Mặt bằng, kho bãi số 289 Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân) do Tổng công ty Lương thực miền Nam quản lý bị bỏ hoang từ nhiều năm qua – Ảnh Minh Nam |
“Con” mất, “cha” không biết (!?)
Theo báo cáo của Tổng công ty LTMN, sau nhiều lần sắp xếp, xử lý mặt bằng nhà xưởng theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, đơn vị còn quản lý 310 cơ sở nhà đất, bao gồm hơn 476.000m2 đất (số tròn) và 312.000m2 nhà. Tuy nhiên, có 165 cơ sở nhà đất tạm giữ chờ quyết định xử lý để trả, chuyển giao lại cho TP, còn 125 mặt bằng đơn vị tiếp tục sử dụng, chuyển mục đích sử dụng…
Ông Trương Thanh Phong, Tổng giám đốc Tổng công ty LTMN, cho rằng việc xử lý, sắp xếp nhà đất theo phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thường bị vướng quy hoạch của địa phương và tiến độ phê duyệt phương án tổng thể rất chậm, nên dù đơn vị đã chuẩn bị phương án đầu tư đầy đủ các dự án vẫn không triển khai được. “Do vậy, số nhà, đất này buộc phải để vào nhóm tạm sử dụng chờ quy hoạch và như vậy đơn vị không thể đầu tư xây dựng mới, dẫn đến việc bị đánh giá là đơn vị sử dụng tài sản không hiệu quả hoặc sai mục đích”, ông Phong nói.
Than thở là vậy, song nhiều ĐBQH “giật mình” khi nghe lãnh đạo đơn vị báo cáo có 26 cơ sở nhà, đất bị lấy đi hồi nào, giải tỏa trắng cũng không rõ. Đặc biệt, có 8 cơ sở nhà đất cấp cho cán bộ đơn vị, sau đó được các cơ quan chức năng bán hóa giá, khi đơn vị kiểm tra lại mới biết “công” đã biến thành “tư”… Cụ thể, kho Tân Quy (Tỉnh lộ 8, xã Tân Thạnh Đông, H.Củ Chi) diện tích đất 11.000m2, diện tích sàn sử dụng 480m2 đã vào tay một đơn vị khác từ năm 1993, nhưng trên giấy tờ sổ sách thì kho này vẫn do Tổng công ty LTMN quản lý! Hay như cơ sở nhà đất số 286 Điện Biên Phủ (P.17, Q.Bình Thạnh), được Công ty Lương thực TP.HCM giao cho bà N.L.T từ năm 1990 để ở. Sau đó, bà T. tự ý liên hệ với các cơ quan chức năng để hợp thức hóa căn nhà trên không thông qua công ty. Ngày 18.4.2002, bà T. được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở! Tương tự là trường hợp cơ sở nhà đất số 169 Calmette (Q.1), 134 Cách Mạng Tháng Tám (P.12, Q.Tân Bình)…
Một thành viên trong đoàn giám sát bức xúc nói với PV Thanh Niên: “Quản lý kiểu này không khác gì “con” mất mà “cha” chẳng hay biết!”. Còn Phó trưởng đoàn ĐBQH Trần Du Lịch quá ngạc nhiên: “Tôi không hiểu mấy anh quản thế nào mà người ta lấy tài sản của mình xài, bán, hoặc làm gì khác… vẫn không hề hay biết?”. Không giải thích được câu hỏi của ông Lịch, lãnh đạo Tổng công ty LTMN vớt vát bằng cách đổ lỗi “do hệ quả của lịch sử và trải qua nhiều thời kỳ lãnh đạo”!
Đất công đem cho thuê, khó đòi?
Tại Resco, lãnh đạo đơn vị này cho biết tổng số các mặt bằng tài sản do đơn vị quản lý theo sổ sách trước khi Quyết định 09 ban hành là 158 địa chỉ nhà đất với tổng diện tích là 270.871m2. Sau khi thực hiện xong việc xử lý các mặt bằng theo văn bản số 6650 ngày 27.10.2008 (về việc phê duyệt phương án xử lý tổng thể sắp xếp nhà đất của UBND TP.HCM), đến nay Công ty Kho bãi thành phố (đơn vị thành viên của Resco) còn quản lý 73 địa điểm kho bãi với tổng diện tích 166.599m2.
Đáng chú ý, có 34 mặt bằng, tài sản được thành phố giao tài sản cố định để cổ phần hóa với diện tích 61.378m2, trong đó có nhiều mặt bằng được các đại biểu trong đoàn giám sát đánh giá là những “khu đất vàng”, như 41 Sương Nguyệt Ánh, 94-96 Nguyễn Du (Q.1); 181 Võ Thị Sáu, 26 Nguyễn Thị Diệu, 61A Tú Xương, 236 Điện Biên Phủ, 199 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3); 178-180-182 Ngô Gia Tự (Q.10)… hiện đa số được sử dụng làm văn phòng làm việc của Văn phòng Tổng công ty và các đơn vị thành viên của Resco.
Đáng nói hơn, khi thực hiện phương án xử lý nhà, đất theo chỉ đạo của UBND thành phố, Công ty Kho bãi đã tổ chức thu hồi các kho bãi đang cho thuê để triển khai bán, chuyển giao, chuyển mục đích… theo phương án được thành phố phê duyệt, nhưng đa số các doanh nghiệp đã phản ứng không chịu giao trả, khiến công ty phải chuyển một số trường hợp ra tòa để giải quyết. Điển hình là cơ sở nhà đất 49 Pasteur, 15 Lương Ngọc Quyến, 481 Ba Đình (Q.8)… Trả lời chất vấn của một số thành viên trong đoàn, ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Công ty Kho bãi, cho biết đa phần các đơn vị “cứng đầu” này đều là đơn vị trung ương đóng trên địa bàn thành phố.
Kết luận buổi giám sát, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch nhấn mạnh các cơ quan chức năng thành phố phải rà soát, đánh giá hiệu quả hậu cổ phần hóa đối với 34 mặt bằng cơ sở nhà đất đã giao tài sản cố định, vì đây toàn là những vị trí đắc địa, nếu quản lý không tốt thì tài sản Nhà nước dễ dàng bị thất thoát. Đối với các cơ sở nhà đất đã được Resco chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị theo chỉ đạo của thành phố, ông Lịch cho biết cũng sẽ đề nghị UBND thành phố tiến hành làm rõ hiệu quả sử dụng, bởi đây là khối tài sản Nhà nước rất lớn.
Minh Nam – Phương Thanh
Chia sẻ với bạn bè qua: |