>>
Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã giải đáp phần nào thắc mắc của dự luận xung quanh đề án.
Ông Thảo nói:
– Đề án này do UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng nhằm mục đích cải thiện điều kiện sống và sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân trong khu vực phố cổ vì đây là khu vực trung tâm nhưng diện tích ở và các điều kiện sinh hoạt khác rất khó khăn. Thực ra, đây không phải là một kế hoạch gì mới mà chỉ là chủ trương để giải quyết điều kiện ăn ở của người dân phố cổ mà trước đây thành phố cũng đã tính đến.
Chủ trương của thành phố là vận động, tạo điều kiện giãn dân trong khu vực đó để cải thiện hơn cuộc sống của các hộ dân.
Theo đề án, giai đoạn 1 của đề án giãn dân phố cổ dự kiến di chuyển khoảng 1.900 hộ dân sang khu đô thị mới Việt Hưng. Đối tượng thuộc diện di chuyển là các hộ dân sống trong khuôn viên các công trình công cộng, di tích, trường học, công sở, các công trình có nguy cơ sụp đổ… và các hộ dân tự nguyện di dời.
* Nhưng thưa ông, có thông tin rằng phần lớn người dân sống trong khu vực phố cổ vẫn chấp nhận sống tại đó vì đây là khu vực trung tâm và điều kiện kinh doanh, buôn bán cũng thuận lợi hơn nhiều so với ngoại thành?
– Biết là như vậy, nhưng thành phố cũng không thể để người dân phải sống trong cảnh chật chội, khó khăn thế mãi được nên vẫn phải hỗ trợ. trước tiên, thành phố sẽ hỗ trợ về qui hoạch và quỹ nhà, còn điều kiện di chuyển, giao đất thế nào phải theo qui định của luật pháp…
Riêng về nghề nghiệp, người dân phố cổ làm nghề truyền thống, kinh doanh nhiều năm nay nên thay đổi nghề nghiệp của người dân là tương đối khó. Để người dân phố cổ có được nghề nghiệp mới, cần có quĩ hỗ trợ đào tạo, học nghề nhằm đáp ứng những ai có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp.
trên cơ sở đề xuất của quận Hoàn Kiếm, thành phố cũng sẽ xem xét có những hỗ trợ khác. Chẳng hạn, xem xét hỗ trợ về giá cả trong vấn đề nhà cửa hay đối với những gia đình khó khăn có thể hỗ trợ kinh phí di dời…
Thêm nữa, các khu đô thị của thành phố đều qui hoạch những diện tích kinh doanh và tại đó sẽ ưu tiên, tạo điều kiện cho những người dân phố cổ thuê. Ngay tại khu đất đầu tiên dành cho giãn dân phố cổ thuộc khu đô thị Việt Hưng cũng sẽ có những diện tích để qui hoạch thành khu kinh doanh.
* Nhưng nếu người dân không đồng ý di dời thì có phải tiến hành cưỡng chế không?
– Việc giãn dân này trên cơ sở vừa vận động, thuyết phục đồng thời tạo điều kiện cho họ khi chuyển ra các khu đô thị mới để họ có cuộc sống tốt hơn, chứ không phải nhằm mục đích lấy đất, nên không cưỡng chế.
* Nhưng nếu không cưỡng chế thì liệu đề án có khả thi?
– Tôi nghĩ đây là chủ trương đúng đắn và hoàn toàn khả thi, nhưng phải có quá trình. phải làm sao để người dân phố cổ nhận thức rằng, việc di dời đó thiết thực cho cuộc sống của mình.
* Nhưng được biết diện tích tại khu đô thị Việt Hưng cũng có hạn và chỉ có thể đón nhận một phần số hộ cần di chuyển. Vậy, thành phố sẽ qui hoạch những khu nào cho giãn dân phố cổ?
– Khu đô thị Việt Hưng chỉ là một điểm và tới đây thành phố sẽ tiếp tục qui hoạch các khu giãn dân phố cổ tại các đô thị khác. Chẳng hạn, khu Sài Đồng cũng là điểm có thể qui hoạch tiếp, bởi từ phố cổ qua sông Hồng tới đó rất gần, điều kiện địa lý thuận lợi…
* Dự kiến thành phố sẽ chi bao nhiêu kinh phí để thực hiện đề án này, thưa ông?
Cái đó phụ thuộc vào đề án đang xây dựng. Nhà nước chỉ hỗ trợ về quỹ nhà và quy hoạch quỹ nhà, còn điều kiện di chuyển, giao đất như thế nào thì phải theo quy định của luật pháp. Còn lại trên cơ sở đề xuất của quận Hoàn Kiếm thì có thể có một số hỗ trợ như: giá nhà ở, hỗ trợ kinh phí di dời đối với những gia đình khó khăn.
Tuy nhiên, theo ước tính, kinh phí cho giai đoạn 1 cũng phải mất khoảng 4.000 tỷ đồng.