TTO – Nằm kề bên hồ Michigan, Bảo tàng nghệ thuật Milwaukee với kiến trúc đặc trưng đã trở thành biểu tượng cho thành phố lớn nhất của tiểu bang Wisconsin. Đây là công trình hoàn chỉnh đầu tiên ở Mỹ và cũng là viện bảo tàng “đầu tay” của kiến trúc sư nổi tiếng người Tây Ban Nha Santiago Calatrava.
“Đôi cánh hải âu” của Bảo tàng nghệ thuật Milwaukee khi mở |
…và lúc đóng |
Thật ra đây chỉ là phần kiến trúc được bổ sung để mở rộng thêm vào khối bảo tàng vốn đã được xây dựng hơn 100 năm trước. Phần này được đặt tên là Quadracci Pavilion, nhưng vì sự “độc nhất vô nhị” của mình nên giờ đây khi nhắc đến Bảo tàng nghệ thuật Milwaukee, du khách lại nghĩ ngay đến phần mới được xây dựng thêm này mà thôi.
Bảo tàng gần đây gây được sự chú ý của khách tham quan từ khắp nơi trên thế giới cũng chính nhờ thiết kế bên ngoài độc đáo với một cấu trúc bêtông có thể chuyển động, với “đôi cánh” là hai tấm chắn nắng mang hình dáng cánh chim hải âu có thể đóng mở.
Toàn cảnh viện bảo tàng |
Tọa lạc bên hồ Michigan |
Dưới ánh đèn đêm |
72 thanh chắn tạo nên “đôi cánh hải âu” |
Đường nét nghệ thuật trên đôi cánh uốn lượn |
Cầu treo nối trung tâm thành phố với bảo tàng |
Với công trình này, Calatrava đã chứng tỏ được “quyền năng” của kiến trúc, tạo một bước đột phá trong thiết kế kiểu dáng và công năng. Với tổng diện tích toàn bộ là 341.000m2, đây có thể được xem là tác phẩm đỉnh cao của loại hình kiến trúc động ảo, một phong cách kiến trúc hậu hiện đại do chính Calatrava khởi xướng từ cuối thế kỷ 20. Bảo tàng từng được tạp chí Condé Nast Traveler đánh giá là một trong những “kỳ quan mới của thế giới”. |
Bảo tàng được chia thành ba phần chính: khu triển lãm, cầu treo nối bảo tàng với trung tâm thành phố và “đôi cánh” chắn nắng di động.
Khu triển lãm chính với tên gọi Windhover Hall là sảnh chính rộng lớn của Quadracci Pavilion. Nơi đây được thiết kế với phong cách hậu hiện đại kết hợp kiểu kiến trúc Gothic cổ. Đó là các trụ chống đỡ uốn cong, các mái vòm nhọn, dàn khung đan chéo và gian chính với trần cao hơn 27m. Khu triển lãm mang hình dáng mũi tàu, với dàn cửa sổ được lắp từ sàn đến trần nhà, phóng tầm nhìn ra hồ Michigan bên ngoài.
Cổng chính vào bảo tàng |
Mái vòm |
Một góc bảo tàng |
Chiếc cầu treo là nhịp nối dẫn lối khách tham quan từ đại lộ Wisconsin vào đến cổng chính của viện bảo tàng. Chiếc cầu được thi công trên cột đỡ cáp cao gần 61m, bắc ngang qua đài tưởng niệm Lincoln nằm trong công viên O’Donnell. Bên dưới cầu không có kết cấu các trụ đỡ, nhằm tạo nét nhẹ nhàng, thanh mảnh tương thích với hình dáng mảnh mai, uyển chuyển của bảo tàng.
“Đôi cánh hải âu” gồm 72 thanh chắn dài từ 8-31m, nặng khoảng 90 tấn, chuyển động nhờ hệ thống 22 xilanh thủy lực. Sải cánh của hai lá chắn này lên đến 66m, dài hơn cánh của máy bay Boeing 747, có khả năng gập lại hết cả chiều dài, gấp cong vào buổi tối hoặc những lúc thời tiết khắc nghiệt, buổi sáng được mở bung ra với công năng của hai tấm che nắng uốn lượn rất nghệ thuật. Tuy nhiên giờ đóng mở cố định thường là 5g chiều và 9g sáng.
Mất 3 phút rưỡi mỗi lần để đóng mở “đôi cánh hải âu” này.
Sảnh chính với tầm nhìn phóng ra hồ Michigan |
Bên trong bảo tàng |
Ngắm pháo hoa bên ngoài bảo tàng cạnh hồ Michigan |
Trước khi chính thức đi vào hoạt động, công trình đã nhận không ít lời phê bình vì tính “thiếu khả thi và tốn kém”, hay các tấm chắn nắng hoàn toàn không thích hợp với khí hậu lạnh lẽo ở Milwaukee, nhưng sau đó cũng chính “đôi cánh” ấy đã hấp dẫn các nhà đầu tư, nâng số vốn đầu tư từ 35 triệu USD lên đến 75 triệu USD.
Ngoài bia Brewing và xe máy Harley Davison, giờ đây Calatrava đã giúp thành phố Milwaukee có thêm một biểu tượng mới, một niềm tự hào mới, đó chính là tượng đài kiến trúc của Bảo tàng nghệ thuật Milwaukee với “đôi cánh hải âu” quyến rũ và đầy quyền năng.
Bảo tàng quy tụ hơn 25.000 tác phẩm nghệ thuật, bao gồm một bộ sưu tập quan trọng các tác phẩm từ thế kỷ 19 và 20 của Old Masters (thuật ngữ để chỉ các họa sĩ châu Âu tài năng), bộ sưu tập giá trị nhất quốc gia của các họa sĩ theo trường phái chủ nghĩa biểu hiện Đức, các tác phẩm nghệ thuật dân gian Haiti và cả những tác phẩm từ sau thập niên 1960 thế kỷ 20 của Mỹ. |
BẠCH NGỌC (Tổng hợp từ Archrecord và Arcspace)