Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
Trang chủ » Đề án giãn dân phố cổ: Liệu có khả thi ?

Đề án giãn dân phố cổ: Liệu có khả thi ?

by Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Vừa qua, lãnh đạo UBND Tp Hà Nội đã làm việc với Q.Hoàn Kiếm và các sở, ngành về đề án giãn dân phố cổ sang KĐTM Việt Hưng (Q.Long Biên). Đề án được xây dựng với mục tiêu bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử khu phố cổ cũng như cải thiện điều kiện sống cho người dân. Tuy nhiên, phần lớn người dân vẫn còn băn khoăn về tính khả thi của nó.


trăm dạng mưu sinh nơi phố cổ.

Nghe nhưng không hiểu

Đặc thù của người dân khu vực phố cổ chủ yếu mưu sinh bằng các dịch vụ buôn bán từ trong ngõ đến vỉa hè, nơi nào cũng có thể kinh doanh. Nhiều người dân khi được hỏi tỏ ra rất hoang mang vì không biết sẽ kiếm sống ra sao, tiền hỗ trợ tiêu hết thì lấy đâu để sống và lại phải đóng các khoản lệ phí khi về ở các chung cư mới – điều này không có khi họ sống ở phố cổ. Bà Quỳnh Anh – phó BQL phố cổ Hà Nội cho biết: Đối với các hộ dân có cửa hàng kinh doanh mặt phố, bên cạnh việc ủng hộ chủ trương giãn dân nhưng họ còn băn khoăn và đưa ra những đòi hỏi nhằm đảm bảo cuộc sống cho họ khi đến nơi ở mới.

Theo bà Nguyễn Bích Ngọc – tổ trưởng phụ nữ tổ dân phố 5 p.Hàng Bạc 1: phần lớn người dân đều đồng ý về chủ trương này của Tp, vì hiện nay có rất nhiều hộ gia đình cả 3 thế hệ phải sống trong một không gian hơn 10m2 chật chội, ẩm thấp, mất vệ sinh. Để các hộ tự bảo nhau cải tạo là điều không thể. Nếu giãn được dân, trả lại nét văn minh cho phố cổ được thì tốt quá. Tuy nhiên, theo bà Ngọc, mặc dù dân cũng đã vài lần được nghe về đề án này nhưng vẫn chưa hiểu đúng mục đích của đề án. phải làm sao tuyên truyền, phổ biến kỹ hơn cho dân hiểu đây là giãn dân để bảo tồn, tôn tạo mang lại văn minh cho phố cổ chứ không phải di dân. Mặt khác, cũng cần phải đưa dân sang xem xét nơi ở mới để được tận mắt chứng kiến chứ không thể cứ nói ào ào rồi thôi.

Được biết, dù đề án chưa được hoàn thiện và công bố chính thức song cũng đã nhận được sự quan tâm của nhân dân sống trong phố cổ. Hiện đã có một số hộ dân nộp đơn tự nguyện sang KĐTM Việt Hưng theo chủ trương của thành phố. Theo ông Nguyễn trọng Hào – tổ trưởng tổ dân phố số 4 p.Hàng Bạc 1, phố cổ có rất nhiều nhà không giấy tờ hoặc giấy tờ viết tay nên bán ra ngoài rất khó. Nay được Nhà nước định giá mua lại họ sẵn sàng đi ngay. Tuy nhiên, đối với các hộ bỏ một khoản tiền lớn ra mua cửa hàng mặt phố để kinh doanh thì việc vận động họ sang nơi kinh doanh khác là điều dường như không thể.

Cần phải có kế hoạch bài bản

Theo nhà văn Hoàng Quốc Hải, khi giãn dân phố cổ cần phải tính toán xem nó phải  được  thực  hiện  như  thế  nào và kèm theo những giải pháp cụ thể. Mặt khác bảo vệ thì cũng phải có chọn lọc. Ví dụ chọn lọc ra một hai cái khu phố nào đó thôi chứ không thể bảo vệ được tất cả. Vì nó nằm trong xu thế phát triển chung, chúng ta không thể giữ lại tất cả những cái gì mà nó hiện có đâu. Lẽ ra các nhà văn hoá, các nhà lịch sử và các nhà bảo tồn phải ngồi với nhau. Hiện nay quy hoạch của chúng ta đang mang tính áp đặt. Việc quy hoạch và thực thi hiện nay đang có mâu thuẫn mà chúng ta không có giải pháp cụ thể. Bài học bảo tồn tôn tạo nhà cổ vẫn còn đó. Hà Nội cái gì cũng muốn giữ nhưng cuối cùng chẳng giữ được gì cả?

Cũng có ý kiến cho rằng người dân phố cổ có đủ sức làm nên một khu phố mới hiện đại cho thành phố. Tuy nhiên Nhà nước cần phải tạo ra một khu phố hẳn hoi, một phố mới hoàn chỉnh đảm bảo điều kiện sống cũng như kinh doanh của người dân. phố mới này có thể xây dựng với những tuyến phố không cần rộng, không có ôtô đi vào mà dành riêng chỉ để đi bộ…

Dường như người dân chưa nhìn thấy tương lai khi chuyển đến nơi ở mới. Vậy điều quan trọng là phải xây dựng được cơ chế chính sách cụ thể như bảo tồn bằng cách nào, giãn dân bằng cách nào, nâng cao đời sống bằng cách nào… Họ không muốn di dời là vì họ chưa nhìn thấy chân trời mới chứ không phải vì thói quen. Vì vậy, trước khi triển khai đề án này, thành phố cần tổ chức các cuộc thăm dò minh bạch nguyện vọng của người dân, để biết họ muốn gì, yêu cầu, đòi hỏi gì hoặc sáng kiến gì với việc di dời. Có sự bàn bạc, phối hợp giữa chính quyền và người dân thì mới có thể tìm ra cách bảo tồn tốt nhất đối với phố cổ. Chính vì vậy đề án phải được xây dựng một cách bài bản, chu đáo và mang lại hiệu quả thiết thực.

Mặt khác, “tấc đất tấc vàng” đối với phố cổ thời buổi này không còn ý nghĩa vì đất phố cổ còn đắt hơn vàng. trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Nguyễn trọng Hào, bức xúc: Đề án phải được xây dựng sao cho người dân có điều kiện kinh doanh tốt. Tiền bồi thường phải được tính hợp lý so với thực tế và đặc biệt người dân phải được biết rõ về chất lượng nhà cũng như điều kiện sống nơi ở mới. Người dân hiện nay đã quá sợ chất lượng nhà tái định cư. Nếu thành phố không chọn nhà thầu và nghiệm thu tốt mà cứ xây rồi nhét dân về sống thì chắc chắn sẽ không ai đến ở.

Leave a Comment

About Us

We’re a media company. We promise to tell you what’s new in the parts of modern life that matter. Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo. Sed consequat, leo eget bibendum sodales, augue velit.

@2022 – All Right Reserved. Designed and Developed byu00a0PenciDesign