KT&ĐS – Có vị trí bên bờ phía Bắc của dòng sông Thames êm đềm và không quá xa trung tâm thành phố, đây là công viên chính đầu tiên được xây dựng ở London kể từ hơn 50 năm qua. Nằm trên mảnh đất đã từng bị ô nhiễm nặng nề trong quá khứ (từng là nơi sản xuất các sản phẩm hoá học, phẩm màu nhuộm và nhà máy sản xuất vũ khí…). Năm 1969, các nhà máy đóng cửa hoàn toàn và khu đất không còn được sử dụng. Vào những năm 90, nó trở thành trọng điểm, giữ vai trò thiết yếu trong dự án quy hoạch đô thị mới vùng Royal Dock – dự án có quy mô lớn nhất trên cả nước nhằm tạo ra một cơ sở hạ tầng mới quan trọng cho thành phố
Các đường đi dạo xen kẽ với những dải cây lượn song |
Vào năm 1995, tập đoàn phát triển Dockland London đã tổ chức cuộc thi kiến trúc quốc tế nhằm tái sinh mảnh đất bị lãng quên này bằng việc xây dựng một công viên đô thị mới. Đồ án kết hợp giữa công ty Groupe Signes (Paris) và công ty Patel Taylor (London) đã giành được giải nhất không chỉ vì ý tưởng mới lạ cho công viên mà đồ án còn đưa ra định hướng phát triển rất hợp lý cho cấu trúc vùng đô thị xung quanh trong tương lai. Kiến trúc sư Patel Taylor giải thích: “Tham vọng của chúng tôi trong đồ án không chỉ dừng lại ở việc tạo ra một lá phổi xanh của thành phố từ mảnh đất bị lãng quên, mà cùng với nó chúng tôi còn mong muốn tạo ra một không gian văn hoá công cộng quan trọng, mới mẻ với cá tính đặc thù riêng biệt…”.
Quá trình xây dựng công viên được chia ra làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu là quá trình khử sự ô nhiễm của mảnh đất công nghiệp bị bỏ hoang đã lâu, bắt đầu từ tháng 1 năm 1997 và hoàn thành trong vòng chín tháng. Giai đoạn hai là quá trình xây dựng công viên được bắt đầu năm 1998 và kết thúc vào tháng 3 năm 2000. Thames Barrier không phải là mẫu công viên phổ biến thường thấy trong thành phố nơi có rất nhiều các hoạt động dành cho tất cả mọi người, mà nó là một ví dụ về cách nhìn nhận mới và thiết kế một công viên hiện đại. Mặt bằng tổng thể của công viên hình vuông, khá đơn giản. Phần đất phía trên cao chủ yếu là những bãi cỏ xanh. Những bụi cây bulô được nghiên cứu và sắp xếp nhằm tạo ra các điểm nhìn thay đổi liên tục đóng và mở về phía sông Thames, hình thành những khoảng không gian vô định hình mà ở đó du khách có thể tìm được những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn riêng tư.
Một lối vào công viên ấn tượng với “bản hOÀ tấu” của 32 vòi phun nước |
Cắt chéo qua công viên là một cái hào lớn cùng với những bức tường cao 5m bằng bê tông, có dáng vẻ như một xưởng đóng tàu, gợi nhớ lại quy mô và cấu trúc của vùng bến cảng công nghiệp trước đó. Từ khu vực này dẫn chúng ta bước vào “khu vườn cầu vồng” cùng với những dải cây lượn sóng đủ màu sắc và hương thơm, xen kẽ các lối đi nhỏ. Chúng ta cũng có thể chiêm ngưỡng khu vườn này từ phía trên cao, từ những cây cầu nhỏ bắc ngang qua nối hai phần của công viên.
Công viên kết thúc ở bờ sông nơi có một không gian rộng để vui chơi, nghỉ ngơi và ngắm cảnh. Ở vị trí trung tâm là nhà tưởng niệm để tưởng nhớ đến những người dân địa phương đã chết trong chiến tranh. Với cấu trúc gồm một mái phẳng bằng gỗ mỏng được dựng trên 23 chiếc cột thép nhỏ không thẳng hàng nhau, được ví như những cây nhỏ trong một khu rừng quang đãng.
Hiện tại, các ngôi nhà chung cư mới đang được thi công sát phía đông và phía tây của công viên, rất nhiều công trình mới được xây dựng ở phía đông bắc, trong đó có cả trường học và trung tâm thương mại. Vị trí gần kề của công viên với những khu vực trọng điểm của thành phố như sân bay, trung tâm triển lãm Excel… và cùng với những đường tàu điện ngầm mở rộng mới, kết nối trung tâm London với phía đông của Stratford sẽ khiến cho khu vực này thu hút được sự quan tâm trong tương lai không xa.
“Khu vườn cầu vồng” cắt chéo qua công viên như một điểm nhấn, gợi lại hình ảnh của vùng bến cảng công nghiệp cũ | |
‘Kkhu vườn cầu vồng’’ – nhìn từ cây cầu nhỏ phía trên cao | ‘‘Nhà tưởng niệm’’ với cấu trúc đơn giản, nhẹ nhàng cũng là nơi để vui chơi, ngắm cảnh |
Lối dẫn vào ‘‘Nhà tưởng niệm’’ | |
Công viên kết thúc ở bờ sông Thames, nơi tiếp cận với hệ thống cản lũ Thames Barrier – rào chắn lũ di động lớn thứ hai trên thế giới, được xây dựng từ năm 1974 đến năm 1982 |
Ths.KTS Vũ Hoàng Hà (MA BFH/HES-SO)
Bristol, Vương Quốc Anh
Diện tích công viên: 9 hecta |