Dung Quất gọi mùa xuân về






Chúng tôi có mặt tại nhà máy lọc dầu Dung Quất vào những ngày cuối năm 2008. Thật bất ngờ, nửa năm về trước trên đại công trường Dung Quất rộng trên 300 héc ta, chỗ nào cũng tung bụi mịt mù, vậy mà vào thời khắc này, hàng chục tổ hợp của nhà máy đã sừng sững vươn những cái tháp khổng lồ lên trời, ầm ì nhả khói, báo hiệu trái tim của nhà máy đã bắt đầu đập sau  41 tháng cật lực chạy đua với thời gian.


Dung Quất gọi mùa xuân về
Bồn chứa nhiên liệu thành phẩm.


Lực lượng công nhân trên công trường ở thời điểm này đã giảm từ hơn một vạn người xuống còn khoảng vài nghìn người, vậy mà nhà máy không hề giảm đi sự sôi động. Điều đó cũng dễ hiểu bởi đây là thời điểm quyết liệt nhất với hàng chục hạng mục công trình của tổ hợp lọc hoá dầu đang trong thời kỳ hoàn tất và vận hành thử.



Cả ngàn chuyên gia cùng các kỹ sư trong và ngoài nước ngày đêm miệt mài với thiết bị máy móc hiện đại, để lập trình, cân chỉnh để các tổ hợp sau khi đưa vào vận hành được an toàn nhất.


Những tín hiệu báo mùa xuân về


Mặc dù đã liên lạc từ trước, nhưng vì bận quá nhiều việc, ông Trương Văn Tuyến, phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – Trưởng ban quản lý dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất (NMLDDQ) phải giao việc tiếp chúng tôi cho hai vị Phó trưởng ban là ông Đinh Văn Ngọc và ông Nguyễn Văn Hội.


Ấy vậy mà cũng phải chờ đến cuối buổi giao ban chiều căng thẳng, ông Ngọc và ông Hội mới kéo chúng tôi vào phòng họp.


Hai ông  phấn khởi cho biết: Chặng đường vừa qua là đầy khó khăn. Quỹ thời gian ngắn và gần như không có thời gian dự phòng. Thời điểm hoàn thành các hạng mục công trình đều rơi vào mùa mưa, mà mùa mưa ở miền Trung quả là khắc nghiệt. Với Ban quản lý và nhà thầu những năm qua hầu như không có Tết, không nghỉ lễ và không biết đến thứ bảy, chủ nhật.


Vì thế đến thời điểm này tiến độ xây dựng và thiết kế mua sắm đã hoàn tất 99%. 37 phân xưởng trong đó 14 phân xưởng công nghệ quan trọng nhất đã hoàn tất.  Ngày 12/11 đã vận hành thử nhà máy phát điện 27MW do nhà thầu Nhật Bản cung cấp và lắp đặt, cuối tháng 12/8, ba máy phát điện khác cũng đã được đưa vào vận hành.


Phao rót dầu không bến cách đất liền 3,2km sớm hoàn tất và ngày 16/11, tàu chở dầu Eagle Milwaukee (Singapore) đã cập phao để bơm 52.000 tấn dầu diesel lên phục vụ công tác chạy thử của nhà máy.  Nhà máy cũng đã nhập 80.000 tấn dầu thô từ mỏ Bạch Hổ để phục vụ sản xuất.


Được biết, ngay từ cuối năm 2007, khi nhà thầu Technip vận chuyển những tháp tách khổng lồ nặng cả trăm tấn từ nước ngoài cập cảng và đưa về nhà máy an toàn, nhiều tờ báo đã giật tít: “Trái tim của nhà máy lọc dầu đã về…”.


Giờ đây, những tháp tách này đã sừng sững, chọc trời giữa phân xưởng chưng cất dầu thô (CDU). Các kỹ sư tại đây cho biết, dầu thô được đưa vào  những tháp tách này, từ đây các sản phẩm từ dầu thô được phân tách và bơm tới các phân xưởng khác theo đúng chức năng hoá dầu.


Theo ông Ngọc thì mỗi cơ thể chúng ta có một trái tim, còn ở nhà máy này có tới 1.200 máy bơm cùng vận hành trơn tru. Chỉ một cái trục trặc thì nhà máy có thể phải ngưng vận hành. Cũng vì thế mà từ giữa tháng 11/2008 đến nay, các chuyên gia và các kỹ sư trong nước, ngoài nước ngày đêm lắp đặt và đang vận hành thử để đi vào hoạt động đúng tiến độ.


Bản lĩnh và niềm tự hào của người Việt Nam!


Có thể nói, nhà máy lọc dầu Dung Quất là một trong những công trình thế kỷ của đất nước ta. Tổng số vốn đầu tư là 2,5 tỷ USD, dự án với một khối lượng xây dựng khổng lồ trên một diện tích 338ha mặt đất, trong đó nhà máy chính chiếm 110 ha; 473ha mặt biển.


Tại đây, có hàng chục phân xưởng như chưng cất dầu thô ở áp suất khí quyển (CDU), xử lý naphtha bằng hydro (NHT), reforminh xúc tác liên tục, xử lý LPG, thu hồi propylene (PRU), xử lý kerosene (KTU), xử lý naphtha từ RFCC (NTU), nước chua (SWS), trung hoá kiềm (CNU), thu hồi lưu huỳnh (SRU)…


Ngoài ra còn nhiều hạng mục phụ trợ khác… Bất chấp khó khăn, bất chấp thời tiết khắc nghiệt của miền Trung nắng lửa, mưa dầm, tất cả  hàng chục hạng mục vẫn được hoàn thành đúng tiến độ để rồi lần lượt vận hành thử, sẵn sàng để cuối tháng 2/2009 này, nhà máy sẽ cho ra những sản phẩm từ dầu thô mang thương hiệu Made in Việt Nam.


Đây có thể nói là niềm tự hào của chúng ta trong lĩnh vực hoá dầu.


Giải thích về thắng lợi quan trọng này, ông Đinh Văn Ngọc cho biết:  Ngay từ đầu, Ban quản lý nhà máy đã đưa lực lượng lành nghề của Tập  đoàn Dầu khí Việt Nam khoảng 800 người vào trợ giúp nhà thầu trong công tác xây lắp. Ta đưa cả lực lượng công nhân, kỹ sư được đào tạo trong nước và ngoài nước vào hỗ trợ nhà thầu bất cứ khâu nào, thay bất cứ ca kíp nào để nhà thầu kịp hoàn thành tiến độ.


Về kỹ thuật Ban quan lý đã có những cải tiến quy trình giám sát, quy trình nghiệm thu nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Vì thế nhà máy hoàn thành đúng tiến độ.


Ngoài nhà máy LDDQ thì tại khu kinh tế Dung Quất còn có hàng chục dự án khác được hoàn thành đi vào sản xuất, kinh doanh.


Theo ước tính, giá trị sản lượng công nghiệp từ KKT Dung Quất đạt khoảng 600 tỉ đồng, giá trị dịch vụ đạt khoảng 80 tỉ, hàng hóa qua cảng Dung Quất đạt trên 1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 30 triệu USD, thu ngân sách ước đạt khoảng gần 600 tỉ đồng.


Các công trình trọng điểm như nhà máy Lọc dầu, nhà máy Đóng tàu, nhà máy Luyện cán thép Tycoons, nhà máy Công nghiệp nặng Doosan, nhà máy Polypropylene, cảng Gemadept. Tất cả đang tạo đà thúc đẩy nền kinh tế miền Trung vươn mình trong tương lai.


Dung Quất gọi mùa xuân về
Trung tâm điều khiển Nhà máy lọc dầu Dung Quất.


An ninh, một vấn đề quan trọng


Sau khi thăm quan toàn bộ nhà máy, Thượng tá Dương Văn A, Trưởng đồn Công an Dung Quất đưa chúng tôi đi dọc hệ thống đường ống dẫn dầu từ nhà máy ra tới cảng biển. Nhìn hệ thống đường ống dẫn dầu dài hơn 7km như những cánh tay ôm lấy những triền núi rồi vươn ra biển, chúng tôi mới thấy công trình này thật sự vĩ đại.


Mặc dầu so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam là một đất nước ổn định nhất về tình hình chính trị và an ninh. Nhưng để bảo vệ an ninh cho nhà máy và tuyến ống dẫn dầu vận hành an toàn vẫn là một nhiệm vụ rất quan trọng


Thấu hiểu được điều đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo cho đồn CA Dung Quất xây dựng 7 phương án phối hợp với các đơn vị liên quan. Làm tốt công tác phòng ngừa; xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn khu KTDQ.


Đặc biệt là sự phối hợp giữa các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an huyện Bình Sơn với  chủ đầu tư, các đơn vị thi công, các nhà thầu. Từ đó trật tự an ninh dần được vãn hồi và đi vào ổn định như hiện nay.


Thượng tá Dương Văn A cho biết: Ngay từ khi khởi công đến nay, Bộ Công an, Công an tỉnh Quảng Ngãi, Công an huyện Bình Sơn đều có phương án kế hoạch bảo đảm anh ninh trật tự hữu hiệu tại từng thời điểm.


Để chuẩn bị đón sản phẩm dầu đầu tiên vào tháng 2/2009, thì ngay đầu tháng 10/2008, Ban Giám đốc công an tỉnh và Ban QLNMLDDQ đã có một cuộc họp quan trọng, bàn công tác bảo vệ tuyệt đối an toàn cho nhà máy.


Tuy nhiên theo Thượng tá Dương Văn A thì, thế trận lòng dân vẫn là một yếu tố quan trọng. “Gần dân, nghe dân nói, nói dân hiểu” là một trong những yếu tố bảo đảm ổn định về ANTT thời gian qua tại khu kinh tế Dung Quất.


Ngoài hệ thống an ninh bằng thiết bị camera hiện đại được lắp đặt tại nhà máy LDDQ và trên toàn bộ tuyến ống dẫn dầu, để theo dõi 24/24 giờ thì việc phát động quần chúng tham gia bảo vệ nhà máy được Công an tỉnh Quảng Ngãi đặt ra như là một biện pháp nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Công an trên địa bàn này.  


Rời Dung Quất trong cái rét hanh hao của những ngày cuối năm, vẳng nghe đâu đây bài hát “Mùa xuân trên những giếng dầu”, tôi lại thầm cảm phục hàng chục nghìn con người cần mẫn trong gần 4 năm qua, không biết Tết, không nghỉ chủ nhật, thứ bảy  để cho mùa xuân này Dung Quất đón cái Tết thật lớn, để cả đất nước tự hào mừng những dòng sản phẩm dầu mang thương hiệu Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *