng cáo tấm lớn (như trên) là chưa phù hợp vì từng có tiền lệ doanh nghiệp bị cưỡng chế tháo dỡ biển quảng cáo tấm lớn cũng tại vị trí này. Theo đại diện này, nếu cho phép Minh Hoàng Gia triển khai lắp đặt tại đó e sẽ có sự phản ứng từ những đơn vị đã bị từ chối.


Hơn nữa, theo đại diện Sở VH-TT&DL, đã có qui định phía trước trụ sở các cơ quan Nhà nước không được phép đặt các biển quảng cáo (nhất lại là tấm lớn) và Thành phố đã dự kiến xây khu liên cơ ở vị trí này. Tuy nhiên, nếu để phục vụ nhiệm vụ chính trị và Đại lễ, việc đặt màn hình LED tại đây có thể được  cho phép, nhưng ngay sau Đại lễ sẽ phải dỡ đi!


Được biết, Đề cương các hoạt động tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và Đại lễ kỷ niệm cũng định hướng “tuyên truyền cổ động trực quan về Thăng Long – Hà Nội bằng hệ thống panô tấm lớn trên các tuyến đường lớn của Hà Nội (bằng tiếng Việt và tiếng Anh)” nhưng cũng chỉ yêu cầu  hệ thống panô này lắp đặt thường xuyên liên tục từ năm 2009 đến hết năm 2010 và không quên nhấn mạnh “triển khai các cụm panô cổ động trực quan trên toàn thành phố theo qui hoạch thống nhất“.




  • Tràng An Nguyễn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *