Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
Trang chủ » Blur Building – Mây giữa hồ… tan mau

Blur Building – Mây giữa hồ… tan mau

by Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments



TTO – Blur Building (tạm dịch “công trình mờ ảo”) là một tác phẩm kiến trúc được xây dựng nhằm phục vụ cuộc triển lãm thế giới (EXPO) năm 2002 tổ chức tại Thụy Sĩ. Chính thức được đưa vào sử dụng cuối tháng 5-2002, lập tức Blur Building nhanh chóng lọt vào top 50 công trình có kiến trúc kỳ lạ nhất trên khắp hành tinh.








Kiến trúc như tiên cảnh


Khu triển lãm này hiện lên trên mặt hồ Neuchâtel của thành phố tự trị Yverdon-les-Bains, thuộc vùng tây nam Thụy Sĩ, như một đám mây trôi lững lờ giữa mênh mông nước hồ.


Nét đặc trưng của công trình là kết cấu trông giống một đám mây nhân tạo. Đám mây này được tạo thành bởi những tia nước được phun ra dưới áp lực cao của gần 32.000 vòi phun sương, gồm những ống thép ghép thành dàn khung bao bọc xung quanh. Những vòi phun sương này được điều khiển bởi hệ thống máy tính trung ương cảm ứng với nhiệt độ, tốc độ và hướng gió cùng với độ ẩm nhằm tạo ra hiệu ứng hình ảnh một đám mây bềnh bồng xung quanh tòa nhà. Du khách bắt buộc phải mặc những chiếc áo khoác bằng plastic để không bị ướt khi vào tham quan khu triển lãm.


















Nổi lên giữa mặt hồ Neuchâtel, Blur Building hầu như không mang dáng vẻ của một công trình kiến trúc nào, chỉ như một đám mây bàng bạc to lớn tụ lại trên mặt nước
Tác phẩm của con người và thiên nhiên như hòa quyện làm một
Ngoài những ống dẫn, hệ thống vòi phun sương cùng những lớp kính mỏng, Blur Building không hề có sự “nhúng tay” của bất kỳ vật liệu xây dựng bình thường nào khác


Elizabeth Diller và Ricardo Scofidio, hai giáo sư bộ môn kiến trúc thuộc Trường đại học Princeton và Trường cộng đồng Union, New York, là đồng tác giả của dự án độc đáo này. Khu triển lãm có diện tích không lớn lắm, với chiều dài chỉ hơn 90m nên chỉ có thể đón tiếp 400-500 quan khách cùng một lúc. Hệ thống kỹ thuật phun sương hoạt động liên tục nhằm đảm bảo công trình luôn được nhìn thấy từ xa dưới mọi điều kiện thời tiết, dù mưa hay nắng.


Ngoài những ống kim loại ghép nối với nhau, công trình này hầu như không còn cấu trúc gì khác. Hệ thống ống dẫn với các lỗ phun cực nhỏ, đường kính chỉ khoảng 120 micrômet, nên những tia nước khi đi qua hầu hết đều chỉ còn là những làn hơi nước mỏng manh treo lửng lơ trong không khí. Chúng làm thấm đẫm không gian bao phủ xung quanh bằng độ ẩm và đồng thời tạo nên hiệu ứng bức màn sương mờ mờ ảo ảo.












Các lỗ phun sương cực nhỏ, nên hầu như không có tia nước nào được bắn ra mà chỉ là những màn sương khói mỏng manh, lơ lửng
Hai dãy hành lang dẫn đến sảnh chính của khu triển lãm


Đi dọc hai dãy hành lang từ bờ hồ kéo dài khoảng 120m, du khách sẽ đặt chân đến sảnh chính của khu triển lãm vốn là một không gian mở “trống trải” đến bất ngờ. Hình ảnh xung quanh chỉ là những bức màn sương khói trắng xóa. Âm thanh duy nhất có thể nghe thấy được chỉ là những tiếng xì xào của hệ thống phun nước xung quanh. Vì mức độ phun nước tùy thuộc nhiều yếu tố môi trường nên lớp sương mờ cũng thay đổi từng phút. Tòa nhà như “nở phồng” ra và tạo thành những vệt khói dài hơn khi gió lớn, ngược lại khi nhiệt độ giảm tòa nhà như thu mình lại, hay sẽ di chuyển lên xuống phụ thuộc nhiệt độ không khí.


