|
Cảm hứng Cambridge
Cambridge gây cảm hứng bắt đầu từ hình ảnh giản dị nhất: một dải khăn màu cam
vắt ngang bờ vai dưới mái tóc vàng, măng tô dạ lụng thụng, đôi giày thô nhám và
chiếc xe đạp gân guốc có cái giỏ mây phía trước đựng mấy ổ bánh mì. Một nữ sinh
viên hay rất có thể là một giáo sư của đại học Cambridge thì cũng vậy.
Mềm như một dòng sông nhỏ, cái dải khăn màu cam ấy phất phơ bay trên chiếc xe
đạp để rồi cũng lại dẫn đến một dòng sông, con sông Cam chảy qua Cambridge, đổ
ra biển Bắc qua vịnh Wash cách đấy vài chục dặm. Thành phố có cái tên mà nguồn
gốc bắt đầu từ một cây cầu gỗ bắc qua sông, thay đổi nhiều lần qua thời gian để
cuối cùng dừng lại vào năm 1600 ở cái tên thông dụng từng được gọi là Cambridge
– Cầu sông Cam.
Có rất nhiều hướng để chiêm ngưỡng Cambridge, nhưng thú vị nhất là từ phía sông,
là phía sân sau của các trường đại học. Bố cục mặt bằng của nhiều trường đại học
thường là hình chữ nhật tạo bởi những dãy nhà quây quanh một cái sân rộng, ba
mặt tiếp xúc với đường phố và một mặt với bờ sông. trôi trên lòng sông nhỏ hẹp
bằng chiếc thuyền gỗ được chèo chống bởi mấy cô cậu sinh viên đi làm thêm, những
gã, những ả làm công quý tộc trong trang phục quần tây sơ mi và mũ phớt trắng
muốt, nổi bật cái gillet sẫm màu. Những chiếc cầu bằng gạch, bằng gỗ đã đứng đó
qua nhiều thế kỷ. Mặt kiến trúc phía sau của những thánh đường đại học trông như
những cung điện lộng lẫy, với những khoảng rộng công viên xanh và những nhóm
sinh viên nằm ngồi bên nhau trên cỏ.
Hóa ra gốc gác của cái thành phố chữ nghĩa đầy tri thức này vốn là một nơi thị
tứ. Vào thời trung cổ, nó là một cảng nội địa, một nơi hội chợ nổi tiếng và rộng
vào loại nhất châu Âu. Là bởi có dòng sông. Dòng sông mang hàng hóa đến
Cambridge và từ Cambridge đi, những thùng rượu vang, những tảng pho mát, bơ, sữa
cá rau quả… và số phận của dòng sông cũng trải qua bao biến đổi. Đã từng là một
dòng sông tấp nập tàu bè, trên bến dưới thuyền buôn bán. Rồi có lúc đã trở thành
dòng sông ngập rác, là khi có đường sắt đến Cambridge, nó đã bị vứt ra khỏi đời
sống thương mại bởi sự hấp dẫn của phương thức vận chuyển mới rẻ hơn. Nhưng
người ta đã biết làm cho nó sống lại, sạch đẹp lại, để từ một dòng sông thương
mại, chợ búa suốt hàng trăm năm trong quá khứ đã trở thành dòng sông của niềm
vui và thắng cảnh hôm nay.
Danh tiếng Cambridge
Tôn giáo như là một thế lực giàu có và mạnh mẽ vào thời trung cổ có ảnh hưởng
lớn đến đời sống thành phố, và đã tạo ra những nền tảng đại học đầu tiên của
Cambridge. Chỉ cần đi bộ trong một quãng đường ngắn chừng một dặm ở trung tâm đã
gặp ít nhất là cả chục nhà thờ. Vào đầu thế kỷ 13, các vị cha cố đầu tiên có mặt
tại các nhà thờ ở Cambridge cùng nhiều chàng thanh niên kéo nhau đến đây để học
làm tu sĩ. Cũng thời gian này, một nhóm nhỏ học sinh và thầy giáo từ Oxfort là
trung tâm đại học đầu tiên của nước Anh kéo về đây lập ra trường học, đánh dấu
cho sự khởi đầu của một thế lực mới trong lĩnh vực tri thức: Đại học Camridge.
