Khai thác không gian kiến trúc cảnh quan tại các khu di tích





Trải qua hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ đất nước, cha ông đã để lại cho chúng ta biết bao di tích lịch sử văn hóa có giá trị. Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến là một trong những nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa nhất cả nước.





Trong những năm qua, nhiều di tích được tu bổ tôn tạo đã phát huy được giá trị vốn có thu hút nhiều du khách tới viếng thăm và tham dự các lễ hội. Nhiều di tích mỗi năm có tới hàng triệu lượt du khách, đặc biệt ngày cao điểm có tới hàng chục vạn người đến dự lễ hội




CÙNG ĐIỂM LẠI CẢNH QUAN CÁC KHU DI TÍCH HIỆN NAY




Tổ chức, khai thác tốt không gian kiến trúc cảnh quan tại các khu di tích lịch sử văn hóa là vấn đề mấu chốt để thu hút du khách. Số lượng du khách lại là vấn đề sống còn của ngành du lịch. Bên cạnh những di tích có cảnh quan đẹp, vẫn còn có nhiều di tích không còn giữ lại được những giá trị vốn có bởi những tác động của thiên nhiên, con người. Nhiều di tích nổi tiếng đến nay chỉ còn trong sử sách và nuối tiếc như thành cổ Xương Giang – Bắc Giang. Hay như khu lăng Hoàng Cao Khải – Hà Nội, nếu khu lăng mộ này còn thì nay Thủ đô vẫn còn một điểm đến cho các du khách…




Ngoài ra, còn biết bao di tích đã không còn hấp dẫn các du khách bởi nhiều lý do như hiện tượng di tích gốc không được giữ gìn, tôn tạo hoặc trong quá trình tôn tạo đã làm sai lệch, làm giảm đi giá trị vốn có của nó. Chúng ta còn nhớ có lần người dân Hà Nội phải giật mình ngơ ngác trước cảnh Tháp Rùa trên Hồ Gươm được “tân trang” quét vôi trắng toát, Trên đỉnh núi Hùng, người ta đã lấy cây cột của một ngôi đền miếu cổ nào đó để dựng lên, nói là cột đá thề của An Dương Vương. Di tích gốc đã vậy, còn bên cạnh các khu di tích thì mọc lên đủ thứ. Những hàng quán, cái lớn cái nhỏ, tạm bợ với những tấm bạt vá chằng vá đụp, những mảnh nilon rách nát, những tấm kim loại hoen rỉ; những hồ bán nguyệt quanh di tích thì cỏ dại thả sức mọc, rác rưởi vương vãi khắp nơi. Xung quanh khu di tích thì nhà cao nhà thấp, nhà lớn nhà bé đủ hình dạng, đủ trường phái, màu sắc chen lấn nhau, “đè bẹp” di tích. Các di tích xưa đã nhỏ bé nay lại càng bị nhỏ bé hơn bởi sự xâm lấn của các công trình xung quanh, đặc biệt là các công trình trong nội đô Hà Nội. Nhiều di tích bị các công trình xây mới che lấp, du khách tìm mãi mà chẳng thấy đường vào. Chẳng những thế mà dân còn phơi phóng quần áo trên cao, dưới thấp sát ngay di tích; cùng với dự ồn ào hỗn độn của đủ loại âm thanh loa đài, tiếng người cãi nhau… tất cả không ăn nhập và không phù hợp với không gian cảnh quan di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là những công trình tôn giáo, lịch sử thiêng liêng. Hồ Gươm, một thắng cảnh lớn của Thủ đô cũng đang có nguy cơ biến thành cái “ao làng” bởi những công trình đồ sộ mới xây dựng thiếu nghiên cứu cẩn thận. Ngoài ra, du khách đến các di tích bằng đủ các phương tiện: ô tô lớn nhỏ, xe máy, xe đạp… Ngày thường chỉ đi dăm bảy xe, ngày lễ hội thì hàng trăm ô tô, hàng trăm xe máy, xe đạp. Tổ chức không tốt, tạm bợ gây ùn tắc, rối loạn. Nhiều lễ hội như Phủ Giày, chợ Viềng (Nam Định), Đền Hùng, Đền Trần… đã có nhiều phen làm cho du khách mệt mỏi, chán nản bởi ùn tắc, cùng cảnh mất trật tự, an toàn xung quanh khu di tích.




