Thời gian qua, Công an Tp Hà Nội đã tiến hành khảo sát tại một số dự án qui hoạch giao thông mới trên địa bàn Tp Hà Nội, ghi nhận hàng chục trường hợp công trình siêu méo, siêu mỏng đang tồn tại. Nhà siêu mỏng – muôn hình vạn trạng Ở quận Thanh Xuân, sau khi hoàn thành việc giải phóng mặt bằng đường vành đai 3, đoạn Khuất Duy Tiến cắt qua Nguyễn trãi, có 19 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo, diện tích từ 8,4m2 đến 10,49m2. Tại đường Khuất Duy Tiến, đoạn qua địa bàn phường Thanh Xuân Bắc, tồn tại một dãy các ki-ốt, diện tích từ 3-5m2. Tại đầu đường Nguyễn Huy Tưởng giao với Khuất Duy Tiến có một căn hộ 2 tầng xây theo kiểu “chuồng chim”, chủ sở hữu là một công ty cổ phần. Tại đường Nguyễn trãi, có một công trình 1 tầng trên diện tích đất 14m2, đang chuẩn bị lắp dựng cột bê tông để “phi” lên tầng 2, nhưng đã bị đình chỉ thi công. Tại quận Đống Đa, trên tuyến đường mới mở Cát Linh – La Thành, La Thành – Thái Hà – Láng có 5 công trình xây dựng thuộc diện nhà siêu mỏng, siêu méo, 14 trường hợp đang có nguy cơ trở thành những công trình làm xấu bộ mặt Thủ đô… trên tuyến đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa, con đường được ví là “đắt nhất hành tinh” đang tồn tại 9 trường hợp nhà 1 tầng bị cắt xén giữ nguyên hiện trạng và 8 trường hợp đất sau đền bù có diện tích nhỏ; cả hai trường hợp đều không đủ điều kiện xây dựng công trình. Tại quận Hai Bà trưng, sau khi giải phóng mặt bằng dự án cầu Vĩnh Tuy đã xuất hiện 13 công trình xây dựng thuộc diện siêu mỏng, siêu méo. Tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, có một công trình cao 2,5m, 1 tầng, diện tích khoảng 8 mét vuông, lợp prôximăng. Sau khi đường Lạc Long Quân được cải tạo mở rộng, công trình ra mặt đường và chủ hộ đã nâng lên cao 5m… Dĩ nhiên, các công trình nêu trên đều vi phạm và không được cấp phép xây dựng; có công trình đã có quyết định buộc phải phá dỡ; có công trình đã được “chế tài” bằng biện pháp cắt điện, cắt nước; nhưng cuối cùng, nó vẫn tồn tại như thách đố hiệu lực quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp.
Nguyên nhân tồn tại của những công trình “2 siêu” Công trình “2 siêu” siêu mỏng, siêu méo, nếu tồn tại được, nó sẽ được cộng thêm “1 siêu” – đó là siêu lợi nhuận! Sở dĩ chủ của những công trình “2 siêu” tìm mọi cách để tồn tại, là do khi quy hoạch, mở đường, giá trị đất mặt đường đội lên từ 10 đến 15 lần. Vì vậy các chủ đất “2 siêu” đều cố thủ, có người chấp nhận giải pháp “đắp chiếu nằm chờ”, khi tình hình yên ắng thì lại trổ cửa bung ra, chứ không chịu sáp nhập, hợp khối với các hộ liền kề. Có hộ thì dù chủ phía sau đã đề nghị mua lại mặt tiền với giá đất gấp hàng chục lần giá trị thực, nhưng vẫn không chịu chuyển nhượng, để ép với giá “trên trời”. Đây là nguyên nhân dẫn tới chủ trương “khuyến khích”, “vận động” hợp khối không thực hiện được một cách triệt để. trả lời chất vấn của Hội đồng nhân dân Tp Hà Nội về vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo, đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội – ông Tô Anh Tuấn đưa ra 4 giải pháp. Một là: phải triệt để thực hiện phương châm mở đường kết hợp quy hoạch xây dựng luôn những tuyến phố hai bên, không để dạng nhà “2 siêu” có cơ hội lách vào. Hai là: phải xác định rõ những mảnh đất sau khi giải phóng mặt bằng có thể nảy sinh dạng nhà này để ngăn ngừa, có biện pháp ngay từ đầu. Ba là: Công tác tuyên truyền, vận động phải tích cực, hiệu quả khi “chẳng may” những nhà này xuất hiện thì đề nghị họ hợp khối với nhau hoặc chuyển nhượng cho nhau để xây dựng lại. Giải pháp cuối cùng là thu hồi những trường hợp cố tình vi phạm. Đừng để luật và những giải pháp chỉ nằm trên giấy Chỉ cần xem Luật Xây dựng, Quyết định 39/2005/QĐ-TTg ngày 28/2/2005 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành Điều 121 của Luật Xây dựng; Quyết định 89/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18/6/2007 về thí điểm thành lập Thanh tra xây dựng quận, huyện và Thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn tại Tp Hà Nội và Tp HCM thì thấy, nếu các cơ quan chức năng thực hiện đúng chức năng của mình, thì tình trạng nhà “2 siêu” sẽ không có đất để tồn tại. Cụ thể, Quyết định 39/2005/QĐ-TTg đã qui định rõ những công trình xây dựng đang tồn tại phù hợp với quy hoạch xây dựng nhưng chưa phù hợp với kiến trúc; những công trình xây dựng đang tồn tại nhưng không phù hợp với quy hoạch xây dựng đều bị xử lý. Quyết định còn ghi rõ, diện tích đất nhỏ hơn 15m2 có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m thì không được phép xây dựng. Như vậy, trong trường hợp quy hoạch không ngăn ngừa được; hoặc “chẳng may” bỏ sót nhà siêu mỏng, siêu méo như các giải pháp mà vị đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đã nêu ra, thì nếu các lực lượng chức năng vào cuộc kiên quyết không để xây dựng, nếu cố tình xây dựng rồi thì kiên quyết phá dỡ ngay như chức năng, quyền hạn đã được Thủ tướng cho phép tại Quyết định 89/2007/QĐ-TTg, thì cuối cùng chủ đất “2 siêu” cũng phải hợp tác để “hợp khối”, hoặc “sang nhượng” cho chủ đất liền kề nếu không muốn bị thu hồi. Vấn đề cuối cùng xin được nêu ra trong bài viết này, đó là cần quy trách nhiệm, xử lý nghiêm tình trạng để nhà “2 siêu” tồn tại trên địa bàn mình. trách nhiệm đến đâu xử lý đến đó… Chúng tôi được biết, sau khi tiến hành khảo sát số lượng các công trình “2 siêu”, Công an Tp Hà Nội vừa có công văn kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với một số quận – nơi có các dự án qui hoạch giao thông mới mở, đang tồn tại các công trình siêu mỏng, siêu méo. |