Tại nhà CT2B KĐT Văn Quán (Hà Nội), ngay sau khi được tin nhà JSC 34 Lê Văn Lương cháy, đề tài về cách thoát thân được cư dân đưa ra thảo luận sôi nổi ngay tại hành lang tầng 11. Hỏi về chức năng của cầu thang thoát hiểm, nhiều người cho rằng cầu thang này khó đóng, mở nên tốt nhất là chạy cầu thang bộ cho nhanh. Khi được một kỹ sư xây dựng phân tích về chức năng của thang thoát hiểm là chỉ thông tầng giữa các cầu thang chứ không bị ảnh hưởng nhiều bởi khí độc khi gặp sự cố cháy hay khí độc nơi hành lang thì hầu hết những người này cho biết trước đó họ không biết về những kiến thức này, mặc dù hầu hết họ đều công nhận có được nghe BQL toà nhà phát tờ rơi về các biện pháp pCCC. Cũng ngay sau khi chung cư 18 tầng JSC 34 cháy, một độc giả báo Xây dựng phản ánh: Cầu thang thoát hiểm của toà nhà CT1 KĐT Mỹ Đình – Sông Đà, nơi gia đình họ đang ở luôn trong tình trạng sử dụng không đúng mục đích. Có những gia đình anh em, hoặc bố mẹ và con không ở cùng tầng (tầng trên, tầng dưới) nên nhu cầu qua lại giữa 2 tầng là thường xuyên. Chính vì vậy cầu thang thoát hiểm không biết từ lúc nào trở thành cầu thang bộ nối giữa 2 nhà. Vì cảm thấy bất tiện khi mở cửa thoát hiểm nặng và thường bị mút vào (đóng tự động) nên họ đã lấy vật nặng chèn cửa cầu thang để cánh cửa này luôn trong tình trạng mở. Không những thế, việc cầu thang thoát hiểm được chưng dụng để chứa đồ đạc cũng đã diễn ra tại toà nhà này. phải chăng “cha chung không ai khóc” hay vì nể nhau nên nhiều người dù thấy chướng nhưng cũng không ai lên tiếng. Một tình trạng diễn ra phổ biến là khi có diễn tập hay BQL toà nhà mời họp tập huấn về công tác an toàn, phòng chống cháy nổ thì phần nhiều những người được mời dự không có mặt với nhiều lý do khác nhau hoặc cử người giúp việc đại diện đi thay. Chính vì vậy, khi hoả hoạn xảy ra, nhiều người lâm vào lúng túng, hoảng loạn không biết xử lý ra sao. Từ vụ cháy toà nhà JSC 34 (Lê Văn Lương, Hà Nội) là một ví dụ. TS.BS Lê Thị Hằng – Giám đốc Bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng) – đơn vị trực tiếp cấp cứu cho trường hợp 2 mẹ con nạn nhân tử vong trong vụ hỏa hoạn tòa nhà JSC 34 cho rằng nạn nhân sẽ thoát nạn hoặc có nhiều cơ hội được cứu sống hơn nếu đừng đóng chặt cửa ở trong nhà (nhiều khả năng trong lúc cuống quýt họ nghĩ đóng chặt cửa để cản khói vào mà không biết rằng như thế càng nguy hiểm vì không khí không lưu thông và lượng khí độc càng đậm đặc càng dễ bị ngạt thở, ngất xỉu) trong khi nhiều người có mặt trong tòa nhà đã mở cửa ban công cầu cứu hoặc tìm cách thoát thân theo đường cầu thang bộ. Bên cạnh đó, cũng do quá lo sợ, nhiều người đã không chú ý đến lối thoát hiểm mà xô đẩy nhau chạy khiến việc thoát ra ngoài càng khó hơn. Vẫn biết khi xảy ra cháy, người ta khó có thể bình tĩnh, nhưng thử hỏi liệu có bao nhiêu người biết được một điều đơn giản: Cầu thang thoát hiểm là cầu thang để cho mọi người thoát ra trong các trường hợp nguy hiểm, khẩn cấp như cháy… Nên chăng, việc tập huấn kỹ năng xử lý tình huống, chuẩn bị tâm lý cho người dân sống trong môi trường tập thể được các nhà quản lý chú trọng hơn và người dân ý thức học cách sống ở chung cư để bảo vệ mình hơn thì chung cư mới thực sự trở thành môi trường sống văn minh, an toàn và hiện đại. |
Cháy nhà ra… thiếu hiểu biết – dân chung cư thảo luận đề phòng
0
Bài trước