Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ Bộ Xây dựng nhận được công văn số 289/SXD-CS ngày 13/8/2008 của Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đề nghị hướng dẫn việc thanh toán tiền cổ tức (gọi là tiền định tức đồng niên) đối với những trường hợp nhà đất đưa vào diện công tư hợp doanh theo các chính sách quản lý nhà đất trước đây mà chủ nhà chưa được thanh toán. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng nhận thấy, vấn đề này thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội, Nghị quyết 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Nghị định 127/2005/NĐ-CP ngày 10/10/2005 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện giải quyết một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, do Nghị định 127/2005/NĐ-CP chưa hướng dẫn cụ thể việc thanh toán tiền định tức đồng niên nên cần phải xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước khi có văn bản hướng dẫn Sở Xây dựng thành phố Hà Nội thực hiện. Nội dung cụ thể như sau: Theo quy định các chính sách trước đây (Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 16 năm 1959, Nghị định số 15-CP ngày 8/2/1961 của Hội đồng Chính phủ) thì những nhà đất đưa vào công tư hợp doanh được Nhà nước định giá và mỗi năm bên nhận hợp doanh (chủ nhà) sẽ được trả dần hàng năm theo mức từ 6% đến 8% giá trị tài sản cho đến khi được thanh toán hết giá trị tài sản đó. Qua báo cáo của Sở Xây dựng thành phố Hà Nội cho thấy, đến nay phần lớn các chủ nhà đã được thanh toán hết số tiền định tức đồng niên, nhưng cũng còn một số trường hợp chưa được thanh toán hoặc đã được thanh toán nhưng chưa nhận hết số tiền định tức đồng niên và hiện nay họ có đơn đề nghị Nhà nước thanh toán tiếp số tiền này. Theo các chính sách quản lý nhà đất trước đây, cơ quan nào tiếp nhận nhà đất đưa vào góp vốn hợp doanh thì cơ quan đó có trách nhiệm thanh toán tiền định tức đồng niên cho chủ nhà. Thực tế hiện nay, tại thành phố Hà Nội đối với nhà đất thuộc diện thanh toán tiền định tức đồng niên thì có một số trường hợp cơ quan tiếp nhận nhà đất hợp doanh trước đây vẫn đang tiếp tục quản lý, tuy nhiên, cũng có một số trường hợp cơ quan tiếp nhận đã giải thể, sáp nhập hoặc chuyển đổi thành công ty cổ phần và nhà đất đưa vào hợp doanh trước đây đang được giao cho cơ quan khác quản lý, sử dụng thậm chí một số trường hợp đã được Nhà nước bán cho người đang thuê theo Nghị định 61/CP. Căn cứ vào Nghị quyết 23/2003/QH11 của Quốc hội thì kể từ ngày 01/7/2004 (ngày Nghị quyết 23/2003/QH11 có hiệu lực thi hành) nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng (kể cả nhà đất đã đưa vào hợp doanh theo các chính sách trước đây) đều thuộc sở hữu nhà nước và như vậy, kể từ thời điểm này Nhà nước chấm dứt thanh toán tiền định tức đồng niên đối với nhà đất đưa vào hợp doanh. Tuy nhiên, đối với các trường hợp đến trước ngày 01/7/2004 mà chủ nhà chưa được thanh toán hoặc đã được thanh toán nhưng chưa nhận hết số tiền định tức đồng niên thì việc xem xét giải quyết thanh toán tiếp cho họ là hợp lý. Ngày 08/10/2008, Bộ Xây dựng có văn bản số 2037/BXD-QLN đề nghị các Bộ, ngành có liên quan (là thành viên trong Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản) có ý kiến về vấn đề này để Bộ Xây dựng có cơ sở báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Qua tổng hợp các ý kiến góp ý, hầu hết các Bộ ngành đều nhất trí đề nghị Nhà nước cần tiếp tục thanh toán tiền định tức đồng niên cho các trường hợp đến trước ngày 01/7/2004 mà chủ nhà chưa được thanh toán hoặc thanh toán nhưng chưa nhận