Điều kỳ diệu bên dòng Srêpok





Dù đã nhiều lần chứng kiến giây phút cảm động ấy, song đến tận hôm nay tôi vẫn nhớ khuôn mặt phấn chấn, hạnh phúc của TGĐ Nguyễn Thành Phương, của GĐ Ban Điều hành dự án Trần Văn Nhu và các cộng sự của họ khi tổ máy 1 Nhà máy thuỷ điện Buôn Kuốp (Đăk Lăk) công suất 140MW phát điện. Sau hơn 3 tháng vận hành, cho đến nay, tổ máy 1 đã vận hành thương mại hết công suất, không phải dừng để căn chỉnh, sửa chữa như một số nhà máy thuỷ điện khác. Trong câu chuyện với tôi, KS Trần Văn Nhu vẫn rất xúc động: “Mỗi khi nghe Lê Tất Dũng, Phó giám đốc Ban Điều hành, phụ trách kỹ thuật, lắp máy điện báo lắp xong hạng mục này, xong phần kia, tôi như trong mơ vì thấy anh em làm nhanh quá, kỳ diệu quá”. Là người đồng hành với Vinaconex gần 20 năm qua, tôi hiểu được niềm vui và hạnh phúc của họ bởi đây là dự án thuỷ điện đầu tiên do Vinaconex làm tổng thầu và cũng là dự án đầu tiên KS Trần Văn Nhu tham gia từ đầu đến cuối.



Lắp tổ máy 1 Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp.


Cách đây 5 năm, khi lần đầu tiên Vinaconex đảm nhận vai trò tổng thầu 3 dự án thuỷ điện có công suất lớn theo cơ chế 797, không ít người hoài nghi bởi đây là lĩnh vực rất mới mẻ đối với họ. Không những thế, các dự án thuỷ điện do Vinaconex thi công đều có địa chất, địa hình rất phức tạp. Nhiều đoạn đứt gãy cùng với lớp đá bồ kết thường gây ra sụp lở bất thường không chỉ làm cho nhiều hạng mục thi công bị kéo dài mà còn làm tăng chi phí của các nhà thầu, đặc biệt là ở dự án thuỷ điện Buôn Kuốp và Buôn Tua Srah. Nếu như đường hầm dẫn nước ở thuỷ điện Buôn Tua Srah thi công khó khăn, phức tạp do hầm nằm nghiêng 25 độ thì đường hầm ở thuỷ điện Buôn Kuốp lại khó khăn, phức tạp do đường hầm dài tới gần 10km, đường kính rộng 7m. Ngoài đường hầm, Vinaconex còn phải thi công hai giếng đứng có kỹ thuật rất phức tạp, độ rủi ro cao. Đây được coi là một kỷ lục về sự phức tạp của địa chất và điều kiện thi công của các dự án thuỷ điện ở Việt Nam. Vượt lên tất cả, những người thợ Vimeco, Vinavico (hai DN chủ lực của Vinaconex trong lĩnh vực đào hầm) mặc những chiếc áo bảo hộ lao động màu xám cứ lẫn vào đá, vào cây lặng lẽ làm việc, đào hầm giữa bạt ngàn Tây Nguyên. Họ đã trộn mồ hôi, công sức, trí tuệ thành thứ bê tông ý chí làm nên dòng điện sáng.


KS Trần Việt Thắng, Chủ tịch HĐQT Vimeco cho biết: Khó khăn nhất của một dự án thuỷ điện là thi công hầm vì ngoài sự phức tạp, nguy cơ mất an toàn lớn ra, hầm còn là hạng mục chiếm một khối lượng rất lớn của toàn bộ dự án. Vì vậy, việc thi công hầm dẫn nước thành công ở thuỷ điện Buôn Kuốp cho thấy Vianconex hoàn toàn có khả năng thi công các dự án thuỷ điện lớn hơn, phức tạp hơn. Có lẽ vì thế mà Vinaconex đã tổ chức Lễ thông hầm Buôn Kuốp thật trang trọng và cảm động. Hôm ấy, nhờ ánh đèn của chiếc máy đào hầm, tôi bì bõm lội mới chụp được mấy tấm ảnh những người lao động giỏi do đích thân TGĐ Nguyễn Thành Phương trao quà. Trưa hôm ấy, anh em công nhân còn được “đánh chén” thoả thuê do Tổng giám đốc trích tiền thưởng mổ bò khao quân mừng thắng lợi. Nhiều lần chứng kiến lễ thông hầm như thế ở thuỷ điện Hoà Bình, Yaly, Sê San 4… của những người thợ Sông Đà, song đường hầm ở Buôn Kuốp có thể gọi là kỳ tích của người thợ. 


