LTS: Biến đổi khí hậu hôm nay là một trong những vấn đề cấp bách của Việt Nam, đặc biệt đối với các đô thị duyên hải miền Trung. Xin giới thiệu với bạn đọc ý tưởng thiết kế nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu trong cuộc thi do tổ chức ISET phối hợp với thành phố Đà Nẵng và thành phố Huế trong bối cảnh đô thị hóa. Địa điểm nghiên cứu là thành phố Đà Nẵng. Đây là phương án đạt giải Nhất của Hội đồng tuyển chọn và giải Nhất do cộng đồng bình chọn.
Nhóm tác giả chính: Ths.KTS Lê Toàn Thắng Ths.KTS Trần Ngọc Tuệ Ths.KTS Nguyễn Thanh Tùng |
Trong những năm qua, Đà Nẵng đã chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người, nhà ở và cơ sở hạ tầng do một số cơn bão gây ra. Được biết, trong các khu vực ven biển Đà Nẵng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, hiện khu vực thuộc quận Liên Chiểu trong đó có phường Hòa Hiệp Bắc vẫn chưa được tổ chức quy hoạch, hiện là khu vực phát triển nhà ở tự phát của cư dân nghèo định cư lâu năm ở đây (họ làm nghề đánh cá, đi núi, hay công nhân lao động trong thành phố và các khu công nghiệp).
Theo kết quả khảo sát thực tế khu vực phường Hòa Hiệp Bắc quận Liên Chiểu, hầu hết các hộ không áp dụng kỹ thuật nhà chống bão nên không an toàn khi có bão lũ. Nếu có thì đó chỉ là những phương pháp chống bão thủ công theo kinh nghiệm của người dân. Vì vậy, việc nghiên cứu và đề xuất mô hình nhà ở và nhà làm việc có khả năng thích ứng với nước biển dâng và bão là một vấn đề cần được giải đáp kịp thời nhằm bảo vệ con người và tài sản trước thiên tai, trước mối đe dọa của biến đổi khí hậu.
MÔ HÌNH NHÀ Ở THÍCH ỨNG VỚI MỰC NƯỚC BIỂN NÂNG CAO VÀ BÃO
Bản đồ cơ cấu dân cư phương án quy hoạch “Làng chống bão”
Phương án quy hoạch – “Làng chống bão”
Hòa Hiệp Bắc có một địa thế – địa hình bất lợi, vì nằm trong túi hứng gió bão dưới chân đèo Hải Vân. Ở Hòa Hiệp Bắc chỉ có thể tìm kiếm các giải pháp tổ chức giao thông, phân khu chức năng, bố trí lại nhà ở và cây xanh hợp lý để hạn chế tối đa sự công phá của gió bão.
Mô thức giao thông ở đây, cũng như sự phát triển nhà ở là một quá trình hình thành tự phát. Mạng lưới giao thông là một hệ thống đường không thẳng góc, được hình thành bởi các con hẻm nhỏ và vừa (kích thước từ 1.5 – 3m) phát triển một cách ngẫu hứng và có rất nhiều hẻm cụt (túi hứng gió). Nhà ở của dân phần lớn là nhà tự xây (cơ bản là nhà ống và nhà ngang) trên nền tảng kinh nghiệm tự có của người dân, với vật liệu và thợ xây địa phương. Các căn nhà này thiếu kỹ thuật và thiếu sự tính toán đảm bảo bền chắc, an toàn chống bão, khá manh mún, lộn xộn, tạm bợ; không đảm bảo chất lượng kiến trúc, cảnh quan và hình ảnh đô thị.
Giải pháp quy hoạch: Đề xuất một tiến trình nghiên cứu các giá trị đặc trưng có thể gìn giữ, khai thác và phát triển trong mạng lưới giao thông và mô thức ở hiện trạng của khu Hòa Hiệp Bắc. Sau đó, tổ chức quy hoạch phân vùng và phân khu lại chức năng tổng thể Hòa Hiệp Bắc như một khu “Làng chống bão”; Điều chỉnh và phát triển lại hệ thống mạng lưới giao thông hợp lý và thuận lợi hơn; Xây dựng và bố trí lại các mô hình nhà chống bão theo phương pháp cài đặt và thay thế. Trong khi đó bố trí lệch hay xen kẽ các khối nhà, cũng như tổ chức mạng lưới các trục đường ngoằn ngoèo – đan chéo và không thẳng góc sẽ làm suy giảm luồng gió. Quy tắc này vô tình lại phù hợp với hệ thống mạng lưới giao thông và việc bố trí phân khu dân cư, đã được định hình một cách tự phát ở khu Hòa Hiệp Bắc hiện nay.