LÀM THẾ NÀO ĐỂ TỔ CHỨC KHAI THÁC TỐT CẢNH QUAN CHO CÁC KHU DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA?




Luật di sản đã quy định rõ di tích gốc phải được giữ gìn, tôn tạo bảo vệ nghiêm ngặt. Các di tích đều được khoanh vùng bảo vệ. Đây là khu bất khả xâm phạm.




Vậy vấn đề quan tâm nhiều hơn dễ làm không gian kiến trúc, cảnh quan của di tích bị phá vỡ là các công trình phụ trợ xung quanh di tích. Những công trình này được xây dựng để phục vụ những nhu cầu thiết yếu của du khách và những người trông nom, quản lý di tích. Hãy tìm đủ những nhu cầu này để tùy theo hoàn cảnh của từng di tích mà vận dụng đưa vào quy hoạch xây dựng.



Nhà thờ Cửa Bắc – Hà Nội





Bãi đỗ xe: Tùy theo quy mô số lượng khách đến mà bố trí bãi đỗ xe cho hợp lý. Các bãi đỗ xe lớn cần được nhiệt đới hóa bằng cách trồng cây xanh giữa những hàng xe đỗ. Trong bãi đỗ xe nên bố trí những công trình dịch vụ: sửa xe, rửa xe, trạm bán xăng dầu, nhà vệ sinh công cộng, chỗ nghỉ ngơi cho lái xe…




Khu đón tiếp khách: Khu đón tiếp khách sẽ bố trí các phòng đón tiếp, các phòng giới thiệu về toàn cảnh di tích thông qua mô hình, sa bàn, tranh ảnh, phòng chiếu phim… để du khách tìm hiểu và chọn tuyến đi thích hợp cho mình.




Hệ thống các công trình phục vụ:




Nhà hàng ăn uống, giải khát: phục vụ du khách ăn uống tại chỗ với nhiều loại phòng ăn uống khác nhau, khách cũng có thể đặt đồ lễ theo yêu cầu. Khuyến khích các nhà hàng khai thác các đặc sản địa phương và ẩm thực truyền thống.




Bưu điện, ngân hàng: phục vụ cho du khách liên lạc với các nơi trong nước và thế giới. Du khách có thể đổi ngoại tệ hoặc tiền chẵn sang tiền lẻ để đi lễ.




Hiệu chụp ảnh nghệ thuật: Bố trí những phòng chụp ảnh nghệ thuật có trang phục của các thời đại, nhân vật có liên quan tới di tích để phục vụ du khách.




Trạm y tế: Đảm bảo cấp cứu kịp thời cho các du khách gặp sự cố



Các quầy bán hàng lưu niệm và đồ le: vàng, hương, hoa quả…



Các quán nghỉ chân, nhà vệ sinh công cộng...



Các công trình dịch vụ trên cần xác định được vị trí hợp lý và phải được nghiên cứu theo phong cách kiến trúc truyền thống hòa nhập với di tích gốc hoặc tạo ra những tác phẩm gợi lại cho du khách thấy được cái hồn của di tích.




Cây xanh: Cỏ cây hoa lá là bộ phận không thể thiếu trong không gian cảnh quan các khu di tích. Những hàng cau vươn lên bên mái tam quan. Những ngọc lan, ngâu, sói, mẫu đơn…trong vườn chùa tỏa ngát hương thơm làm ngát lòng du khách. Những hàng sấu, muỗn già tạo thành những bức phông đậm màu sắc, những công trình cổ kính đều tạo nên những vẻ đẹp và cảnh huyền bí, linh thiêng cho mỗi di tích.




Những hàng cây rợp bóng ven đường dẫn du khách chuyển trạng thái từ cảnh ồn ào, huyên náo của quốc lộ hay phố phường vào cảnh tĩnh lặng linh thiêng của di tích. Những bồn hoa tươi thắm sắc màu, những chậu cây cảnh, cây thế đặt đúng chỗ cũng làm cảnh quan di tích tăng vẻ đẹp lên bội phần. Những hàng rào râm bụt, những hàng tóc tiên, mạch môn, bỏng nổ mềm mại trồng ven đường dẫn lối trên những đường dạo quanh co cho du khách thả hồn bên những thảm cỏ xanh tươi.




