Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam (MTXDVN) vừa tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho Đồ án Quy hoạch chung (QHC) xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Tại cuộc họp, Cục phát triển Đô thị (đại diện Bộ Xây dựng) đã có những giải trình về một số nội dung Hội đề cập. Bên cạnh vấn đề được quan tâm hàng đầu là công tác đánh giá môi trường chiến lược cho đồ án QHC Hà Nội thì Hội cũng đặc biệt chú ý đến các nội dung liên quan đến định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật.
Hạn chế khai thác nước ngầm Về cấp nước, Hội cho rằng nên tăng khả năng bổ cập nước mưa hay nước mặt bổ sung cho nước ngầm, duy trì công suất khai thác nước ngầm như hiện nay đến năm 2030 và lâu hơn nữa mới là phương án khả thi và kinh tế nhất. trong khi đó, theo đồ án QHC Hà Nội, sẽ giảm dần khối lượng khai thác nước ngầm Hà Nội, giai đoạn 2020 còn 400 nghìn m3/ngđ, đến năm 2030 còn 265 nghìn m3/ngđ. Giải thích rõ hơn về nội dung này, Cục phát triển đô thị cho biết: Theo chương trình nghiên cứu biến dạng lún bề mặt đất Tp Hà Nội do thay đổi mực nước ngầm của Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế Xây dựng Hà Nội, kết quả quan trắc lún bề mặt đất do thay đổi mực nước ngầm tại 10 trạm cấp nước trong những năm qua đã phản ánh sự sụt lún bề mặt đất do thay đổi mực nước ngầm tại 10 vị trí quan trắc. Tại những trạm cấp nước có tồn tại lớp đất yếu, tốc độ lún bề mặt đất tương đối lớn như Thành Công 41,42mm/năm, Ngô Sỹ Liên 31,52mm/năm, pháp Vân 22,16mm/năm… Những trạm không tồn tại lớp đất yếu có tốc độ lún bề mặt nhỏ như Ngọc Hà 1,8mm/năm, Mai Dịch 2,65mm/năm, Đông Anh 1,4mm/năm. Những trạm có vị trí gần sông Hồng có độ lún bề mặt đất nhỏ hơn vì mực nước ngầm được nước sông bù phụ một phần như Lương Yên 18,83mm/năm, Gia Lâm 10,33mm/năm. Mặt khác, chất lượng nước ngầm khu vực phía nam Tp không tốt. Do vậy việc giảm dần khai thác nước ngầm tại nội thành Hà Nội cần được thực hiện có lộ trình để đảm bảo tránh sụt lún nền đất cho khu vực Hà Nội cũ cũng như xây dựng chiến lược cấp nước từ các nhà máy nước mặt đảm bảo cấp nước cho Hà Nội khi giảm dần lượng nước ngầm khai thác.
Bao giờ hết úng ngập? Về thoát nước mưa và chống úng ngập, theo Hội MTXDVN, đồ án QHC Hà Nội cần đánh giá lại quy hoạch thoát nước do JICA lập (bởi quy hoạch này được đồ án QHC Hà Nội kế thừa – pV) vì thực tế, việc thực hiện quy hoạch thoát nước mưa theo phương án của JICA đã qua 15 năm chứng tỏ không đạt mục tiêu. Hà Nội vẫn bị úng ngập, nước sông hồ vẫn bị ô nhiễm trầm trọng. Hội đề nghị đồ án xem xét lại tính toán lưu lượng thoát nước mưa. Đơn cử, năm 2008, trạm bơm Yên Sở không bơm được hết nước úng ngập. trong khi đó, theo dự báo của các chuyên gia khí tượng với kịch bản biến đổi khí hậu trung bình đến năm 2100 vùng Đồng bằng Bắc bộ (trong đó có Hà Nội) lượng mưa mùa mưa sẽ tăng lên 15%, lượng mưa mùa khô sẽ giảm đi 6,8%. Có nghĩa là ở vùng Thủ đô Hà Nội lũ lụt mùa mưa có thể trầm trọng hơn, hạn hán mùa khô có thể gay gắt hơn. Quy hoạch cấp nước và thoát nước của đồ án đã không tính đến sự biến đổi khí hậu nói trên. Về vấn đề này, Cục phát triển Đô thị khẳng định: Nguyên tắc thiết kế của đồ án đối với thoát nước mưa và chống úng ngập là tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành và trên nguyên tắc rà soát lại các quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành đã lập và được duyệt, rà soát các dự án đã và đang thực hiện, trên cơ sở đó chọn lọc, cái gì đúng vẫn sẽ tiếp tục triển khai, cái gì chưa phù hợp sẽ xem xét và điều chỉnh tính toán lại cho phù hợp với giai đoạn nghiên cứu của đồ án. Sau khi rà soát thực trạng thoát nước của Hà Nội, xem xét tất cả các dự án đã và đang thực hiện tại Hà Nội, nhóm nghiên cứu về thoát nước mưa Hà Nội đã nhận định: Dự án thoát nước Hà Nội dù hoàn thành cả hai giai đoạn thì cũng mới đạt “điều kiện cần” mà chưa đạt “điều kiện đủ”. Tuy vậy vẫn phải công tâm đánh giá kết quả của dự án thoát nước đã giúp Hà Nội cơ bản trong công tác thoát nước đô thị. