(VTC News) – Hồ Ba Mẫu nằm trong chuỗi hồ thuộc quy hoạch của Thủ đô Hà Nội. Dự án hồ Ba Mẫu từ trước đến nay được UBND TP Hà Nội cùng các cơ quan chức năng rất quan tâm vì mục đích phục vụ dân sinh tại khu vực 2 phường Phương Liên, Trung Phụng (Q. Đống Đa) cũng như khu vực phía Nam Hà Nội. Vì sao dự án chậm triển khai đến 19 năm khi mà UBND TP Hà Nội quyết định đầu tư từ năm 1991? Đâu là nguyên nhân mấu chốt của vấn đề? Ông Bùi Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án hạ tầng đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội), chia sẻ với phóng viên Báo điện tử VTC News một số vấn đề xung quanh dự án này. – PV: Xin ông cho biết, nguyên nhân dự án cải tạo, xây dựng công viên hồ Ba Mẫu bị “đắp chiếu” 19 năm? – Ông Bùi Ngọc Hòa: Dự án hồ Ba Mẫu đã trải qua một chặng đường rất dài trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư của TP với rất nhiều những giai đoạn khác nhau và nhiều đơn vị thực hiện khác nhau. Có một điều khó nhất đó là khi triển khai thực hiện dự án, chúng tôi bị một số hộ dân trong khu vực hồ Ba Mẫu, do không đồng nhất với quan điểm đầu tư quy hoạch của TP Hà Nội nên luôn luôn gây cản trở đến quá trình thực hiện dự án. Một số phần tử lôi kéo, kích động nhân dân, ép chính quyền khống chế người thực hiện nhiệm vụ, dẫn đến dự án trì hoãn. Những đối tượng này đa phần là sử dụng đất trái phép. Với rất nhiều nỗ lực và sự cố gắng của các đơn vị nên đến nay chúng tôi đã hoàn thành được ¾ khối lượng điều kiện hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, còn lại ¼ điều kiện hạ tầng thì vẫn chưa hoàn thành nên dẫn đến những bức xúc như người dân đã kiến nghị. Một là, điều kiện sinh hoạt của những hộ dân nằm trong khu vực quy hoạch chưa được khép kín dẫn đến tình trạng ô nhiễm. Thứ hai, điều kiện dân sinh ở khu vực hồ Ba Mẫu do chưa đồng bộ nên không thông thoáng. Chính vì vậy, rác và tệ nạn xã vẫn còn tồn tại quanh khu vực hồ Ba Mẫu. Về chính sách đền bù thì chúng tôi áp giá đúng với khung giá mà TP đưa ra trong từng năm, từ đó làm căn cứ để đền bù cho những hộ dân nằm trong dự án quy hoạch hồ Ba Mẫu. Tuy nhiên, dự án hồ Ba Mẫu có một đặc thù là TP vẫn dành cho một quỹ đất để người dân tái định cư nhưng do chưa triển khai nên quỹ đất này đã bị một số hộ dân lấn chiếm, đấy cũng là khó khăn mà chúng tôi gặp phải. Dự án chưa hoàn thành nhưng các quán ăn đã mọc trước.
TIN LIÊN QUAN |
> Dự án hồ Ba Mẫu chậm 19 năm do… dân? > Thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội về dự án hồ Ba Mẫu > Dự án hồ Ba Mẫu không được phường Phương Liên ưu ái? > Bài 5: Thanh tra Nhà nước trả lời khiếu tố của dân về Dự án > Bài 4: Chính phủ kiểm tra dự án công viên hồ Ba Mẫu > Chính quyền phường làm khó “chủ” Dự án hồ Ba Mẫu? > Bài 3: Dự án “ngủ” 12 năm Thanh tra quận mới vào cuộc > Bài 2: “Dung nhan” hồ Ba Mẫu sau 19 năm “mòn mỏi” > Bài 1: Chiêm ngưỡng “vóc dáng” hồ Ba Mẫu… trong mơ! > “Giải mã” nguyên nhân hoãn cắm mốc dự án hồ Ba Mẫu > “Bí hiểm” nguyên nhân hoãn cắm mốc dự án hồ Ba Mẫu > Hồ Ba Mẫu – “Lá phổi xanh” bốc mùi hôi thối > Dự án hồ Ba Mẫu nằm “đắp chiếu” suốt 19 năm trời! |
– Vậy trách nhiệm thuộc về ai khi để dự án hồ Ba Mẫu chưa hoàn thành dẫn đến sự ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thưa ông?
– Trong quá trình làm, về mặt cơ chế chính sách chúng tôi luôn luôn truyền tải để cho hộ dân được biết. Nhưng khi triển khai thực hiện thì chúng tôi đã gặp phải sự chống đối quyết liệt của một số hộ dân nằm trong khu vực quy hoạch hồ Ba Mẫu, khiến cho dự án hồ Ba Mẫu bị ngừng trệ. Khi cán bộ của chúng tôi vào đo đạc khảo sát thì bị một số đối tượng nghiện hút khống chế, bị đe dọa về mặt tinh thần, thậm chí còn bị đe dọa về tính mạng. Dĩ nhiên là chúng tôi không sợ nhưng đã gây ra những khó khăn khi triển khai thực hiện dự án.
– Ông có biết dự án hồ Ba Mẫu đến nay chưa hoàn thành đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến 100 hộ dân không?
– Như tôi nói ở trên, trong khi thực hiện dự án chúng tôi đã vấp phải sự không đồng tình của một số hộ dân phản đối dự án hồ Ba Mẫu. Về mặt quan điểm của Nhà nước chúng tôi không chịu. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng sự can thiệp của các cơ quan công quyền là rất chậm. Mỗi lần chúng tôi vào triển khai rồi bàn bạc với chính quyền, chúng tôi lại nhận được đơn thư khiếu kiện của người dân gửi tới các cơ quan Đảng, Nhà nước. Mỗi lần người dân khiếu kiện như vậy chúng tôi bắt buộc phải dừng dự án.
– Ban quản lý dự án hạ tầng đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) là chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng công viên hồ Ba Mẫu nhưng lại để chậm, ông nhận trách nhiệm của mình đến đâu?
– Thực tình mà nói, khi chúng tôi được giao nhiệm vụ mà không hoàn thành thì cũng rất buồn. Chúng tôi nhận thức một điều rằng dự án hồ Ba Mẫu mang lại một lợi ích về mặt xã hội, mang lại những thiết thực cho đời sống của nhân dân.
Hạ tầng kỹ thuật ven hồ Ba Mẫu ngày một xuống cấp.
Hiện nay, trong khu vực hồ Ba Mẫu có số ít người đang tìm mọi cách vận động quần chúng, nhằm xuyên tạc chủ trương, khống chế về mặt tinh thần, rồi đe dọa về tính mạng khi chúng tôi vào tiến hành làm. Chính vì vậy, dự án hồ Ba Mẫu không thể triển khai một cách thuận lợi. Dĩ nhiên việc này chúng tôi cũng thường xuyên có báo cáo với chính quyền sở tại 2 phường Phương Liên, Trung Phụng. Chúng tôi cũng đã báo cáo trực tiếp UBND quận Đống Đa rồi Hội đồng Giải phóng mặt bằng quận Đống Đa. Chúng tôi cũng đã có những báo cáo riêng cho thường vụ Quận ủy và thường trực Thành ủy Hà Nội.
TP Hà Nội cũng rất quan tâm đến tiến độ thi công của dự án hồ Ba Mẫu và đã tổ chức rất nhiều tổ công tác đặc biệt để giúp chúng tôi thực hiện xong nhiệm vụ này. Tuy nhiên, do vướng phải một số khó khăn nên dự án hồ Ba Mẫu đến nay chúng tôi vẫn chưa thực hiện được.
– Chính quyền địa phương đã không xử lý những đối tượng nghiện ngập, đe dọa cán bộ, công nhân viên của Ban quản lý dự án hạ tầng đô thị?
– Có cái khó là khi chúng tôi báo cáo lại và tổ chức điều tra thì các phần tử này lại không hoạt động. Vì vậy tôi muốn nói phải có một sự hoạt động đồng bộ (đồng bộ của chính quyền – PV), thống nhất. Nếu như chỉ đi vào một thời điểm và cao điểm nhất định thì nó cũng không đạt được (?!).