Bây giờ Buôn Kuốp lại đang vào giai đoạn thi công nước rút để đưa tổ máy 2 vận hành vào ngày 31/8 năm nay. Hiện các hạng mục như tháp điều áp, đập chính, đập tràn, cửa xả, nhà máy, đường hầm dẫn nước, lắp tổ máy 2… đều bám sát tiến độ đề ra. Hàng tuần, tiến độ thi công dự án đều được báo cáo về văn phòng TCty. Đưa chúng tôi vào nhà máy kiểm tra tiến độ lắp tổ máy 2 còn có Phó TGĐ Lilama 45-3 Phan Cao Viên, đơn vị đảm nhận toàn bộ phần lắp máy. Chỉ những thao tác rất thành thạo của những người thợ Lilama 45-3 trong trang phục bảo hộ lao động màu xanh, ông Nhu bảo rằng đây là thành quả lao động của các nhà thầu, mà tiêu biểu là Lilama 45-3. Sự chuyên nghiệp, khoa học trong điều hành, tổ chức thi công, kinh nghiệm và tay nghề của công nhân đã giúp Lilama 45-3 lắp đặt thành công hai tổ máy và phát điện thương mại được ngay, mặc dù họ bị dồn lại do phần xây dựng chậm tiến độ. Những ngày cùng ăn, cùng ở với những người thợ Vinaconex ở Buôn Kuốp, tôi hiểu, ngoài những nguyên nhân trên, còn một nguyên nhân mà ông Nhu khiêm tốn không nhắc đến. Đó là sự đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ của các nhà thầu mà vai trò nòng cốt là Vinaconex, là người anh cả Trần Văn Nhu.


Cùng với thuỷ điện Buôn Kuốp, hai dự án thuỷ điện cũng do Vinaconex làm tổng thầu là Buôn Tua Srah và Cửa Đạt cũng đang đẩy nhanh tiến độ để phát điện đúng kế hoạch. Trong những lần tâm sự với tôi, TGĐ Nguyễn Thành Phương bảo rằng: Thuỷ điện không phải là lĩnh vực truyền thống của Vinaconex, song chúng tôi đã nghiên cứu, rút kinh nghiệm ở các đơn vị bạn, liên tục áp dụng công nghệ mới và tiên tiến vào các dự án lớn, đặc biệt là trong việc thi công đập và hầm dẫn nước. Hai đường hầm ở thuỷ điện Buôn Kuốp và Buôn Tua Srah là kết quả của những tiến bộ khoa học ấy. Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải công nhận đẳng cấp quản trị công trình thuỷ điện theo hình thức tổng thầu của Vinaconex.   


Lâu nay, tên tuổi và thương hiệu Vinaconex đã gắn liền với những toà nhà cao chọc trời được xây dựng bởi công nghệ hiện đại, những con đường, những KĐTM, nhà máy nước, VLXD… song trong lĩnh vực làm thuỷ điện, Vinaconex chỉ là anh “lính mới”. Vì vậy, việc vận hành tổ máy 1 Nhà máy thuỷ điện Buôn Kuốp với chất lượng tốt là minh chứng sinh động đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của DN này trong việc vươn lên trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành…


Đi trên đập tràn nhà máy, phía trước là dòng Srêpok trong xanh với những bông cúc quỳ vàng sậm, xa xa là những bản làng Tây Nguyên với ánh sáng mà điện Buôn Kuốp mang đến, hai kỹ sư trẻ Vân và Quyên say sưa kể với tôi về những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu khi theo các chú, các anh đi làm thuỷ điện. Vậy mà giờ đây họ đã trưởng thành, đã tường tận các bản vẽ thiết kế, các phương án thi công, những hạng mục của công trình và ngày càng gắn bó với “ngôi nhà Vinaconex”. Nhìn các bạn trẻ, tôi tin họ sẽ làm được những điều kỳ diệu, những công trình kỷ lục như lớp cha anh ở Vinaconex đã làm. Với tôi, chưa bao giờ khẩu hiệu “Xây những giá trị, dựng những ước mơ” lại xúc động và ý nghĩa như thế.







Chủ tịch HĐQT Vinaconex Nguyễn Văn Tuân không ít lần nói: “Tài sản quý nhất của Vinaconex là con người, chúng ta phải đào tạo và chăm lo đến mức cao nhất đời sống cho người lao động”. Quan điểm đầy tính nhân văn ấy được những nhà lãnh đạo Vinaconex thực hiện triệt để, đặc biệt trên các công trình thuỷ điện và chính điều ấy đã khiến người lao động gắn bó với nghề, với “mái nhà Vinaconex”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *