Chính phủ vừa gửi báo cáo tới Quốc hội về tình hình thị trường bất động sản tại khu vực đang xem xét quy hoạch Hà Nội, trong đó nhận định giá cả và giao dịch tăng liên tục theo từng tháng. Đất nền khu vực phía Tây thành phố là nơi tăng giá mạnh nhất. Tại các dự án khu vực quận Hà Đông giá chuyển nhượng vào đầu tháng 5 tăng trung bình 40% so với cuối năm 2009.
Các dự án dọc đường Lê trọng Tấn kéo dài hiện chào bán trên thị trường tự do từ 40 đến 60 triệu đồng mỗi m2 tùy vị trí. Đất nền dự án Văn Khê, Mỗ Lao được chào 60-70 triệu đồng. Khu vực An Khánh, Hoài Đức từ 35 đến 40 triệu đồng mỗi m2, khu vực Quốc Oai 20-30 triệu đồng. Riêng căn hộ chung cư không biến động nhiều, giá cả duy trì ổn định nhưng ở mức cao. Một số dự án ở vị trí đẹp, tiến độ thi công nhanh, giá cả có chiều hướng tăng.
Giá đất Hà Nội tăng 30-40% so với năm 2009. Ảnh: Hoàng Hà |
Đất nền khu vực phía Bắc và Đông thành phố tăng 30% so với cuối năm 2009. Giá đất ở Gia Lâm (Sài Đồng, Việt Hưng) dao động 35-40 triệu đồng mỗi m2. Khu vực huyện Mê Linh khoảng 10-12 triệu đồng mỗi m2.
Với các vùng chưa có quy hoạch ở phía Tây, tình hình đất thổ cư, đất giãn dân dọc các tỉnh lộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng gia tăng. Lượng giao dịch có đăng ký tại các tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trong 5 tháng đầu năm tăng mạnh. Huyện Thạch Thất có 1.284 hồ sơ giao dịch chủ yếu ở các xã Bình Yên, Đông trúc, Tân Xã, Hạ Bằng và Tiến Xuân. Huyện Ba Vì có 425 hồ sơ tập trung chủ yếu ở Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh. Huyện Quốc Oai có 348 hồ sơ, huyện Thường Tín có 468 hồ sơ, huyện Mê Linh có 450.
Đất thổ cư mặt đường liên huyện, liên xã tại Thạch Thất, Quốc Oai được chào hồi đầu tháng 5 với giá 8-12 triệu đồng. Đất vườn, trồng cây lâu năm được chào 400- 800 triệu một sào tùy vị trí. Tại các xã Kim Sơn, Cổ Bi, phú Thị thuộc huyện Gia Lâm được chào trung bình từ 10 triệu đến 15 triệu đồng mỗi m2. Tại khu vực phía Nam như Ngọc Hồi- Thường Tín, giá dao động 15-20 triệu đồng mỗi m2.
Tuy nhiên, biến động về lượng giao dịch và giá cả không đồng đều giữa các khu vực. phía Tây tăng đều đặn từ trước khi có quyết định sáp nhập thủ đô, còn các khu vực phía Bắc, Nam và Đông chỉ tăng từ đầu quý một năm nay. Đất thổ cư tại các địa điểm xem xét quy hoạch cũng tăng nhanh. Tuy nhiên, khu vực này chủ yếu là mua đi bán lại giữa những người đầu cơ với nhau..
Chính phủ nêu rõ, nguyên nhân khiến giá đất bị đẩy lên cao chủ yếu do tình trạng “làm giá”, tung tin đồn, giao dịch ảo, nhất là khu vực Thạch Thất, Ba Vì. Ngoài ra, đầu tư bất động sản vẫn được cho là kênh an toàn có lợi nhuận cao, trong khi kênh vàng và chứng khoán không ổn định. Nhiều ngân hàng không nhận gửi tiết kiệm bằng vàng nên người dân đổ tiền vào bất động sản. Thêm vào đó, triển lãm lấy ý kiến về quy hoạch thủ đô cùng các công trình giao thống lớn đang dần hình thành cũng góp phần làm bất động sản sôi động.
Báo cáo của Chính phủ được đưa ra sau khi nhiều bộ, ban ngành đã vào cuộc để bắt mạch cơn sốt nhà đất tại Hà Nội. Tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ diễn ra 1/6, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc cũng cho biết, thị trường bất động sản Hà Nội đang có những dấu hiệu không tốt và cần chấn chỉnh. Chính phủ cũng yêu cầu ngành ngân hàng giám sát tín dụng bất động sản, đảm bảo sự hợp lý, tránh gây hiện tượng bong bóng.
Mới đây, Bộ Xây dựng cũng bàn bạc để đưa ra giải pháp hạ nhiệt cơn sốt. Đoàn kiểm tra liên ngành đã có báo cáo gửi UBND Thành phố về tình hình sử dụng đất đai của 33 đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn Ba Vì, Hà Nội.
Bách Hợp