Vậy nên định hướng nghiên cứu phát triển mô hình và quy tắc này để quy hoạch, chỉnh trang và phát triển lại Hòa Hiệp Bắc thành một “Làng chống bão” trên tinh thần không phá vỡ cấu trúc đã có, và khai thác tối đa ưu thế đó.
Các phương án kiến trúc – “Nhà Chống Bão”
Nhà là nơi để ở và sinh sống lâu dài, nên ngoài việc nghiên cứu các giải pháp bền chắc an toàn chống bão cấp 12, còn chú ý đến các giá trị thẩm mỹ: đẹp, phù hợp với văn hóa, lối sống và kiến trúc địa phương, cũng như đảm bảo sự tiện nghi và đầy đủ các chức năng cần thiết cho lối sống một gia đình cơ bản gồm: 2 vợ chồng, 2 con, và ông bà. Trên cơ sở nghiên cứu các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế trong xây dựng nhà ở của người dân, phù hợp với xu thế phát triển nhà ở trong giai đoạn từ 10 đến 20 năm tới.
Đề xuất xây dựng 3 mô hình nhà ở an toàn chống bão để nghiên cứu cơ cấu tổ chức lại khu vực Hòa Hiệp Bắc:
Mô hình nhà ống – lợp tôn: rộng 5m, dài 14m, cao 3m.
Phương án nhà ống
Đây là mô hình nhà ở khá phổ biến, hình thức đơn giản, có khả năng liên kết liền kề thành dãy nhà. Đề xuất tổ chức công năng hiện đại và tiện nghi (đầy đủ WC, bếp, ngủ, phòng khách) với không gian chung. Phòng khách và bếp ăn liên thông, thông thoáng từ trước ra sau, tạo khả năng thông gió (khi gió vào nhà). Yêu cầu xây dựng đầy đủ hệ kết cấu: móng, giằng móng, cột, dầm tường, giằng đầu tường, khung hiên… và khung mái bê tông. Yêu cầu các kết cấu này liên kết thành khung cứng cho toàn bộ hệ kết cấu nhà. Vấn đề còn lại là nghiên cứu giải pháp neo hệ mái lợp tôn và mái hiên vào hệ khung này để đảm bảo an toàn chống bão, nghiên cứu giải pháp cấu tạo cửa bền chắc – kín khít.
Mô hình nhà ngang – lợp ngói: rộng 7m, dài 10m, cao 3m.
Phương án nhà ngang
Đây là mô hình nhà ở khá phổ biến, hình thức đơn giản, nhà kết hợp sân vườn thông thoáng. Nghiên cứu đề xuất tổ chức công năng hiện đại và tiện nghi (đầy đủ WC, bếp, ngủ, phòng khách) với không gian chung. Phòng khách và bếp ăn liên thông thông thoáng từ trước ra sau, tạo khả năng thông gió (khi gió vào nhà). Yêu cầu xây dựng đầy đủ hệ kết cấu: móng, giằng móng, cột, dầm tường, giằng đầu tường, khung hiên… và khung mái bê tông. Yêu cầu các kết cấu này liên kết thành khung cứng cho toàn bộ hệ kết cấu nhà. Vấn đề còn lại là nghiên cứu giải pháp neo hệ mái lợp ngói, và mái hiên vào hệ khung này để đảm bảo an toàn chống bão. Nghiên cứu giải pháp cấu tạo cửa bền chắc – kín khít.
Mô hình nhà vuông 2 tầng – ghép đôi: rộng 7m, dài 7m, cao 6m đề xuất với 2 tầng, hình thức đơn giản, mô thức nhà liền kề để tăng cường khả năng chịu lực cho nhà 2 tầng, và kết hợp sân vườn thông thoáng.
