Trang chủ » Có một Paris dưới lòng đất

Có một Paris dưới lòng đất



TTO – Paris được mệnh danh là thành phố của tình yêu, thành phố trong mơ của hàng triệu người trên khắp hành tinh. Và không chỉ có những cổng Khải Hoàn, Bảo tàng Louvre, nhà thờ Đức Bà Paris hay đại lộ Champs Elyseé… mà còn có những địa danh dưới lòng đất rất đáng để tham quan. Một trong những danh lam thắng cảnh ấy là thế giới ngầm của các đường hầm dưới lòng Paris tráng lệ.








Biển chỉ dẫn xuống đường hầm có khu mộ chứa xương khổng lồ của Paris – Ảnh: AFP








Tường hầm được “trát” bằng một lớp xương người – những người “yếu bóng vía” nên tránh đến nơi này – Ảnh: AFP


Những đường hầm dưới lòng đất Paris thường dài hàng kilômet và chứa nhiều bí hiểm mà du khách có thể thả sức khám phá. Một trong những đường hầm ấy kết thúc bằng khu mộ chứa xương (Les Catacombes) khổng lồ. Thế giới “ma” nằm ở độ sâu khoảng 30m dưới lòng đất. Ai yếu thần kinh không nên vào đây, trước cổng vào khu để xương của trên 6 triệu người dân Paris có biển hiệu cảnh báo “dừng lại”.








Nếu bạn chưa chắc chắn thật sự muốn vào hầm, vẫn còn thời gian để dừng lại và quay lên – Ảnh: AFP


Dưới ánh sáng lờ mờ của những ngọn đèn hiu hắt, thoạt đầu ta có cảm giác bên cạnh những lối đi chỉ là những bức tường, nhưng đó là những bức tường được xếp ngay ngắn theo hàng lối bằng những bộ xương người thật. Khu mộ này ở quận 14 chỉ là một phần nhỏ của thế giới ngầm ở Paris với những đường tàu điện ngầm, những đường ống dẫn nước, gas – một Paris thứ hai.








Ánh sáng hiu hắt trong hầm khiến ta rùng mình – Ảnh: AFP


“Cả Paris rỗng tuếch rỗng toác ở phía dưới như pho mát của Thụy Sĩ vậy” – anh hướng dẫn viên của Les Catacombes kể cho chúng tôi nghe. Từ thời Trung cổ người ta đã khai thác đá vôi dưới lòng đất của Paris để dành cho việc xây dựng – nếu để ý bạn sẽ thấy màu đặc trưng của Paris là màu trắng.


Những đường hầm này tập trung ở ba khu chính và chúng có chiều dài tổng cộng hàng kilômet và chạy gần như song song với những con đường phía trên mặt đất.








Biển chỉ dẫn lối ra lúc nào cũng sáng đèn – Ảnh: AFP


Ngày ấy vẫn thường xuyên có những vụ sập nhà hay sập đường như lời anh hướng dẫn viên nói, do vậy vào cuối thế kỷ 18 thành phố Paris đã cho đóng cửa các mỏ khai thác đá vôi và thành lập một ban chuyên đi kiểm tra độ an toàn của các đường hầm này.


Cũng vào thời gian này, khu hầm mộ Les Catacombes dưới quảng trường Place Denfert-Rochereau được mở ra vì số người chết đói và dịch hạch quá lớn không có chỗ chôn trong những nghĩa trang trên mặt đất. Anh hướng dẫn viên kể: “Ngày đó mùi hôi thối ở những nghĩa trang quá mức chịu đựng của những người dân sống gần đó, thậm chí nhiều người đã ngất hoặc bị chết ngạt”.








Có thể những hài cốt này là của những người chết vì dịch hạch thế kỷ 18 – Ảnh: AFP


Ngày nay khu hầm mộ này đã hoàn toàn khác, nó thanh bình và không có tí mùi xú uế nào và trở thành một danh lam thắng cảnh không thể bỏ qua khi đến thăm Paris. Những đường hầm ở đây dài cả hàng trăm mét, chỉ cao hơn đầu người một ít.


Những chiếc xương được xếp gọn gàng ngăn nắp. Các loại xương ống được xếp thành những bức tường nối tiếp nhau và cứ nửa mét lại có một lớp được xếp hoàn toàn bằng xương sọ. Thỉnh thoảng có thể nhìn qua những bức tường cao bằng đầu người để thấy phía sau sâu hàng mét là hàng triệu bộ xương nằm ngổn ngang, xương to xương nhỏ hay những xương sọ đã bị vỡ.












Xương ống xếp ken dày trên tường còn xương sọ thành các hàng dài cách nhau nửa mét – Ảnh: AFP
Có những đoạn người ta xếp xương sọ thành hình như thế này – Ảnh: AFP


Thế giới ngầm đầy bí hiểm của Paris không chỉ là khu hầm mộ nổi tiếng kia. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai khi Paris bị Đức quốc xã chiếm đóng, một đường hầm ở đây bị biến thành hầm bảo vệ, nơi làm việc rất an toàn của người Đức. Những biển hiệu bằng tiếng Đức như “Ruhe” (giữ yên tĩnh) hay “Rauchen verboten” (cấm hút thuốc lá) du khách có thể đọc được khi thăm thế giới ngầm này ở quận 6 ngày nay.








Những dấu vết của giới thanh niên để lại trên tường hầm – Ảnh: AFP


Tại một địa điểm khác du khách cũng có thể chiêm ngưỡng cảnh khu cảng của thành phố Mahón với kích thước thu nhỏ. Sau khi được trao trả tù binh, một cựu chiến binh trong cuộc chiến với người Anh đã khắc hình ảnh cảng biển Mahón lên tường đá theo trí nhớ của mình dưới hầm mỏ, nơi mà anh làm việc sau chiến tranh.












Du khách thong dong tham quan dưới lòng đất – Ảnh: AFP
Và chăm chú đọc biển chú thích hướng dẫn trên vách tường – Ảnh: AFP








Nhà vệ sinh do giới trẻ đặt cạnh rạp phim dưới hầm, nay đã bị dẹp bỏ – Ảnh: AFP


Thời nay giới thanh niên của thủ đô Paris tráng lệ lại khoái chui xuống các đường hầm ở đây để mở tiệc ăn chơi nhảy múa hoặc tụ tập xem phim. Cách đây vài năm, công an Paris đã dọn sạch một rạp chiếu phim dưới thế giới ngầm với đầy đủ ghế, màn hình chiếu phim và hệ thống âm thanh rất hiện đại. Để những sự việc này không lặp lại, ở Paris có hẳn một bộ phận công an mang tên “Cataflics” thường xuyên đi kiểm tra thế giới ngầm dưới lòng đất ở thành phố văn minh bậc nhất thế giới này!


NAM HẢI

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.