Dự án đường Láng – Hòa Lạc và Bảo tàng Hà Nội là 2 công trình đang được xã hội đặc biệt quan tâm, không chỉ bởi quy mô, hay công trình có một không hai ở Việt Nam, mà đây còn là 2 công trình quan trọng chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Đường Láng- Hòa Lạc: Sẽ về đích đúng hạn Từ cuối năm 2009 đến nay, cả tuyến đường Láng – Hòa Lạc, dài gần 30km từ nút giao trung Hòa với đường phạm Hùng đến nút Hòa Lạc, trở thành đại công trường. Không khí xây dựng khẩn trương suốt ngày đêm. Anh Đặng Việt Cường – BQLDA đường Láng – Hòa Lạc cho biết: Bây giờ trên công trường không có ngày nghỉ, chỉ có tiến độ và chất lượng để kịp chào mừng ngày Đại lễ. Xác định tầm quan trọng của dự án, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát đang tập trung mọi nhân lực, vật lực để đẩy nhanh tiến độ thi công. Tháng 10/2009, làn cao tốc trái đường Láng – Hòa Lạc đã thông xe, đúng với tiến độ mà chủ đầu tư và nhà thầu đã cam kết, giải tỏa được áp lực giao thông cho toàn tuyến. Ngay sau đó, tổng thầu thi công dự án là TCty Cp Vinaconex đã tăng cường thêm các đơn vị thi công, huy động tối đa máy móc, thiết bị, nhân công để tập trung thi công khối lượng công việc đồ sộ còn lại với quyết tâm hoàn thành làn cao tốc phải, đường gom trái vào ngày 30/6/2010, đường gom phải hoàn thành trước ngày 30/7/2010 theo chỉ đạo của Chính phủ và Tp Hà Nội. Đến thời điểm này, vóc dáng tuyến đường hiện đại nhất Thủ đô đang dần rõ nét. Tuyến đường có mặt cắt từ 140 – 170m, gồm 2 làn xe cao tốc và 2 đường gom hai bên, rộng hơn 10 lần so với làn đường cũ với mặt cắt 11,5m, có hơn 3 nút giao lập thể, 3 hầm chui, 13 cầu qua kênh, sông mương, 27 cầu chui dân sinh và 12 cầu vượt giao thông. Theo BQLDA đường Láng – Hòa Lạc, với tình hình chung hiện nay, việc hoàn thành đúng tiến độ của Dự án là rất khó khăn nhưng việc thông xe cả 2 làn đường gom và cao tốc trái từ Hà Nội đi Hòa Lạc vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tổng thầu VINACONEX đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm tích cực đưa công trình về đích đúng hẹn. Tuy nhiên, tiến độ công trình đang phụ thuộc phần lớn vào tiến độ GpMB.
Bảo tàng Hà Nội: Thời gian chỉ còn tính bằng ngày Kỳ quan kim tự tháp ngược – Bảo tàng Hà Nội đã hiện diện ngay cạnh trung tâm Hội nghị Quốc gia. Đây là công trình do Thủ đô Hà Nội tự đầu tư xây dựng lớn nhất từ trước đến nay sẽ ra mắt công chúng vào đúng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội với tổng kinh phí hơn 2.300 tỷ đồng. Bảo tàng Hà Nội có kết cấu hình kim tự tháp ngược do những người thợ VINACONEX đảm nhận thi công theo phương thức BT. Đây là công trình có hình dáng đặc biệt và kết cấu phức tạp, gồm 4 tầng, tầng phía trên rộng nhất có diện tích hơn 2.000m2 và các tầng dưới nhỏ dần. Vì vậy nó được gọi là hình kim tự tháp ngược. Đây là công trình dân dụng có kết cấu treo duy nhất ở Việt Nam. Cả 4 tầng được treo vào 4 cột bê tông, mỗi cột có kích thước 8,4 x 8,4m (bên trong là cầu thang bộ, thang máy). Nét độc đáo nữa của công trình này là tất cả hệ kết cấu đều được treo trên một hệ dầm bê tông trên đỉnh mái. Và thay vì lớp bê tông phủ trên mái, mái Bảo tàng Hà Nội được kết hợp những mảng kim loại và kính. Ánh sáng được hắt lên không trung từ trong bảo tàng sẽ tạo thành một bức tranh lung linh độc nhất giữa Thủ đô. Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Tuân – Chủ tịch HĐQT VINACONEX, đây là công trình sẽ nâng trình độ khoa học kỹ thuật và thi công xây lắp của VINACONEX lên một tầm cao mới. Như vậy, cùng với con đường hiện đại nhất Việt Nam – biểu tượng về sự lớn mạnh của Thủ đô được VINACONEX hoàn thành trước ngày Đại lễ thì công trình Bảo tàng Hà Nội sẽ góp phần làm sâu sắc thêm truyền thống văn hóa ngàn năm của Thủ đô Hà Nội. |