– Có một câu nói của ông Bùi Minh Hoàng, Chủ tịch UBND phường Phương Liên “Đã đến lúc chúng ta cần nhận ra trách nhiệm của mình, chúng ta chưa làm được là chúng ta có lỗi với dân, thậm chí ở một góc độ nào đó, chúng ta có tội với dân”. Ông nghĩ gì về trách nhiệm của Ban quản lý dự án?
– Về quan điểm câu nói đó của anh Hoàng không có gì sai. Việc triển khai thực hiện dự án là để phục vụ cho đời sống của nhân dân. Còn đối với trách nhiệm của Ban quản lý dự án hồ Ba Mẫu thì chúng tôi đang cố gắng tìm mọi biện pháp để thực hiện dự án trong một thời gian sớm nhất. Chúng tôi cũng mong muốn đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong khu vực hồ Ba Mẫu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị chính quyền hai phường Phương Liên, Trung Phụng cũng phải có biện pháp hỗ trợ giúp đỡ cho chúng tôi trong quá trình thực hiện dự án.
– Nguồn ngân sách cho dự án đầu tư của Ban quản lý của bên ông có đầy đủ không và có gặp trở ngại gì không, có đúng tiến độ cấp vốn không?
– Không vấn đề gì, rất thuận lợi. TP thỏa mãn về nhu cầu vốn. Vì thực tình mà nói, trong dự án đầu tư xây dựng cơ bản thì kinh phí để cho việc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) là rất lớn, lớn gấp 3, 4 lần, thậm chí là 10 lần so với giá trị xây lắp. Tôi lấy ví dụ, như đường Lạc Long Quân, (Tây Hồ, Hà Nội) vốn 47 tỷ là xây lắp, trong khi đó chi phí GPMB là 400 tỷ.
Trong quy định của TP, tất cả những chi phí GPMB cứ quận, huyện phê duyệt dự án thì Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm chi trả. Nhà nước không hạn chế về vốn, tuy nhiên vốn giao kế hoạch thì TP vẫn cứ giao, nhưng riêng Hồ Ba mẫu thì không bao giờ chúng tôi thiếu về vốn.
– Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ của dự án là do chính quyền sở tại phối hợp với Ban quản lý chưa tốt, cụ thể hơn là chính quyền chưa làm mạnh nên dự án phải đình trệ. Việc này đúng không thưa ông?
– Nếu mà nói như thế thì không đúng. Vì chủ đầu tư chúng tôi và chính quyền rất mong muốn thực hiện dự án này, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, có những việc đã vượt quá thẩm quyền giải quyết của chủ đầu tư và UBND Quận. Chính vì vậy đòi hỏi phải có sự đầu tư đồng bộ từ cấp Quận đến cấp TP.
Tôi đã báo cáo về dự án với Quận ủy Đống Đa. Quận ủy đã có chỉ đạo thực hiện, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện có những phát sinh mới. Những phát sinh mới đó vượt ngoài thẩm quyền của UBND phường nên nói chính quyền chưa sát thì không đúng. Tôi muốn nói, một số đối tượng có các năng lực pháp lý tương đối tốt, khi họ đưa ra những nội dung để trì hoãn dự án thì trì hoãn được ngay.
Tôi lấy ví dụ, khi chúng tôi vào cao trào điều tra thì một số đối tượng phát đơn lên Văn phòng Chính phủ, Chính phủ chỉ cần tiếp nhận đơn đó thì họ đưa giấy tiếp nhận ra và bảo có tiếp nhận nhưng chưa có trả lời, xin mời chính quyền ra ngoài. Thế là dự án lại phải dừng. Dự án có GPMB thì mới làm được, nếu không GPMB thì không làm được gì hết. Ở đây, chúng tôi mắc nhất là khâu GPMB. Tiền có, lực lượng có, phối hợp chính quyền chặt chẽ nhưng không thực hiện được.
– Phía Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị có bị sức ép từ phía nhân dân không?
– Chúng tôi không bị sức ép. Hiện nay, chúng tôi đã có thông báo tới các hộ dân nằm trong diện GPMB, trong tháng 5 đã có thông báo công khai bắt đầu dự án làm, tháng 6 thống nhất làm.
Tức là phải có trình tự từng bước một. Chắng hạn chúng tôi phấn đấu cắm được mốc. Cái mốc đó trở thành cơ sở pháp lý, cơ sở để triển khai thực hiện và điều kiện để nắm bắt được chỉ giới trong dự án.
– Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!
Nhóm PV Xã hội