Theo báo cáo về chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu 2010 do tổ chức Germanwatch công bố ngày 8/12 trong một cuộc hội thảo bên lề Hội nghị lần thứ 15 của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COp 15) diễn ra tại Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, Việt Nam là một trong 4 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của hiện tượng khí hậu cực đoan trong hai thập kỷ trở lại đây và đứng thứ 3 nếu chỉ tính riêng năm 2008.
418/754 đô thị chịu ảnh hưởng của BĐKH Những cơn bão lũ liên tiếp đổ vào miền trung – Tây Nguyên gây thiệt hại lớn về người và của, Tp.HCM phải đối mặt với tình trạng triều cường và ngập úng gia tăng, nắng nóng bất thường vào mùa đông, miền Bắc đang phải đối mặt với nguy cơ hạn hán, mực nước sông Hồng xuống thấp nhất lịch sử 107 năm qua… Và thực tế, không cần chờ đợi thêm thời gian, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang tác động đến nước ta. Kịch bản nước biển dâng do Bộ TN&MT công bố cho thấy: Giữa thế kỷ XXI mực nước biển có thể dâng thêm 28 – 30 – 33cm, đến cuối thế kỷ XXI mực nước biển dâng thêm từ 65 – 75 – 100cm so với thời kỳ 1980 – 1999. Như vậy, với đường bờ biển dài, hơn 50% đô thị nằm ven biển và vùng có liên quan sẽ chịu tác động trực tiếp của BĐKH nói chung và nước biển dâng nói riêng. Theo nghiên cứu của Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), sẽ có 418/754 đô thị bị chịu ảnh hưởng trực tiếp của BĐKH, ngoài ra những khu kinh tế tập trung (là các đô thị trong tương lai) cũng cần được xem xét. Đối với đô thị ven biển, nước biển dâng đồng nghĩa diện tích đất sẽ bị mất đi (ngoài diện tích đất thực mất còn có diện tích đất bị ảnh hưởng), dân phải dịch cư, tác động đến hạ tầng đô thị như giao thông, cấp thoát nước…
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng Cao Lại Quang, đối mặt với BĐKH chúng ta cần có giải pháp chiến lược đối với tổng thể các đô thị nói chung và từng đô thị nói riêng. Hướng dẫn các địa phương để họ tổ chức đánh giá lại đô thị, đưa ra giải pháp cụ thể chủ động ứng phó với BĐKH. TS Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) tại Việt Nam cho rằng, ngoài những giải pháp mang tính toàn cầu, chúng ta cũng cần có kế hoạch và chương trình hành động để ứng phó với BĐKH. Có nhiều công cụ khác nhau, trong đó vấn đề quy hoạch rất quan trọng. phải sử dụng công cụ quy hoạch sử dụng đất đai làm công cụ giảm nhẹ hiểm hoạ trong quá trình phát triển. Khi quy hoạch phải đánh giá được nơi nào đất trũng, nơi nào đất cao… đưa ra được loại hình sử dụng đất thích hợp cho từng khu vực khác nhau. Quy hoạch phải mang tính chiến lược hơn, lồng ghép được các vấn đề BĐKH vào và quy hoạch phải có tính chế tài, có sự tham gia của cộng đồng, người dân phải được cung cấp thông tin, được tham gia để biết phải làm gì để ứng phó BĐKH. Cũng theo TS Nguyễn Quang, ứng phó với BĐKH không phải là trách nhiệm của riêng ai, mà phải có sự phối hợp tốt giữa các bên liên quan, giữa Nhà nước và nhân dân, xây dựng được kế hoạch phòng, chống thảm hoạ, phải có kế hoạch thiết kế xây dựng và chỉnh trang đô thị ven biển chống lũ như xây dựng đê và biến đê thành khu vui chơi giải trí như Hà Lan, hay thiết kế nhà ở và sống chung với lũ như ở Băng Cốc (Thái Lan)… Đặc biệt, chiến lược ứng phó với BĐKH phải được lồng ghép vào kế hoạch quốc gia, kế hoạch đầu tư và cụ thể hoá bằng những hành động. Đẩy mạnh dự báo theo dõi đánh giá đưa ra cảnh báo chính xác và thông tin kịp thời đến người dân. Nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt nâng cao năng lực nhà quản lý địa phương để họ tham gia tốt vào quá trình giảm thiểu và ứng phó với BĐKH. Theo các chuyên gia, ngoài giải pháp dãn dân, nâng cấp hạ tầng, khống chế cốt nền, các công trình xây dựng cần được tính toán cụ thể, từ thiết kế đến việc lựa chọn vật liệu, công nghệ thi công phù hợp thì các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan của ngành Xây dựng cũng cần cập nhật điều chỉnh phù hợp với tình hình BĐKH. |
Đô thị ven biển Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu
1