trường đại học đầu tiên được tạo lập ở đây như một nơi cho sinh viên vừa học,
vừa ở và còn là một nơi có chức năng vô cùng quan trọng, là cầu nguyện. Vào năm
1284, giám mục hạt Ely, ngài Hugh Balsham nhận thấy cần có một nơi để đưa những
đứa trẻ là học trò vô kỷ luật vào khuôn phép. Đầu tiên ông đặt chúng vào trong
nhà thờ St peter rồi sau đó chuyển sang căn nhà nghỉ kế cận cửa chính. Đấy chính
là nguồn gốc của cái trường đại học đầu tiên mang tên peterhouse của đế chế đại
học Cambridge nổi tiếng sau này. trong gần hai thế kỷ kế tiếp, một vài đại học
tốt nhất ra đời đã làm dấy lên “làn sóng” xây dựng các trường đại học ở
Cambridge. Rồi hàng loạt các trường mới do vua và hoàng hậu xây dựng, trong đó
hai trường đầu tiên là King’s College do HenryVI xây dựng năm 1441 và Queen’s
College do vợ ông xây dựng năm 1448. Vào thời gian này Oxfort vẫn là quan trọng
hơn, nhưng Cambrirdge lại được yêu thích bởi học sinh ở đây ít đối chọi với tôn
giáo.
Cho đến hôm nay, cảm giác về một không khí tôn giáo vẫn còn lẩn khuất đâu đó,
trong một con phố hẹp ngoằn ngoèo có những bức tường gạch cổ cao ngút khiến ta
dễ tưởng tượng cái khuôn viên đại học bên trong như một trường dòng. Và cũng
vậy, là cảm giác về một không khí hoàng cung khi đứng trước cổng các trường đại
học mà hầu hết có kiến trúc kiểu cung điện.
Một Cambridge khác qua cánh cổng gỗ…
Bên ngoài cái thế giới kỳ vĩ của những công trình đáng để chiêm ngưỡng và ngưỡng
mộ còn có một Cambridge khác. Cách chỉ vài bước thôi, qua cánh cổng gỗ là một
đời sống khác, một đời sống mà ta rất thích thú cảm nhận, không cần phải rụt rè
kính ngưỡng. phố xá, quán cà phê, quán rượu, cửa hàng… với sự bình dị, tự nhiên
rất bản chất. Cái “chất” Cambridge ở đây có vẻ gì hơi trễ nải, không kiểu cách
của mấy anh mọt sách, nhưng lại ẩn chứa một vẻ sành sỏi điệu đàng của kẻ có học.
Sự sang trọng giản dị tiềm ẩn kiểu trí thức ấy nó thể hiện ở mấy cái giỏ mây xe
đạp, trên đó họ chất đầy bánh mì, rau quả và cả những tập tài liệu hay giáo
trình dày cộp, ở trang phục có vẻ tuềnh toàng nhưng thực ra rất đắt tiền, và cái
cách ngồi cà phê hay khi tợp ngụm rượu vang trung pub.
Cambridge ít ô tô, và càng không nhiều xe sang trọng. Cư dân Cambridge đi lại
chủ yếu bằng xe công cộng, và xe đạp là khá phổ biến, kể cả trong mùa đông. Ngay
ở con đường trục chính cũng rất thưa xe cộ. Sự mở rộng rất nhanh của các trường
đại học kèm theo sự phát triển các khu nhà ở, nhiều đô thị nhỏ kiểu vệ tinh
chung quanh khu trung tâm nhưng cũng không bị cách quá xa bởi người ta đã biết
giới hạn sự phát triển của Cambridge bằng một dải đất gọi là “Green belt” – Vành
đai xanh. Cho nên người Cambridge thật may mắn khi có được một khu vực ngoại ô
nằm xa khu trung tâm chỉ vài ba dặm. Thậm chí chỉ cách trung tâm vài trăm mét,
ta có thể thấy những chị bò sữa nhởn nhơ gặm cỏ bên bờ sông. Cư dân Cambrideg là
ai, thật dễ hiểu. Hầu hết họ là những người làm việc trong các ngành công nghiệp
dịch vụ – đặc biệt là các đại học và bệnh viện – nên ở họ toát ra cái bản sắc
riêng rất dễ nhận biết.
Bài: Tạ Mỹ Dương
Ảnh: T.M.D.
(KTNĐ số 7-2007)