Phương án nhà ghép đôi
CÁC GIẢI PHÁP KỸ THUẬT XÂY DỰNG – CẤU TRÚC CHỐNG BÃO
Nền đất cát Rtc = 1,2kg/cm2 khá tốt, đảm bảo nền móng. Đề xuất giải pháp hệ móng đơn, yêu cầu phải có hệ giằng móng và bố trí thép đúng theo tính toán kết cấu, và tiết diện giằng móng Hgm = L/12. Về hệ khung, cột, dầm: Yêu cầu có bố trí cột đầy đủ như thiết kế, với tiết diện và bố trí thép đúng theo tính toán kết cấu. Yêu cầu bố trí giằng đầu tường kích thước 100×200 với 2 cây thép Ø12 và thép đai Ø6. Yêu cầu bố trí dầm/giằng tường ở toàn bộ tường ngoài nhà với kích thước Hd = (1/8;1/12)L. Hệ dầm đó phải đảm bảo liên kết cứng với hệ khung cột để gia cường khả năng chống chịu lực gió bão cho tường bao che. Ngoài ra còn đảm bảo khả năng chịu lực khi gác sàn gỗ cho tầng lửng. Ngoài ra tường bao che: Xây tường gạch đặc dày 200, viên gạch xây nằm ngang. Phần thân tường phía trên cửa sổ – cửa đi có bố trí dầm/giằng tường để gia cố thêm liên kết cứng chống gió bão cho hệ mãng tường bao che. Kết cấu mái đề xuất hệ khung mái là dầm bê tông kiên cố để liên kết hệ cứng vào hệ đầu cột bê tông và hệ giằng bê tông đầu tường (không dùng hệ khung kết cấu mái bằng gỗ và thép) để xóa bỏ các liên kết giữa các kết cấu khác chất liệu. Bên cạnh đó toàn bộ cửa đi và cửa sổ (bao che ngoài nhà) đều mở ra, cửa đi có then cài. Đề nghị sử dụng vật liệu gỗ cho bản và khung cửa (không sử dụng vật liệu mong manh như kính, vải bạt). Cửa phải đảm bảo kín khít, bố trí thông thoáng, các hệ cửa đối diện cơ bản như nhau. Dọc bãi cát sát bờ biển trồng nhiều lớp cây phòng hộ, lớp ngoài cùng phía biển trồng lớp cây lớn kiến cố, lớp thứ hai sát nhà dân trồng cây dẻo dai thân vừa và nhỏ, cách nhà dân một khoảng cách L = 1,5H. Khu vực sân vườn nhà dân: trồng hàng rào chè tàu (hàng rào cây xanh), trong vườn trồng cây ăn trái hoặc cây cảnh thân dẻo dai, thân nhỏ hoặc vừa, rễ sâu. Không trồng cây lớn kiên cố và dễ gãy sát nhà hoặc sát nhà hàng xóm, vỉa hè của các con đường trong khu dân cư. Quy tắc trồng cây là càng xa nhà dân L>2H có thể trồng cây lớn và kiên cố, càng gần nhà dân thì cây (thân, cành) càng nhỏ và thấp. Khuyến khích người dân hiểu biết, nắm bắt kỹ thuật xây dựng và tham gia tự xây nhà mình, có kết hợp với thợ địa phương, để giảm chi phí nhân công và chi phí xây dựng.
Trong bối cảnh đô thị hóa và toàn cầu hóa, thách thức cho nhà ở tại các vùng như Hòa Hiệp Bắc sẽ lớn hơn, trong đó, ngôi nhà không chỉ cần có khả năng giảm thiểu các tác động của khí hậu ở mức thấp nhất mà còn mang lại những lợi ích lâu dài về kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường cho người dân và cộng đồng. Do điều kiện kinh tế hạn hẹp cũng như kiến thức hạn chế về thiên tai và biến đổi khí hậu, việc xây dựng nhà ở của người thu nhập thấp tại các khu vực ven đô và các vùng dễ tổn thương vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trước thiên tai và biến đổi khí hậu. Vì vậy, cần có một giải pháp tổng thể: Mô hình nhà ở thích ứng với mực nước biển dâng cao và bão nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của thiên tai đến cuộc sống của người dân cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
ThS.KTS Lê Toàn Thắng – Phòng Kiến trúc Quy hoạch – Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế
(Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 6/2013)