Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 do Viện Quy hoạch Xây dựng TP.HCM và tư vấn Nikken Seikei thực hiện đã hoàn thành và trình các bộ, ngành thẩm định chiều 23/6 tại Hà Nội.
Không phụ thuộc ranh giới hành chính Theo báo cáo của Viện Quy hoạch Xây dựng TP.HCM, ngoài 3 hướng phát triển đã được đề xuất trong Quy hoạch 1998 (là phía Đông, Nam, Bắc – Tây Bắc), đề xuất thêm hướng phụ về phía Tây – Tây Nam, gắn kết với các đô thị trong vùng như Biên Hoà, Nhơn Trạch, Dĩ An… và mở ra không gian phát triển theo hướng hoà nhập, không phụ thuộc ranh giới hành chính, giảm áp lực vào trung tâm nội thành cũ. Kiên quyết không phát triển đô thị trong 33.000ha của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và khu rừng đặc dụng phòng hộ trên địa bàn Bình Chánh, Củ Chi. TP sẽ được phân thành 3 vùng (khu nội thành cũ; khu nội thành phát triển và khu vực ngoại thành), đồng thời đề xuất các phương hướng và biện pháp cải tạo chỉnh trang hiện trạng khu nội thành cũ (giữ gìn di sản văn hoá, công trình kiến trúc có giá trị, tổ chức sắp xếp lại mạng lưới giao thông, giải toả các khu nhà lụp xụp trên kênh rạch và khu phố, di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm…) ưu tiên phát triển khu đô thị mới đồng bộ về hạ tầng. Hệ thống trung tâm dịch vụ được tổ chức theo hướng đa tâm, ngoài trung tâm hạt nhân và 4 khu vực (phía Bắc, phía Đông, phía Tây và khu phía Nam), còn bổ sung thêm Khu đô thị khoa học Đông Bắc TP (thuộc Q.9, Thủ Đức); Khu đô thị cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè)… Các khu – cụm công nghiệp cũng sẽ được xem xét, bố trí lại cho phù hợp. Về định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật, ngoài định hướng phát triển về giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang… đồ án còn định hướng chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng, định hướng chiều cao đất xây dựng, đưa ra các thiết kế đô thị và đánh giá môi trường chiến lược nhằm quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị và bảo vệ môi trường. Vấn đề tạo dựng không gian xanh cho TP cũng được đặc biệt chú ý. Ngoài khu công viên cây xanh theo Quy hoạch chung 1998, đồ án còn đề xuất hình thành trục xanh cảnh quan mặt nước dọc bờ sông Sài Gòn, Đồng Nai và sông Nhà Bè; hình thành thêm tuyến vành đai xanh ở khu vực phía Bắc (thuộc huyện Hóc Môn), phía Tây (thuộc huyện Bình Chánh) và phía Nam (thuộc huyện Nhà Bè); phát triển mạng lưới cây xanh đô thị dọc theo các trục đường cao tốc. Chất lượng sống đô thị Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đồ án đã đạt được một số yêu cầu cơ bản theo nhiệm vụ quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt ra những vấn đề lớn và đưa ra định hướng giải quyết. Tuy nhiên, vấn đề vị trí vai trò của đô thị TP.HCM với các đô thị trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; vấn đề biến đổi khí hậu, đối mặt và giải quyết vấn đề triều cường, tạo dựng không gian xanh, định hướng hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch sử dụng đất cần đề cập hoặc đề cập sâu hơn trong đồ án. Với quy mô dân số rất lớn, tình trạng các KCN của các tỉnh lân cận áp sát, TP.HCM nên cần có vành đai xanh bảo vệ. Cần đưa ra chiến lược phát triển chủ yếu và các giải pháp thực hiện, xác định rõ chất lượng và hình ảnh đô thị, chú ý đến tính kết nối giữa giao thông đô thị và giao thông đối ngoại và giải quyết vấn đề môi trường… Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (Bộ Xây dựng) Ngô Trung Hải cho rằng, ngoài việc đặt trong mối liên hệ với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cần đặt vào bối cảnh cạnh tranh và xác định vị trí, tầm vóc của đô thị TP.HCM so với hệ thống các đô thị ở Châu Á – Thái Bình Dương đang có xu hướng đạt đến những thành phố toàn cầu. Mặc dù đã phân vùng phát triển nhưng cần xác định rõ vùng nào là vùng đô thị, vùng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, vùng nào là vùng sinh thái du lịch nghỉ dưỡng, vùng nông nghiệp và vùng nào là vùng hạn chế cấm phát triển… Băn khoăn nhiều nhất là hướng phát triển của TP.HCM, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn cho rằng, việc phát triển TP theo 4 hướng là căn cứ vào thực tế nhưng thiếu sự bình luận gắn với kinh tế đô thị. Hiện tại TP đang phải đối mặt với vấn đề triều cường, ngập úng và tương lai là biến đổi khí hậu như nước biển dâng… nên việc phát triển chính về phía Nam (hướng ra biển) là không hợp lý. Theo ý kiến các chuyên gia, nên phát triển về hướng Tây – Tây Bắc. Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân yêu cầu Đồ án cần nhấn mạnh, làm rõ hướng điều chỉnh, tính hiện thực, khả thi và cần xác định rõ nguồn lực thực hiện đồ án. Theo ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, thì TP hiện đang đứng trước 4 trở lực lớn: Hệ thống cơ sở hạ tầng thấp kém, bất cập; nguồn lực cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế chưa đáp ứng được; bản thân bộ máy quản lý chưa tương thích với một TP đông dân nhất cả nước và nhiều vấn đề xã hội đang đặt ra bức xúc, gay gắt. Cũng theo ông Tài, “chìa khoá” để giải quyết những vấn đề nêu trên và đưa TP phát triển là cần có một đồ án Quy hoạch chung kết nối các không gian, đưa ra định hướng phát triển và các giải pháp thực hiện và việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết. Và nếu Đồ án điều chỉnh quy hoạch được duyệt, TP sẽ đầu tư nghiên cứu sâu hơn, cụ thể hơn nội hàm của từng lĩnh vực. |
Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM: Hướng đến phát triển bền vững
4