Cồn Thới Sơn (xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang) được xem là “thiên đường” du lịch sinh thái miệt vườn Nam bộ. Gần đây, “đại gia” Hoàng Kiều quyết định đầu tư Khu vui chơi giải trí “hoành tráng” với kinh phí hàng trăm tỷ đồng cùng lời hứa đưa cuộc thi Hoa hậu thế giới 2010 về, khiến giá đất vọt lên chóng mặt.
Khi lời hứa tổ chức cuộc thi hoa hậu tan thành bong bóng xà phòng, cũng là lúc giá đất rơi tự do. trước đó, giá đất tại đây phổ biến ở mức 200 – 300 triệu đồng một công (1.000 m2). Khi ông Hoàng Kiều đưa ra tuyên bố, giá đất lập tức bị đẩy lên trên một tỷ đồng, riêng đường chính vào cồn lên đến 2,2 tỷ. Nghiệt ở chỗ là chỉ có một vài hộ xung quanh dự án của ông Kiều bán được với giá đó, còn lại đều trong trạng thái… chờ người mua. Đến khi cuộc thi hoa hậu không thể tổ chức ở miệt vườn thì đã có hàng chục vườn cây ăn trái xum xuê bị bỏ hoang.
Giá đất trên trời…
Gần một năm trước, sau khi “thôn tính” Khu tiếp đón đường bộ thuộc Khu du lịch Thới Sơn (thông qua hình thức mua cổ phần), ông Hoàng Kiều mua thêm hơn 13 ha xung quanh khu vực này để thực hiện dự án “nhà Hoa Hậu”. Để mua cho bằng được đất nhằm thực hiện dự án, ông Kiều đã đẩy giá mua lên 400 triệu một công, rồi 800 triệu và cuối cùng là 1,5 tỷ đồng. Nghe vậy, một doanh nghiệp ở Tp HCM cũng vội vã chạy theo và “ôm” của ông Tám Bổn, nhà ở mặt tiền trục đường chính thuộc ấp Thới Thạnh 1,5 công, với giá 2 tỷ đồng mỗi công.
Tuy nhiên, theo người dân địa phương, ngoài miếng đất của ông Tám Bổn bán giá cao, do ở mặt tiền đường, chỉ có ông Hoàng Kiều mới dám bỏ tiền ra như thế để mua mấy miếng đất không có đường xe trong khu vực. Theo tìm hiểu của Đất Việt, khi mua 2,4 ha đất của một hộ dân ở ấp Thới Thuận với giá 31 tỷ đồng, đến nay ông Hoàng Kiều vẫn chưa trả tiền hết tiền cho người bán.
Nhưng chuyện mua bán đất, đẩy giá đất ảo của đại gia này lại đang làm khổ dân có đất tại chỗ. Bà H., ấp Thới Thạnh – Thái Sơn treo bảng bán đất hơn một năm qua than thở: “Ổng mua với giá nào là chuỵên của ông ấy (ý nói ông Hoàng Kiều – pV). Còn người dân chúng tôi thì tiến thoái lưỡng nan. Bây giờ muốn bán đất là cả một cực hình. Bởi nếu bán giá thấp, bằng với thực tế trước đây thì tiếc, còn giá cao thì không ai mua”.
Ông Bảy Ốm, ngụ ấp Thới Thuận, cho biết: Chẳng ai muốn chăm sóc vườn tược vì giá đất đang “lơ lửng trên mây” khiến ai cũng “mơ” vào chuyện đất. Hiện đất dọc theo mặt tiền đường, dân hét đến 2 tỷ đồng mỗi công. Nhưng nói thật, bây giờ muốn bán cũng chẳng ai thèm mua”.
Chờ “Hoàng Kiều 2”!
Ông Nguyễn phục Dũng, Chủ tịch UBND xã Thới Sơn, cho biết, giá đất Nhà nước quy định trên trục đường chính (cao nhất) của xã là 580.000 đồng một m2 (tức khoảng 580 triệu đồng mỗi công), đất nằm ở phía trong thì thấp hơn. Nếu so sánh giá này với giá đất mà ông Hoàng Kiều mua, rõ ràng đã có một cơn sốt giá đất tại địa phương. Giá đất quá cao, người dân giao dịch cũng ít, và quan trọng hơn là rất khó kêu gọi đầu tư. Riêng việc xã vận động bà con hiến đất để làm đường giao thông nông thôn hiện nay gần như không thể..
trong khi đó, ông Lê Thanh Hiền, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Tiền Giang, cho biết, cồn Thới Sơn được UBND tỉnh quy hoạch thành 7 khu chức năng, với tổng diện tích 77 ha. Ông Hoàng Kiều đầu tư gần 5 ha của Khu đón tiếp đường bộ (cũ). Với mức giá mà ông Hoàng Kiều đã mua, nếu muốn kêu gọi đầu tư và thực hiện theo Nghị định 69 của Chính phủ trên phần diện tích 72 ha còn lại coi như không thể. trước Tết Nguyên Đán, chính tôi đã dẫn đoàn doanh nghiệp tại Tp HCM sang đây khảo sát, dự định thực hiện dự án Khu thể thao dưới nước. Khi nghe người dân đưa ra giá “thị trường” theo giá của ông Hoàng Kiều, các doanh nghiệp đều lắt đầu chào thua.
trả lời về việc nếu ông Hoàng Kiều không đầu tư tiếp vào các khu chức năng còn lại, khả năng quy hoạch của UBND tỉnh sẽ tiếp tục bị “treo”, ông Hiền không ngần ngại cho biết, thực tế với giá như hiện nay, rất khó có doanh nghiệp nào dám đầu tư, nên khả năng quy hoạch này tiếp tục bị treo là khó tránh khỏi, ngoại trừ có thêm Hoàng Kiều 2!
(Theo Đất Việt)