Cao Bằng: Những công trình bạc tỷ tại thị trấn Nguyên Bình bị “bỏ quên”





Cuộc vận đông “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đang được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hưởng ứng sâu rộng, tạo nên sự chuyển biến rõ rệt trong đời sống xã hội. Một trong những nội dung gắn với cuộc vận động là thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy vậy, nhưng khi đến thị trấn Nguyên Bình, được nghe nhiều ý kiến của người dân rồi chứng kiến tận nơi mới thấy vẫn còn những sự lãng phí đến bạc tỷ. Nhà máy nước Khuổi Tấu là một ví dụ điển hình. Nhà máy này được xây dựng với trị giá trên 2 tỷ, khởi công từ năm 2003 đến năm 2007 thì hoàn thành. Cho đến nay, công trình này vẫn chưa được đưa vào vận hành, khai thác mà để cỏ mọc um tùm và ngày càng xuống cấp.

Trong nhiều cuộc họp tiếp xúc cử tri, đã có nhiều ý kiến kiến nghị vì trong khi thị trấn luôn rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt mà Nhà máy này lại bị bỏ hoang. Còn hệ thống nước tự chảy từ đỉnh Phja Oắc về thị trấn với vốn đầu tư cả chục tỷ đồng đã thi công 2 năm nay nhưng vẫn ì ạch nơi đầu phố. Nhiều người đặt câu hỏi: không biết rồi số phận của công trình này sẽ ra sao? Một công trình “thế kỷ” nữa là kè nắn dòng chảy của sông Thể Dục được khởi công xây dựng từ năm 2004 và hoàn thành vào năm 2007 với tổng vốn 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, vừa trải qua một mùa mưa lũ, một nửa công trình đã bị nước lũ cuốn trôi xuống lòng sông. Rất nhiều người dân và các cơ quan thông tin đại chúng, địa phương có, Trung ương có đã lên tiếng đề nghị khắc phục ngay. Lãnh đạo huyện nhiều lần hứa sẽ cho sửa chữa công trình nhưng đến nay công trình này vẫn nằm hoang tàn mặc sự xót xa của bao người qua lại. Mùa mưa năm nay lại bắt đầu nhưng vẫn chưa thấy động thái nào gọi là triển khai sửa chữa. Chắc phải chở cả 13 tỷ đổ hết xuống sông thì lãnh đạo huyện mới gấp rút vào cuộc. Sự bất cập và tắc trách của các cơ qua liên quan đến tính kém hiệu quả của công trình là ở chỗ người dân và công luận đã phản ánh, kiến nghị nhiều lần nhưng không có ai có ý kiến phản hồi, giải trình, phúc đáp hoặc có việc làm cụ thể để khắc phục kịp thời, thoả đáng.

Thiết nghĩ, trong lúc nền kinh tế địa phương còn nghèo, ngân sách thu không đủ chi, Nhà nước và nhân dân đang tiết kiệm từng đồng vốn để xây dựng đất nước, với số vốn lớn như vậy phải tính đến tính hiệu quả của công trình. Nếu đảng viên, cán bộ và người dân nào xâm phạm của công thì bị coi là tham ô và bị xử lý nghiêm, hay chậm nộp thuế thị bị coi là vi phạm pháp luật. Nếu vậy, những người có trách nhiệm trước những công trình trên cũng phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân. Có như vậy mới bỏ được thái độ quan liêu, vô trác nhiệm theo kiểu “cha chung không ai khóc”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *