Đủ cơ chế để nhà ở xã hội đến đúng địa chỉ



 










Nhà ở cho người thu nhập thấp do Công ty Vinaconex xây dựng ở Xuân Mai (Chương Mỹ – Hà Nội)


Trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã khẳng định như trên và cho rằng phải nhanh chóng tạo ra số lượng lớn quỹ nhà để đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận người dân


Phóng viên: Dư luận lo ngại quỹ nhà ở xã hội sẽ không đến được người có thu nhập thấp, thưa ông?


– Ông Nguyễn Trần Nam: Việc trước mắt là Nhà nước sẽ đốc thúc, khuyến khích và tạo cơ chế chính sách để nhanh chóng tạo ra quỹ nhà ở xã hội với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu. TPHCM, Hà Nội, Bình Dương… sẽ triển khai làm sớm và hiện đã có 2 doanh nghiệp công bố kế hoạch thực hiện.


Bên cạnh đó, cùng với quy định hiện hành sẽ ban hành quy định để bảo đảm  chính sách tốt đẹp này đến được đúng người có nhu cầu và phải cần cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trước hết, trách nhiệm trong việc chọn đối tượng, giám sát thực hiện là chính quyền địa phương, cơ quan, cùng với sự giám sát của cộng đồng, các tổ chức đoàn thể như công đoàn, phụ nữ…






 
Nhà ở xã hội cũng từ 200 triệu đến 300 triệu đồng/căn, nếu không có chính sách hỗ trợ, xem ra là quá sức đối với người thu nhập thấp?


– Nhà ở xã hội do doanh nghiệp làm nên việc quan trọng hiện nay là Nhà nư ớc sẽ kiểm tra và thẩm định giá bán của doanh nghiệp. Phải có chính sách tín dụng để người dân có tiền mua và trả góp hằng tháng. Người thu nhập thấp sẽ là khách hàng thường xuyên của ngân hàng. Về giá, doanh nghiệp chỉ được bán trên giá thành xây dựng cộng lãi vay ngân hàng và 10% lãi định mức…


Nhà ở xã hội nằm xa trung tâm sẽ tạo ra gánh nặng về chi tiêu đối với người thu nhập thấp?


– Phải thẳng thắn khẳng định là nhà giá rẻ hay nhà ở xã hội không thể ở trung tâm mà phải đi xa hơn so với các loại nhà ở cao cấp. Chủ trương của Bộ Xây dựng là nhà ở xã hội sẽ được xây dựng gần các khu công nghiệp, trường đại học để đáp ứng đối tượng rất đông là công nhân, sinh viên.


Tuy nhiên, sẽ phải có chính sách quy hoạch, phân bố để cư dân thu nhập thấp sống xen kẽ các khu thu nhập trung bình, cao để mọi người đều được thụ hưởng sự đầu tư về hạ tầng cơ sở. Tuyệt đối không để xuất hiện các khu dân cư nghèo. Đối với đối tượng công chức có thu nhập thấp sẽ có quỹ nhà do ngân sách Nhà nước làm theo Luật Nhà ở, tuy nhiên hiện chưa thể thực hiện do thiếu kinh phí.


Ngoài ra, sẽ tiến hành đồng bộ việc xây dựng hạ tầng giao thông công cộng để tạo thuận tiện cho việc sinh hoạt, đi làm của người dân và tiết giảm chi phí. Mới đây, khi làm việc với UBND TPHCM, lãnh đạo TP đã có ý tưởng sẽ xây dựng hệ thống đường sắt ngầm đến các làng đại học, nơi sẽ có quỹ nhà ở xã hội lớn.


Nhiều ý kiến cho rằng chủ trương nhà ở xã hội sẽ khó khả thi do bán giá rẻ làm cho doanh nghiệp không mặn mà, thưa ông?


– Trong Luật Nhà ở đã quy định: đối với các dự án khu đô thị mới, chủ đầu tư phải dành 20% để xây dựng nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng cũng quy định đối với các dự án nhà ở thương mại phải có 10% dành để xây dựng nhà giá thấp. Nhà nước ưu đãi miễn tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất;  thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi ở mức chưa bằng 50% so với các dự án khác…






Có thể trả góp ít nhất trong 10 năm

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: Đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội sẽ là cán bộ, viên chức, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân… làm việc trong các thành phần kinh tế có thu nhập thấp, chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng diện tích trung bình dưới 5 m2/người. Khi mua nhà có thể trả góp ít nhất 10 năm với lãi suất ưu đãi và phải cam kết để ở. Khi trả hết tiền, được cấp giấy chứng nhận trong đó ghi rõ đây là loại nhà giá thấp và chỉ được chuyển nhượng sau 10 năm. Lúc đó, người bán nhà phải đóng thuế như nhà ở xã hội bình thường.

Trong thời gian ít hơn 10 năm, nếu người sử dụng có nhu cầu chuyển công tác, nhu cầu cải thiện chỗ ở… thì cũng được bán nhưng phải bán cho ban quản lý để bán lại cho người có thu nhập thấp…


Bài và ảnh: Thế Dũng / Người Lao Động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *