Trang chủ » Phải công khai lấy ý kiến người dân khi lập quy hoạch

Phải công khai lấy ý kiến người dân khi lập quy hoạch

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

(VTC News) – Chiều 17/6, Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch đô thị với 89,25% ĐB có mặt tán thành. Trong đó, Luật Quy hoạch đô thị quy định phải công khai việc lấy ý kiến của người dân khi lập quy hoạch.


 


Cấm cung cấp sai thông tin về quy hoạch đô thị


 


Luật Quy hoạch đô thị quy định phải công khai việc lấy ý kiến của người dân khi lập quy hoạch, cụ thể: “Cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị”.


 


Theo đó, việc lấy ý kiến được hiện bằng hình thức gửi hồ sơ, tài liệu hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư thực hiện thông qua lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư bằng hình thức phát phiếu điều tra, phỏng vấn.


 


Luật cũng quy định: “Các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ, có giải trình, tiếp thu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi quyết định phê duyệt.


 


Để tránh việc “bưng bít” thông tin quy hoạch để trục lợi cá nhân, để khắc phục tình trạng này, Luật Quy hoạch đô thị cũng yêu cầu phải công khai thông tin về quy hoạch, theo đó, việc cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị được thực hiện dưới các hình thức giải thích trực tiếp, qua phương tiện thông tin đại chúng và cấp chứng chỉ quy hoạch.








Các ĐB tại Hội trường
 


Tại điều 16 của Luật cũng quy định: cấm từ chối cung cấp thông tin, trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật nhà nước; cấm cung cấp sai thông tin về quy hoạch đô thị.


 


Một điều đáng quan tâm trong Luật Quy hoạch đô thị là, luật chưa có chế tài về tình trạng quy hoạch treo, ngoài quy định về việc sau khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt và công bố, nếu Nhà nước chưa thực hiện việc thu hồi đất thì các tổ chức, cá nhân trong khu vực quy hoạch được phép tiếp tục khai thác sử dụng, cải tạo, sửa chữa và xây dựng tạm theo quy định của pháp luật về xây dựng.


 


Luật cũng quy định quy hoạch đô thị chỉ được điều chỉnh khi có một trong các trường hợp như có sự điều chỉnh về chiến lược, định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị quốc gia, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị cấp trên và địa giới hành chính làm ảnh hưởng lớn đến tính chất, chức năng, quy mô của đô thị hoặc khu vực lập quy hoạch…


 


Không thông qua chức danh Kiến trúc sư trưởng


 


Theo điều 16 (cũ), Hội đồng Kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng có chức năng tư vấn, tham mưu được thành lập theo quy định của Chính phủ phù hợp với yêu cầu quản lý và phát triển của từng địa phương trong từng thời kỳ.


 


Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến đồng ý với việc thành lập Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng, tuy nhiên cũng nhiều ý kiến không tán thành vì cho rằng, Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng chỉ có chức năng tư vấn, không thuộc hệ thống quản lý hành chính nhà nước nên không bắt buộc phải thành lập, không nên đưa quy định này vào Luật. Ngoài ra, thí điểm mô hình Kiến trúc sư trưởng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trước đây cho thấy hiệu quả chưa rõ.


 


Việc lập Kiến trúc sư trưởng cũng đã nhiều lần được đưa lên “bàn cân” để cân đo đong đếm trước khi trình Quốc hội. Tại dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị cho rằng, việc tái lập chức danh Kiến trúc sư trưởng là cần thiết với những TP lớn như Hà Nội, TP HCM hoặc “đặc thù” như Đà Lạt, Hội An…


 


Trước đây, chức danh này chỉ tồn tại ở Hà Nội và TP HCM 9 năm. Lý do được đưa ra là khi đó, Kiến trúc sư trưởng vừa đóng vai trò nghiên cứu chiến lược phát triển, lại vừa chịu trách nhiệm quản lý quy hoạch – quá nhiều trách nhiệm cũng như quyền hạn nên dễ phát sinh nhiều vấn đề. Bộ Xây dựng cho rằng, Kiến trúc sư trưởng theo Luật Quy hoạch đô thị là ‘nhạc trưởng’, là người có vai trò mới hơn, năng động để chỉ đạo, quán xuyến mọi công việc để một đô thị phát triển đúng hướng.


 


Tuy nhiên, lần này Quốc hội vẫn quyết định không thông qua chức danh được coi là “nhạc trưởng” của ngành kiến trúc này.


 






Luật Quy hoạch đô thị có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010.


Ngoài ra, Quốc hội cũng “bác” đề nghị giao quyền lập quy hoạch đô thị của hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho Bộ Xây dựng theo dự thảo Luật. Theo điều 19 Luật quy hoạch quy định: “UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tổ chức lập quy hoạch chung TP trực thuộc Trung ương, quy hoạch chung đô thị mới, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật TP trực thuộc Trung ương”.


 


Như vậy, tại Luật Quy hoạch đô thị được thông qua, Bộ Xây dựng chỉ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có phạm vi quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính của hai tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trở lên.


 







Cũng trong ngày 17/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua hai dự án luật: Luật lý lịch tư pháp, Luật quản lý nợ công. Đồng thời, thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XII.


 


Luật Tư pháp có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010.


Luật Quản lý nợ công có hiệu lực từ ngày 1/1/2010.


 


Kiều Minh


 

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.