hết số tiền đó. Hướng giải quyết thanh toán cụ thể như sau: 1. Về trách nhiệm thanh toán: Cơ quan đang trực tiếp quản lý nhà đất đưa vào hợp doanh có trách nhiệm thanh toán tiền định tức đồng niên cho chủ nhà. Trong trường hợp cơ quan tiếp nhận nhà đất hợp doanh trước đây đã giải thể hoặc đã cổ phần hoá hoặc nhà đất đó đã được bán theo Nghị định 61/CP thì ngân sách nhà nước có trách nhiệm thanh toán cho chủ nhà khoản tiền này. 2. Về phương thức thanh toán: Có 3 loại ý kiến khác nhau về phương thức thanh toán. Có ý kiến đề nghị quy đổi ra thóc để thanh toán (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); có ý kiến đề nghị quy đổi ra vàng và thanh toán bằng tiền tương ứng với số vàng đó tại thời điểm thanh toán (Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhưng cũng có ý kiến đề nghị áp dụng giá nhà ở xây dựng mới của nhà ở cấp II do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm thanh toán như đối với trường hợp thanh toán tiền trưng mua nhà trước đây (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Bộ Xây dựng thấy rằng, ý kiến đề nghị quy đổi ra thóc để thanh toán tuy dễ dàng áp dụng nhưng lại không bảo đảm quyền lợi cho các chủ nhà; đối với phương thức áp dụng giá nhà ở xây dựng mới của nhà ở cấp II thì mới chỉ giải quyết thanh toán tiền nhà mà chưa tính đến giá trị quyền sử dụng đất, trong khi đó giá trị tài sản đưa vào hợp doanh trước đây bao gồm cả nhà và đất, do vậy, phương thức này không hợp lý và công bằng trong việc áp giá thanh toán tiền định tức đồng niên cho chủ nhà. Đối với phương thức quy đổi ra vàng để thanh toán bằng tiền theo thời giá hiện nay là phương thức vừa bảo đảm được quyền lợi của chủ nhà vừa bảo đảm quyền lợi của nhà nước và cũng thuận lợi trong áp dụng thực hiện. Vì vậy, Bộ Xây dựng kiến nghị áp dụng phương thức quy đổi ra vàng để thực hiện thanh toán. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội cần phối hợp với cơ quan ngân hàng để xác định giá vàng tại thời điểm đưa nhà đất vào hợp doanh và giá vàng tại thời điểm thanh toán để trả cho chủ nhà. Những trường hợp chủ nhà chưa được thanh toán hoặc đã thanh toán nhưng chưa nhận hết số tiền định tức đồng niên nêu trên thì sau khi quy đổi ra vàng sẽ được thanh toán trả 1 lần. Ví dụ: – Trường hợp chưa được thanh toán: Năm 1961, ông Nguyễn Văn A có nhà đất đưa vào hợp doanh được Nhà nước định giá tài sản nhà đất đó là 100 đồng và ông A được hưởng mức tiền định tức đồng niên hàng năm là 6% của giá trị 100đồng (như vậy đến năm 1977 ông A sẽ nhận hết số tiền này). Tuy nhiên, do ông A chưa được thanh toán thì nay số tiền thanh toán cho ông A được tính như sau: Giả sử giá vàng năm 1961 là 5 đồng/1lượng thì 100 đồng bằng 20 lượng vàng. Giá 1 lượng vàng tại thời điểm thanh toán năm 2009 là 17,2 triệu đồng. Như vậy số tiền định tức đồng niên phải thanh toán là: 17,2 x 20 = 344 triệu đồng. – Trường hợp đã thanh toán nhưng chưa nhận hết số tiền định tức đồng niên: Năm 1961, ông Nguyễn Văn A có nhà đất đưa vào hợp doanh và được nhà nước định giá là 100 đồng (tương ứng với 20 lượng vàng), nhưng ông A mới nhận được 40% số tiền định tức đồng niên, như vậy, đến nay số tiền còn lại 60% thanh toán tiếp cho ông A sẽ được tính như sau: (17,2 x 20) x 60% = 206,4 triệu đồng. Trên đây là báo cáo xin ý kiến chỉ đạo về việc thanh toán tiền định tức đồng niên cho trường hợp chủ nhà chưa được thanh toán hoặc thanh toán chưa hết tiền định tức đồng niên khi đưa nhà đất vào hợp doanh theo chính sách trước đây, Bộ Xây dựng kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
|