Phản biện về tiêu thoát lũ và tác động của dự án “Quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội”, một lần nữa các nhà khoa học lại cho rằng, không thể bê nguyên mô tuýp sông Hàn vào sông Hồng được. Việc triển khai dự án này có ảnh hưởng tới khoảng 10 triệu cư dân đồng bằng sông Hồng nên cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu tình đạt lý.
Phải nói, dự án TP sông Hồng thu hút được sự quan tâm rộng rãi của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và những người yêu Hà Nội. Các ý kiến đều cho rằng, sông Hồng là một phần quan trọng của Hà Nội. Để sông Hồng “nhếch nhác” như hiện nay là một thực tế khó chấp nhận. Tuy vậy, việc cải tạo, chỉnh trị sông Hồng như thế nào không phải là vấn đề đơn giản. Hàng trăm năm nay, sông Hồng vẫn được mệnh danh là “bất trị” bởi sự dữ dằn của nó. Thêm vào đó, sông Hồng có vị trí quan trọng, ảnh hưởng đến tiêu thoát lũ cho cả khu vực đồng bằng sông Hồng. Nên nếu chỉnh trị sông Hồng, không thể chỉ chỉnh trị đoạn qua Hà Nội. Hội Tưới tiêu Việt Nam cho rằng, quy hoạch chỉnh trị sông Hồng và giao thông thủy là một phần đặc biệt quan trọng của dự án “Quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội”. Vì thế, sau khi xem xét phương án của Tổ dự án, Hội Tưới tiêu Việt Nam kiến nghị: Thay vì xây đê mới kiên cố, chỉ nên củng cố đê bối cả và xây đê mới theo quy hoạch kết hợp làm đường giao thông với cao trình tương đương báo động 3; không cứng hóa hoặc tôn cao hay san lấp bãi giữa; làm kè ven sông để tránh lấn chiếm và xói lở; tính toán lập quy trình điều tiết mùa kiệt các hồ thượng lưu đảm bảo mực nước thường xuyên tại trạm Hà Nội từ 2,3m trở lên. Ông Nguyễn Ty Niên, nguyên Cục trưởng Cục Đê điều cũng nhận định, đáy sông Hàn là đá sỏi, nước trong veo, còn đáy sông Hồng là phù sa màu mỡ. Bãi giữa sông tồn tại vĩnh cửu nên khi chỉnh trị không được động đến. Xuất phát từ tình yêu với Hà Nội, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã có những đề xuất tâm huyết. Mặc dù không có sự hỗ trợ đồng kinh phí nào, song họa sĩ Văn Thơ vẫn vẽ nên cả dự án TP sông Hồng cùng với phương án trị thủy. Theo ông, việc trị thủy sông Hồng phải gắn liền với sông Đuống, đảm bảo lòng dẫn chính của sông Hồng rộng trên dưới 900m, sông Đuống là 300m. Lòng dẫn chính này sẽ đảm bảo tiêu thoát lũ bù cho phần lũ trước đây chảy trên các bãi sông. Hai bên bờ sông Hồng sẽ xây dựng kè bê tông kiêm đại lộ, dưới gầm đại lộ sẽ là bãi đậu xe của TP. Theo đề xuất của họa sĩ Văn Thơ, TP sông Hồng được quy hoạch trên diện tích mặt bằng quỹ đất khoảng 8.000 ha trong phạm vi bãi sông, từ đê cũ đến đê mới của dự án. Quỹ đất này gấp 4 lần dự án của Hàn Quốc. Để không phải giải phóng mặt bằng, trước tiên sẽ xây dựng chung cư cao tầng trên những khu đất trống để giãn dân từ đê mới ra phía lòng sông… Như vậy, TP sông Hồng sẽ là một TP vừa hiện đại, vừa đa chức năng và thân thiện với môi trường. Nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng không đồng tình với phương án di dân do Tổ dự án đưa ra. Và rằng, dự án cũng mới chỉ quan tâm đến thoát lũ bề mặt chứ chưa quan tâm đến đáy sông hoạt động như thế nào. |
Dự án TP Sông Hồng: Cần xem xét thấu tình, đạt lý
37
Bài trước