Phòng ở trong khu lưu trú công nhân Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM – Ảnh: T.Cường |
Hiện lượng nhà lưu trú cho công nhân do các đơn vị xây dựng chỉ đáp ứng 5,6% nhu cầu. Như vậy nhà lưu trú đang rất hiếm nhưng công nhân thờ ơ với những khu nhà được đánh giá là khá tiện nghi, sạch sẽ và an toàn này.
Anh T.Đ.L. đang ở trong khu nhà dành cho nam của nhà lưu trú KCX Tân Thuận cho biết: nội quy ở đây quá chặt chẽ như thân nhân không được lên phòng ở, ngay cả bạn bè đến thăm cũng không được thoải mái.
“Cần khảo sát nhu cầu của công nhân để tránh tình trạng xây nhà lưu trú xong công nhân không muốn vô ở như hiện tại” |
Anh Nguyễn Thành Vương (quê Ninh Thuận) trước làm ở Công ty Nissei Electric VN (KCX Linh Trung) đã đi tìm hiểu chỗ ở trong nhà lưu trú nhưng vẫn quyết định thuê phòng trọ bên ngoài. Nhóm của Vương ở bốn người toàn là anh em cùng xóm ở quê, mỗi người đi làm một công ty khác nhau. Theo Vương, nên có xe đưa rước cho công nhân từ nhà lưu trú đến công ty, để công nhân tự tổ chức nhóm sinh hoạt, ăn ở chung. “Người VN sống rất tình cảm, bạn bè cùng đi làm ăn xa hay cha mẹ, anh chị ở quê ra thành phố thăm con em cũng muốn đến tận phòng ở để xem chỗ ăn chỗ ở của con em mình chứ không phải chỉ gặp mặt một chút, nhận tiền hay cho tiền rồi quay về”.
Ông Vũ Văn Hòa, trưởng ban quản lý các KCX và KCN TP, cho rằng các khu lưu trú cho công nhân hiện nay xây dựng rất kém. “Ví như khu nhà lưu trú Tân Thuận: diện tích phòng không đảm bảo, ngột ngạt, giường ngủ quá hẹp, khu vệ sinh không tiện nghi… Xung quanh là cây cỏ, không có khu vui chơi giải trí cho công nhân. Bản thân mình còn không muốn ở huống gì công nhân”.
Đại biểu HĐND TP.HCM Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh: phải xem việc xây dựng nhà lưu trú như xây dựng một khu đô thị nhỏ. Bên cạnh phòng để ở phải kèm theo những dịch vụ tiện ích khác như: vui chơi giải trí, chợ búa, siêu thị và khu sinh hoạt văn hóa… “Công nhân cũng có nhu cầu kết bạn, tìm hiểu nam nữ và lập gia đình… Vì vậy mô hình nhà tập thể nam nữ ở riêng biệt và cấm qua lại với nhau không phù hợp” – ông Nghĩa phân tích.
ThS Lê Văn Thành, trưởng phòng quản lý khoa học, đào tạo và hợp tác nghiên cứu Viện Nghiên cứu phát triển TP, nhận định: “Điều kiện sinh hoạt trong các khu nhà lưu trú hiện nay không phù hợp nếp sống của công nhân nên họ thấy mất tự do và không muốn ở”.
Từ nay đến năm 2015, TP sẽ xây dựng thêm khoảng 64.000 chỗ ở cho công nhân trong các KCX, KCN. Tại buổi giám sát của HĐND TP ở KCN Vĩnh Lộc, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề: cần khảo sát nhu cầu của công nhân để tránh tình trạng xây nhà lưu trú xong công nhân không muốn vô ở như hiện tại. Ông Hòa thừa nhận lâu nay, các cơ quan nhà nước và đơn vị quản lý nhà lưu trú chưa làm hết phần việc của mình nên chưa thu hút công nhân đến ở.
Khó khảo sát
Theo ông Vũ Văn Hòa, trong quá trình làm kế hoạch xây dựng nhà lưu trú, các chủ đầu tư và TP chưa có cuộc khảo sát hay nghiên cứu cụ thể nào về nhu cầu và suy nghĩ của công nhân đối với nhà lưu trú. Ông đã “chấm” mẫu xây kiến trúc khu nhà lưu trú của Công ty TNHH Nissei Electric VN tại P.Linh Trung, còn mô hình quản lý thì… đang xây dựng. “Rất khó khảo sát về nhu cầu của công nhân vì thật sự chưa có một mô hình nhà lưu trú mẫu nào đạt chuẩn để công nhân dựa vào đó mà nhận xét”.
Theo ThS Thành, cần thiết có khảo sát khoa học về nhu cầu nhà ở của công nhân để quyết định phải xây theo mô hình nào, xây bao nhiêu nhà thì đủ, chứ không nên làm một phép cộng trừ đơn giản dựa trên số lượng công nhân trong hiện tại và tương lai. “Công nhân VN không gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, hay biến động và nếp sống còn mang tính nông thôn thì việc khảo sát và nghiên cứu trên càng cần thiết hơn. Nhà nước chỉ nên xây dựng một phần nhỏ nhà lưu trú, còn lại để các doanh nghiệp lo. Số lượng nhà lưu trú chỉ nên bằng nửa số lượng công nhân có nhu cầu để trừ hao phần biến động”.
Nhiều ý kiến cũng băn khoăn do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế mà lượng công nhân tại các KCN, KCX của TP đã giảm. Sắp tới với định hướng thu hút lao động chất xám, nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, thêm vào đó nhiều ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như sản xuất đồ gỗ, sơn… có xu hướng di chuyển về các tỉnh thì lượng lao động phổ thông TP.HCM sẽ giảm rất nhiều. Như vậy xây dựng nhiều nhà lưu trú có cần thiết hay không?
Ông Hòa khẳng định: “Không phải lo thừa nhà lưu trú. Hiện các KCN, KCX của TP.HCM mới hoạt động được một nửa. Khi các doanh nghiệp lấp đầy chỗ trống các KCN, KCX thì TP có khoảng 400.000 công nhân. Nhà nước sẽ xây dựng trên 100.000 chỗ ở (20-25% nhu cầu của công nhân), phần còn lại để tư nhân phát triển mô hình nhà trọ”.
Theo D.NGỌC HÀ – TRUNG CƯỜNG/Tuổi Trẻ
Chia sẻ với bạn bè qua: |