|
Đây là một hoạt động bên cạnh rất nhiều các hoạt động khác nhằm đẩy mạnh thực hiện chương trình Phân loại chất thải tại nguồn (PLCTTN) trên địa bàn thí điểm hướng tới mục tiêu PLCTTN hiệu quả, chất lượng.
Ông Phạm Ngọc Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty môi trường đô thị cho biết, phân loại RTTN là một trong những hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động tái chế, trong đó bao gồm việc chế biến chất thả hữu cơ thành phân hữu cơ. Đây là việc phân loại chất thải rắn thành một số loại nhất định ngay tại nguồn phát sinh.
Ông Hisashi Yamauchi, Trưởng đoàn Chuyên gia JICA dự án 3R Hà Nội đánh giá, tình hình triển khai chương trình này rất tốt, Chương trình được tích cực triển khai và đi vào cuộc sống. Các cấp lãnh đạo và đặc biệt là thế hệ trẻ ủng hộ rất nhiệt tình.
Xuất phát từ thực tế vấn đề vệ sinh môi trường của Hà Nội, cách thức xả thải chất thải, đặc biệt là dự kiến của thành phố về bãi rác Nam Sơn sẽ đầy vào năm 2012, khả năng thiếu diện tích chôn lấp, năm 2006, Dự án 3R được khởi động với sự hỗ trợ của tổ chức JICA và được thí điểm thực hiện tại 4 phường thuộc 4 quận của Hà Nội; phường Láng Hạ (Quận Đống Đa), phường Thành Công (Quận Ba Đình), Phường Phan Chu Trinh (Quận Hoàn Kiếm) và phường Nguyễn Du (Quận Hai Bà Trưng). Sau thời gian thực hiện đã góp phần giảm thiểu lượng rác chôn lấp, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường trên địa bàn, đặc biệt là nâng cao ý thức cộng đồng về quá trình (phân loại chất thải tại nguồn) PLCTTN. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Chiến, phó Giám đốc Công ty môi trường đô thị số 2 thì những lợi ích trên chỉ đạt được khi người dân và các đối tượng xả thải tham gia một cách nhiệt tình và hiệu quả.
Mục tiêu của chiến lược giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải
Trọng tâm của Hội nghị là phần giới thiệu và thảo luận xung quanh hai tài liệu “Hướng dẫn thực hiện PLCTTN” và “Chiến lược Giảm thiểu, Tái sử dụng, Tái chế (3R) chất thải trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020” nhằm định hướng và đưa ra các giải pháp cho công tác quản lý chất thải ở Hà Nội, hướng tới một xã hội tuần hoàn vật chất vì sự nghiệp phát triển bền vững của Thủ đô và xây dựng một Thủ đô xanh- sạch- đẹp.
Sau thành công của Dự án tại 4 phường thí điểm, trong thời gian tới, mô hình sẽ được mở rộng thực hiện phân loại chất thải tại nguồn ra các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên và một số phường, xã thuộc các chuyện Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Sóc Sơn.. Mục tiêu, đến năm 2015 sẽ giảm thiểu được khoảng 30% lượng chất thải chôn lấp. Tất cả người dân Hà Nội nhận thức rõ và có hành động về 3R và PLCTTN, trên 80% học sinh phổ thông được tham gia chương trình giáo dục môi trường về 3R và PLCTTN. Đến năm 2020 sẽ giảm thiểu được khoảng 70% lượng chất thải phải chôn lấp và PLCTTN trở thành ý thức chung của người dân Hà Nội..
Chất thải hữu cơ (Xanh lá cây): Hoa, rau, quả, thức ăn thừa, bã trà, cà phê, lá cây, các loại cây thân mềm… |
Theo VnMedia