– không đâu xa mà ngay tại thủ đô hà nội, trên nhiều tỉnh lộ, huyện lộ vẫn nhan nhản các loại công nông. chủ xe không muốn chia tay phương tiện (dù bất hợp pháp) của mình đã đành, nhiều người có nhu cầu vẫn thích công nông vì… lợi! cấm chạy xe chứ có cấm gọi xe? kể từ khi sáp nhập, nhu cầu xây mới nhà cửa của người dân các huyện thuộc hà tây (cũ) cũng như những người nơi khác tới mua đất hà tây lại càng nhộn nhịp hơn khu trung tâm thủ đô, dù trước đó đã rầm rộ gấp nhiều lần “người hàng xóm” hà nội… đất rộng, thủ tục thoáng. không cần xin phép xây dựng, cũng không mấy khi thấy bóng thanh tra giao thông công chính, thanh tra xây dựng đến kiểm tra… nên thích xây là xây, có tiền là xây!
mà xây nhà thì lại kéo theo nay chở vài cái ống cống, mai gom được mấy chậu cây, kia sắm bộ bàn ghế… trong khi đường làng ngõ xóm vẫn chỉ có thế, ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp, gồ ghề – xe tải lớn đi vào vừa khó vừa đòi giá cao, nên rốt cuộc công nông với nhiều người dân vẫn là “đắc sách”! “không lẽ tôi mua 2 cái ống cống có 60 nghìn đồng mà lại tốn vài trăm nghìn thuê ôtô? gọi công nông chỉ mất 30 nghìn mà lại chở được thẳng vào tận sân nhà tôi, còn nếu chở bằng ôtô thì đến đầu ngõ trút xuống, tôi lại phải vác vào nhà ư?” – chủ thầu xây dựng nguyễn văn thu (bạch thạch, hòa thạch, quốc oai) giải thích. theo ông thu, đa phần các công trình xây dựng tư tại ngoại thành hà nội hiện nay, khi cần chuyên chở, nếu tính toán thấy có thể vận chuyển được bằng công nông thì cả chủ nhà, chủ thầu lẫn người cung cấp đều “thống nhất cao độ” trong việc sử dụng loại xe tự chế này – bất đắc dĩ phải mua, bán khối lượng lớn mà công nông không kham nổi mới gọi ôtô. “nhưng nhà dân cũng có khối lượng gì nhiều lắm đâu, trong khi vật liệu thường được mua dần theo tiến độ, nhất là giá cả lúc này biến động, mua bán đều chậm nên công nông hoạt động tích cực lắm!” – ông thu nói.
có cầu ắt có cung. khi xuất hiện nhu cầu về công nông thì xe này sợ không dám “vượt nghiêm lệnh” sẽ có ngay xe khác liều lĩnh! thậm chí, nhà cung cấp vật liệu thức – xuân ở gần đường hồ chí minh có chuyến công nông chở vài bao xi-măng nghe nói bị cảnh sát giao thông phạt mấy trăm nghìn đồng nhưng cũng không chừa. “vật liệu thường được trả gộp cả tiền chuyên chở đến chân công trình. có phải lúc nào cũng bị phạt đâu?! tính cả tiền phạt, xăng dầu… bình quân chia ra vẫn lợi hơn chở bằng ôtô!” – phụ xe tên lâm nhà thức – xuân cho biết. cái lợi đã khiến cho nhiều người thành phố về quê xây nhà đầu tiên tỏ ra cẩn tắc “tuân thủ đúng pháp luật“, như ông n.q.g (ở hàng trống, hà nội) hay ông v.d.k (ở lê đại hành, hà nội) mua vài tấm gỗ cốp-pha trị giá 100 nghìn đồng cũng gọi cả chuyến ôtô 250 nghìn đồng, sau mới thấy “hớ”, nếu chở bằng công nông chỉ 40 nghìn là về tận nơi! rõ ràng, cái lợi giá rẻ của công nông đã khiến không mấy người dân từ chối nó chỉ vì giữ an toàn cho cộng đồng hay sự trong sạch môi trường. có chăng những người suy xét điều này chỉ là các cơ quan chức năng… lợi anh, lợi ả, lợi cả… con đường?! trong số khá nhiều lý do khiến công nông vẫn chạy nhông khắp ngoại thành hà nội, còn một lý do không rõ những nhà quản lý khi hoạch định chiến lược có tính đến không – đó là cũng như nhiều miền quê khác, địa bàn hà tây cũ vẫn hiện hữu vô số các con đường đất. chưa biết bao giờ mới được đổ bê-tông hay rải nhựa, những con đường đất này có thể là các lối mòn lịch sử để lại, có thể do dân tự góp tiền mua đất tôn tạo nên… và mỗi lần gặp mưa hoặc nước dâng ngập đường là lớp đất này nhũn ra nhão nhoét! đất ướt, ôtô lớn nhỏ đi qua đều làm đường lún thành từng vệt dài vài mét. chính vì vậy, tại nhiều con đường đất, người dân không đồng ý cho ôtô của các nhà đang xây dựng đi qua. “phép vua thua lệ làng” – thế nhưng công nông lại vô tư, vì họ cho rằng công nông nhẹ hơn và chở ít!
đứng về góc độ quản lý mà nói, không lực lượng công an hay thanh tra nào có thể đủ quân số “mai phục” khắp các đường ngang ngõ tắt ngoại thành hà nội này. nếu chỉ “đón đầu” ngoài đường cái thì gần như vô ích, bởi để đến một “đích” công nông quê có rất nhiều đường tắt len lỏi! “nói không ngoa, ở cái hà nội 2 này có bao nhiêu đại lý lớn nhỏ vật liệu xây dựng là bấy nhiêu cái công nông. rồi lại còn công nông tự phát trong dân, để chở lúa, rau, củ, quả, cây cối và đồ đạc… lệnh cấm đã được gần 1 năm rồi nhưng cứ ra các điểm sửa công nông mà xem, họ vẫn có việc đều đều đấy!” – sinh viên vũ duy minh (hà đông, hà nội) nhận xét. được biết, công an tp hà nội vừa có công văn gửi các quận, huyện, thành phố liên quan trên địa bàn thủ đô về vấn đề quản lý xe công nông, xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 – 4 bánh, nêu rõ thời gian tới các lực lượng của công an tp sẽ phối hợp với sở gtvt và cơ quan chức năng xử lý nghiêm túc các hành vi vi phạm, đình chỉ lưu hành các loại xe đầu ngang, xe lôi máy, xe cơ giới 3 bánh… không đăng ký, không biển kiểm soát. bên cạnh việc kiểm tra, xử lý, công an hà nội cho biết các cơ quan chức năng (kể trên) cũng sẽ phối hợp nghiên cứu, đề xuất phạm vi, thời gian được phép hoạt động, thời điểm và lộ trình đình chỉ lưu hành đối với các xe cơ giới 3 bánh đã được cấp đăng ký và gắn biển số đang hoạt động, trình ubnd tp hà nội. tuy nhiên, ghi nhận của vietnamnet tại ngoại thành hà nội những ngày này, các chủ xe công nông vẫn “bình chân như vại”, do hy vọng ngoại thành sẽ có “vé ưu tiên” hơn khu vực nội thị bởi khả năng kinh tế và đặc thù đường làng ngõ xóm… hay do tin chắc rằng “cuộc chiến” với xe công nông của các cơ quan chức năng không dễ có kết quả trong ngày một, ngày hai?
|