KT&ĐS – Từ năm 2006, TP.HCM đã thực hiện chương trình giao thông tiếp cận, tạo thuận tiện cho người khuyết tật tiếp cận, hòa nhập với cộng đồng. Nhưng kết quả đánh giá mới đây của sở Giao thông vận tải TP.HCM lại nhận định: “Hiện nay, người khuyết tật tại thành phố còn gặp nhiều trở ngại trong việc sử dụng các công trình xây dựng và giao thông công cộng”.
Luật thì có
Các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về việc xây dựng các công trình, đường phố đặt ra những yêu cầu, nguyên tắc cơ bản nhằm tạo điều kiện để người tàn tật tiếp cận sử dụng đã được bộ Xây dựng ban hành từ năm 2002. Ông Nguyễn Văn Hiệp, phó giám đốc sở Xây dựng TP.HCM cho biết, khi thẩm định hồ sơ thiết kế của các dự án, các công trình đều yêu cầu các chủ đầu tư thiết kế, tạo điều kiện cho người tàn tật tiếp cận. “Nếu dự án nào không có nội dung này đều bị yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung”, ông Hiệp nói.
Sở Giao thông vận tải cũng cho biết, trong công tác thẩm định hồ sơ thiết kế (dự án đầu tư, thiết kế cơ sở), sở đều yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư trên địa bàn thành phố thiết kế bó vỉa, vỉa hè cho người tàn tật tiếp cận sử dụng; đồng thời áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các công trình công cộng. Yêu cầu này nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận giao thông đối với người khuyết tật và người cao tuổi, ví dụ như quy chuẩn xây dựng 01:2002 (quy chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo người tàn tật tiếp cận sử dụng) tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 265:2002 (đường và hè phố – nguyên tắc cơ bản xây dựng công trình để người tàn tật tiếp cận sử dụng).
Nhưng áp dụng…tùy hỉ
Nhưng trên thực tế, nội dung này được thực hiện một cách… tùy hỉ. Trên các vỉa hè mới toanh ở các tuyến đường tại khu vực trung tâm TP.HCM như quận 1, 3… vừa được cải tạo không hề thiết kế lối đi dành cho người khiếm thị. Vỉa hè của tuyến đường Đồng Khởi (quận 1) là một địa chỉ hiếm hoi có lối đi dành cho người trên vỉa hè. Ngoài ra, chỉ một số ít vỉa hè, nhà chờ xe buýt được lắp đặt biển báo, cải tạo lối lên xuống bến chờ xe buýt nhằm tạo điều kiện cho xe lăn lên xuống.
Ông Nguyễn Văn Hiệp cũng nhìn nhận, ở các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, chung cư… nếu có theo quy chuẩn, tiêu chuẩn thì cũng chỉ hạ thấp vỉa hè, tạo làn đường thuận tiện cho việc đi lại bằng xe lăn. Chỉ một số ít nơi thiết kế nhà vệ sinh có tay vịn cho những người này. Các công trình công cộng đó cũng không thiết kế, tạo được điều kiện thuận lợi cho người khiếm thị tiếp cận.
“Kế hoạch công bằng” cho người khuyết tật
Từ năm 2006, thành phố đã có những biện pháp cụ thể hỗ trợ người khuyết tật đi xe buýt, cụ thể là việc miễn phí đi xe buýt, cải tạo và lắp đặt thiết bị hỗ trợ ở một số xe buýt để phục vụ người khuyết tật. Nhưng đến thời điểm hiện nay, thành phố chỉ đưa vào sử dụng hệ thống phục vụ người đi xe lăn trên một số tuyến xe buýt như tuyến Sài Gòn – Bình Tây; Lê Hồng Phong – Thủ Đức… Ông Bùi Xuân Cường, trưởng phòng Quản lý giao thông, sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, cục Đường bộ Việt Nam đánh giá cao những kết quả mà TP.HCM làm được trong việc hỗ trợ người khuyết tật tham gia vào cộng đồng.
Nhưng, sở Giao thông vận tải cũng nhìn nhận, người khuyết tật tại thành phố hiện còn gặp nhiều trở ngại trong việc sử dụng các công trình xây dựng và giao thông công cộng. Do hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh, nguồn kinh phí đầu tư cho giao thông còn hạn hẹp và nhận thức về giao thông tiếp cận lại hạn chế gây ra nhiều khó khăn cho người khuyết tật tham gia giao thông, khó lên, xuống xe buýt… Đồng thời, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, để xe càng gây thêm nhiều khó khăn cho người khuyết tật đi lại.
Theo sở Giao thông vận tải, TP.HCM sẽ tiếp tục mở rộng thực hiện đề án hỗ trợ người khuyết tật trong việc đi lại bằng xe buýt, bằng việc lựa chọn tuyến xe buýt mà người khuyết tật có nhu cầu đi lại cao để cải tạo, bổ sung thông tin trên các điểm dừng, nhà chờ; cải tạo, gắn các thiết bị hỗ trợ phục vụ người khuyết tật… Công ty TNHH một thành viên Xe khách Sài Gòn được chọn là đơn vị thực hiện việc này.
Ngoài ra, bộ Giao thông vận tải cũng đang xây dựng chiến lược phát triển giao thông vận tải bền vững đến năm 2020 đã đặt ra yêu cầu cụ thể về sự công bằng trong giao thông vận tải. Theo đó, việc đầu tư, cải tạo và thiết kế xây mới cơ sở hạ tầng (đường sá, bến dừng, đỗ xe…) và các phương tiện giao thông phải tính đến yêu cầu, nhu cầu sử dụng của những người cần được trợ giúp khi tham gia giao thông công cộng. Phải có những thiết kế và xây dựng các trang thiết bị thích hợp với người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người già và trẻ em…
Vỉa hè phải có tấm lát hướng dẫn người khiếm thị
Quy định của sở Giao thông vận tải TP.HCM về việc cải tạo, chỉnh trang vỉa hè trên địa bàn TP.HCM có hiệu lực từ ngày 18.6 quy định rõ:
Vỉa hè phải được làm hạ lối lên xuống cho xe lăn của người khuyết tật. Vỉa hè ở các nơi băng qua đường dành cho người đi bộ, vị trí xe buýt dừng, đậu vỉa hè phải thiết kế hạ thấp để người khuyết tật lên, xuống dễ dàng. Bề rộng điểm hạ vỉa hè không nhỏ hơn 1,2m.
Khi lát gạch vỉa hè phải thiết kế có hàng tấm lát tạo ra âm thanh khác với vật liệu lát vỉa hè, hoặc tạo cảm giác cho người đi. Mỗi tấm lát đều có dải gồ lên chỉ hướng đi và các điểm tròn chỉ ở phía trước gặp chướng ngại vật…
Ngoài ra, theo yêu cầu của UBND TP.HCM, sở Giao thông vận tải đang nghiên cứu gắn đèn tín hiệu giao thông phát ra âm thanh đặc biệt để hướng dẫn người khiếm thị qua đường.
Bài: Minh Phong
Ảnh: AQ