Những non bộ, đa thế trong sân vườn di tích, những tượng trang trí từ đá, gốm nung đến bê tông, kim loại… đặt đúng chỗ, đúng nơi làm cho cảnh quan di tích phong phú biết chừng nào.








Mặt nước: những hồ bán nguyệt, những ao đình, ao chùa, giếng làng, dòng sông, bến nước để cho công trình soi bóng khiến cho di tích thêm lung linh, dịu mát. Bên ao, hồ là những rặng liễu xanh tha thướt, những gốc lộc vừng thả những chùm hoa như những dải hạt cườm cùng những rễ bụt mọc nhấp nhô phía dưới là những cụm hoa sen tỏa hương cùng những mảng lá súng nổi lên trên mặt nước trong xanh khiến con người cảm thấy như trút đi những nỗi ưu tư.




Một yếu tố nữa làm cho cảnh quan khu di tích bị ảnh hưởng nghiêm trọng đó là hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Chúng ta không thể để mãi cảnh cống rãnh chạy lộn xộn, di tích bị ngập úng, dây điện thoại, chiếu sáng… chạy chằng chịt trên đầu. Ánh sáng ban đêm cũng cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để di tích được tôn vinh. Những bia, biển quảng cáo cũng cần được đặt đúng nơi đúng chỗ.



Bên Hồ Gươm Hà Nội





Từ bao đời nay cha ông ta đã khéo léo kết hợp hài hòa giữa các công trình kiến trúc với cỏ cây hoa lá, núi, nước hòa quyện nhau thành những bức tranh phong cảnh tuyệt vời. Vậy thì ngày nay chúng ta hãy cùng nhau học lại người xưa giữ gìn và phát huy những tinh hoa vốn có để tạo nên những không gian cảnh quan thơ mộng cho mỗi khu di tích.




Xưa, các công trình xung quanh không được xây cao hơn đình chùa miếu mạo và đó là điều cấm kỵ, ghi sâu trong tâm trí người Việt. Nó vừa là tâm linh, vừa giữ cho cảnh quan khu di tích, vậy thì tại sao nay trong quy hoạch ta không quy định mật độ, tầng cao, tính chất, tầm nhìn, góc nhìn cho mỗi công trình xung quanh để đừng ảnh hưởng tới cảnh quan không gian di tích.




Một điều nữa là quy hoạch phải trở thành pháp lệnh. Không thể chia lô, bán đất mạnh ai nấy làm bởi nếu không cảnh quan không gian các khu di tích sẽ bị phá vỡ. Những lao tâm khổ tứ của các KTS, những nhà nghiên cứu tâm linh, mỹ thuật… sẽ lại đổ ra sông ra biển. Và để rồi các du khách lại ngán ngẩm, lắc đầu, buồn tủi về cảnh quan di tích. Muốn vậy không gì khác là phải “xây rồi mới chia” chứ không thể “chia rồi mới xây” như hiện nay. Kinh nghiệm những dãy quán bán hàng ở Đền Hùng, Cửa Lò và nhiều nơi khác địa phương bỏ kinh phí xây theo quy hoạch xong mới bán lại hoặc cho tư nhân thuê để khai thác là những kinh nghiệm nên làm theo.




Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan cho khu di tích tốt sẽ có nhiều biện pháp khai thác tốt mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho nước nhà. Song song với việc tôn tạo, tu bổ xây dựng làm cho các di tích có cảnh quan không gian đẹp hơn cần có biện pháp giáo dục nâng cao ý thức người dân. Con người tạo ra cảnh quan đẹp nhưng con người cũng có thể phá vỡ tất cả. Tạo ra cảnh quan không gian đẹp đã khó, duy trì, bảo vệ và khai thác nó còn khó hơn. Tổ chức khai thác không gian kiến trúc cảnh quan là việc khó bởi nội dung vô cùng phong phú.





KTS Nguyễn Thế Khải

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *