TTO – Trung tâm Thương mại quốc tế Bahrain là một tháp đôi có chiều cao 240m do kiến trúc sư người Nam Phi Shaun Killa thiết kế, tọa lạc tại Manama, thủ đô vương quốc Bahrain (nằm trong vịnh Ba Tư, Trung Đông). Công trình là tòa nhà chọc trời đầu tiên trên thế giới có cấu trúc hợp nhất với những tuôcbin gió khổng lồ.
Biểu tượng quyền lực tài chính của vương quốc Bahrain giàu có |
Lung linh sắc màu về đêm |
Đây là một công trình kiến trúc gồm 50 tầng, là tòa nhà cao thứ hai của đảo quốc Bahrain, đã nhận được nhiều giải thưởng có uy tín như “Kế hoạch xây dựng có ứng dụng kỹ thuật hiệu quả nhất” năm 2006 do LEAF trao tặng, giải đặc biệt ở cuộc bầu chọn “Thiết kế hoàn hảo nhất” trong lĩnh vực xây dựng toàn khu vực Ả Rập…
Trung tâm Thương mại quốc tế Bahrain được xây dựng với công năng là khu mua sắm phức hợp gồm chuỗi hơn 160 cửa hàng, văn phòng, nhà hàng, khách sạn cao cấp, và trung tâm thương mại.
Ba chiếc cầu nối liền hai khối tháp |
Cánh quạt của tuôcbin gió với đường kính dài 29m |
Trên ba chiếc cầu treo nối liền hai tòa tháp của tòa nhà là ba chiếc tuôcbin gió cực lớn. Mỗi tuôcbin có công suất tương đương 225kW,đường kính dài 29m, hướng về phía bắc để đón luồng gió thổi từ vịnh Ba Tư vào.
Hai tòa tháp mang hình dáng hai cánh buồm đối xứng nhau hai bên, tạo thành một đường luồng ở giữa cung cấp tối đa lượng gió thổi qua các tuôcbin. Điều này đã được xác thực từ những cuộc kiểm định luồng gió. Qua đó cho thấy với cấu trúc đối xứng như thế, tòa nhà đã tạo nên một luồng thổi hình chữ “S”, đảm bảo với bất kỳ luồng gió nào dao động trong góc 45° vào một trong hai cánh của trục trung tâm đều tạo thành một luồng gió vuông góc với các tuôcbin, tạo lực đẩy cho cánh cánh quạt của tuôcbin khởi động quay như chức năng của những chiếc cánh máy bay.
Các luồng gió khi đi vào rãnh giữa của hai tháp sẽ tạo thành động năng vận hành các cánh quạt tuôcbin |
Đài phun nước trước trung tâm thương mại |
Cũng chính nhờ những chuyển động đó mà nguồn điện từ các tuôcbin được phát ra đều đặn và liên tục. Khoảng 11-15% tổng năng lượng điện cả tòa nhà sử dụng được cung cấp bởi các “cối xay gió” này, nghĩa là 1,1-1,3 GWh/năm. Con số này tương đương tổng điện năng của khoảng 300 hộ dân sử dụng suốt một năm.
Không chỉ thế, sự khác biệt giữa hình dáng của hai tháp đã được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm giảm áp lực lên các cầu nối. Khi kết hợp với tốc độ gió tăng dần, chính sự khác biệt này tạo ra sự cân bằng vận tốc giữa các tuôcbin, ngăn cản việc tạo nên áp lực chênh lệch giữa các tầng cầu.
Phản chiếu ánh vàng của hoàng hôn |
Sự khác biệt cấu trúc của hai khối tháp nhằm giảm áp lực lên các cầu treo khi vận tốc gió tăng |
Hơn thế nữa, công trình còn là sự kết hợp một khối lượng lớn các vật liệu có khả năng tương tác thân thiện với môi trường thông qua việc giảm thiểu khí thải cacbon. Đó là lõi bê tông dày và sàn nhà nhiều lớp đã lược bớt các góc nhằm đáp ứng yêu cầu giảm thải khí vào khí quyển. Đó còn là hệ thống nước tái chế, nối với hệ thống làm lạnh của tòa nhà, hệ thống cách nhiệt, hay lớp kính ít hấp thụ ánh sáng mặt trời bao phủ xung quanh…
Nổi lên giữa hồ nước mặn bao bọc xung quanh vương quốc, Trung tâm Thương mại quốc tế Bahrain như một chiếc thuyền đang căng buồm lướt gió |
Những chiếc “cối xay gió” có thể tạo ra 11-15% tổng điện năng cả tòa nhà sử dụng |
Sảnh chính bên trong trung tâm |
Không muốn bị bỏ lại phía sau bởi Arabia Saudi và Dubai, vương quốc Bahrain đã chứng tỏ những phát triển vượt bậc và nổi trội trong lĩnh vực “kiến trúc xanh”, và Trung tâm Thương mại quốc tế Bahrain là minh chứng đáng nể nhất.
Bahrain vốn là một đảo quốc được bao bọc bởi các hồ nước mặn. Chính vì thế, đây quả là một cấu trúc hài hòa với môi trường nước xung quanh khi tòa nhà không chỉ có vẻ ngoài mang hình dáng một con tàu với hai cánh buồm khổng lồ mà còn có khả năng vận dụng tối đa năng lượng thiên nhiên vô hạn bằng các “cối xay gió” độc nhất vô nhị.
BẠCH NGỌC
(Tổng hợp từ Design Build Network, World Architecture News và E-architect)