“Đến đây tham quan, bạn có cảm tưởng như đang dạo bước trên cõi thiên thai bồng bềnh, tĩnh mịch, tách biệt với trần thế hỗn độn cách đó chỉ vài mươi bước chân” – Eva Afuhs, giám đốc nghệ thuật của cuộc triển lãm, đã nghiêm túc nhận xét như thế về Blur Building.










Hệ thống ống dẫn tạo nên cấu trúc của Blur Building


Qua sảnh chính với tên gọi “Glass Box” (hộp thủy tinh), nơi không gian sáu mặt đều được bao phủ toàn bằng kính, du khách sẽ được trải nghiệm một trong những khám phá thú vị nhất được triển lãm tại đây, đó chính là chiếc áo plastic mà họ bắt buộc phải mặc trước khi bước vào.


Chiếc áo sẽ tự động so sánh dữ liệu và thay đổi màu áo dựa trên biểu thị mức độ thích thú hay thất vọng của chính người đang khoác nó. Màu đỏ tượng trưng cho sự thích thú, ngược lại chiếc áo sẽ chuyển sang màu xanh lá cây để báo hiệu vị du khách này đang có ác cảm với nơi đây. Một phát minh độc đáo gây tò mò cho không ít du khách, và tất cả đều bị thuyết phục trước trí thông minh nhân tạo của “chiếc áo có một không hai” này.


Blur Building không đòi hỏi bất kỳ kỹ thuật xây dựng nào mới, nhưng nó lại gợi một cách suy nghĩ mới về kiến trúc, mở ra những ý tưởng khác lạ cho những gì kiến trúc tương lai có thể đạt được. “Đó là nhận thức về những bản thiết kế không còn bị gò bó trong khuôn khổ của gạch, đá, bêtông… và cả những lằn ranh cố định cũng không cần thiết nữa” – Usman Haque, một kiến trúc sư người Anh, khẳng định.


Công trình cũng đặt ra câu hỏi đâu là sự khác biệt giữa kiến trúc và phi kiến-trúc? Nếu không có sự khác biệt thì kiến trúc lúc đó sẽ là gì? Rõ ràng Blur Building nắm giữ một vị trí rất quan trọng trong lịch sử kiến trúc nhân loại khi tạo ra một tác phẩm chuyển tiếp giữa quá khứ và tương lai.












Như đi vào mây
Bàng bạc dưới ánh đèn đêm


Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc nho nhỏ cho Blur Building, đó là nó chỉ được tạo ra nhằm mục đích duy nhất là phục vụ cuộc triển lãm năm đó mà thôi. Sau khi “sứ mệnh” hoàn thành, công trình cũng đã được tháo dỡ hoàn toàn, không còn “di tích” nào sót lại trên mặt hồ Neuchâtel nữa. Vận mệnh ngắn ngủi của một đám mây, tụ đó rồi tan, vô định, mông lung, không thực tại.


Đây cũng được xem là một trong những công trình kiến trúc độc đáo nhất nhưng lại có tuổi thọ ngắn nhất trên thế giới. Dù vậy, người ta vẫn luôn nhắc đến Blur Building như một trong những biểu tượng năng động kết nối không ngừng giữa con người và thiên nhiên.  


BẠCH NGỌC (Tổng hợp từ Arcspace Designboom)

You may also like

Leave a Comment

About Us

We’re a media company. We promise to tell you what’s new in the parts of modern life that matter. Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo. Sed consequat, leo eget bibendum sodales, augue velit.

@2022 – All Right Reserved. Designed and Developed byu00a0PenciDesign