Chỉ riêng thực hiện thí điểm hạ ngầm đường dây đi nổi tại 5 tuyến phố, Hà Nội đã phải đầu tư trên 200 tỷ đồng. Theo tính toán sơ bộ, mỗi km hạ ngầm sẽ phải chi khoảng 12 tỷ đồng. Như vậy nếu thực hiện được kế hoạch hạ ngầm trên 140 tuyến phố (tại 9 quận nội thành) với khoảng 100km, TP sẽ phải dành kinh phí hàng nghìn tỷ đồng. Phải chăng ngay từ bây giờ Hà Nội cần phải sớm thực hiện những quy định về quản lý hệ thống công trình ngầm và hệ thống dây cáp trên cao.
Trên đường phố Hà Nội đã từng xảy ra những tai nạn chết người chỉ vì những đoạn dây bị đứt xuống. Đường dây đi nổi như mạng nhện được treo tuỳ tiện ,treo trên cột điện, cột đèn, cây xanh, mái nhà… “Mạng nhện” này là cái bẫy gây sự hãi hùng đối với người dân mỗi khi mưa to gió lớn. Hình ảnh dây rợ lằng nhằng có thể nói là đặc trưng của các đường phố Hà Nội, gây sự phản cảm về mỹ quan đô thị. Ông Lê Văn Dục – Phó giám đốc Sở Xây dựng – đơn vị chủ quản của dự án hạ ngầm đường dây nổi cho biết: Khi thực hiện hạ ngầm tại một số tuyến phố, phát hiện có tới trên 30% trong số các đường dây đó là vô chủ. Có những đường dây tồn tại tới hai ba chục năm. Các cơ quan sử dụng số đường dây này đã vô trách nhiệm khi không còn sử dụng nữa mà không cắt bỏ, thu hồi lại. Đơn giản vì do việc tháo gỡ dây xuống mất rất nhiều thời gian cũng như chi phí, trong khi chưa có một chế tài xử phạt nào về hành vi này. Chính quyền đang phải gánh xử lý với “đống rác” này. Chỉ riêng thực hiện thí điểm dự án hạ ngầm tại 5 tuyến phố kinh phí đã lên tới 220 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP phải chi 130 tỷ đồng (ngành điện đóng góp 75 tỷ, các đơn vị viễn thông 14 tỷ)
Hiện trên địa bàn Hà Nội có 17 đơn vị quản lý dây thông tin, 1 đơn vị điện lực và 1 đơn vị chiếu sáng đang là chủ nhân của hệ thống dây nổi. Thực tế, từ 2005, Chính phủ đã đưa ra yêu cầu hạ ngầm tuyến cáp, đường dây điện ở Hà Nội trước 2010. Từ 2007 TP Hà Nội cũng đưa kế hoạch hạ ngầm đường dây nổi vào chỉ tiêu kế hoạch kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách của 2008, nhưng cho tới nay các đơn vị quản lý dây vẫn chưa chủ động có giải pháp hạ ngầm, sắp xếp bó gọn.
Ngoài 5 tuyến phố đã và đang được thực hiện thí điểm hạ ngầm là tuyến Đinh Tiên Hoàng – Hàng Khay, Nguyễn Thái Học – Kim Mã, Văn Cao – Trần Duy Hưng, tuyến Hai Bà Trưng và đường Thanh Niên, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai trên nhiều tuyến phố khác để thực hiện kế hoạch “thành phố không dây”. Các dự án chỉnh trang đô thị kết hợp hạ ngầm do nhiều đơn vị khác nhau thực hiện. Cụ thể như Sở Xây dựng có tới 30 dự án (trong đó 12 dự án hạ ngầm), Sở GTVT có 11 dự án, rồi dự án của các quận… Tại một số dự án đã được thực hiện thí điểm, một bất cập đang diễn ra đó là sau khi đường dây được hạ ngầm thì… hè đường lại bị đào bới lung tung do các đơn vị thi công sau khi đào chôn đường ống chỉ lấp lại qua loa, không hoàn trả lại hè phố. Và như vậy đã làm giảm hiệu quả của mục đích chỉnh trang bộ mặt đô thị. Thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng, phí làm lại hè đường cũng chẳng kém gì phí hạ ngầm. Dẫn tới tình trạng này đó là do nhiều đơn vị cùng được tham gia thi công dự án, mỗi đơn vị cũng đều có biện pháp thi công khác nhau, mạnh đơn vị nào đơn vị đó đào hè đường, trong khi không thực hiện theo biện pháp cuốn chiếu, thi công đến đâu hoàn trả hè đường đến đó. Theo các chuyên gia quản lý về đô thị, việc hạ ngầm đường dây là cần thiết, tuy nhiên phải thực hiện đồng bộ, tránh tình trạng mỗi doanh nghiệp tự thi công một tuyến đường .
Theo ông Lê Văn Dục – Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, nếu thực hiện hạ ngầm ở tất cả các tuyến phố thì kinh phí rất lớn, ngân sách không thể bố trí đủ. Chính vì vậy Sở Xây dựng sẽ đưa ra danh sách các tuyến phố cần phải hạ ngầm để lên kế hoạch sao cho thực hiện đạt hiệu quả. Sở này cũng đề nghị các chủ đầu tư, các quận huyện khi triển khai cải tạo nâng cấp hè, đường thì tiến hành đồng bộ hạ ngầm và sắp xếp các đường dây cũng như chỉnh trang các tuyến phố cho đồng bộ, tránh tình trạng hè đường vừa được cải tạo xong thì phải đào để hạ ngầm. Đối với một số tuyến phố có thể chỉ hạ ngầm các đường dây thông tin, đường dây điện bó và sắp xếp lại. Rút kinh nghiệm từ các dự án thí điểm đã thực hiện, Sở Xây dựng cũng thực hiện biện pháp thi công đến đâu hoàn trả đến đó, không để xảy ra tình trạng đào đường ngổn ngang khắp nơi. Đặc biệt TP cũng chỉ đạo trên các tuyến phố chưa hạ ngầm, các đơn vị, DN không được treo thêm dây cáp, dây điện. Trong trường hợp cần thiết, Sở Xây dựng sẽ cấp phép có thời hạn treo tạm đường dây, cáp cho các đơn vị nhưng phải có biện pháp bảo đảm an toàn, mỹ quan đô thị. Hết thời gian cấp tạm phải tự tháo dỡ. Tại các khu đô thị mới buộc chủ đầu tư phải bỏ tiền thi công hệ thống hào, tuy nen kỹ thuật. Các công trình xây dựng mới không có phương án ngầm hoá hệ thống dây dẫn cũng sẽ không được cấp phép hay quyết định đầu tư… Cùng với những quy định tạm thời trên, theo ý kiến của các nhà quản lý, Hà Nội cần sớm có những chế tài nghiêm khắc cho việc quản lý hệ thống công trình ngầm cũng như hệ thống dây, cáp treo trên cao. |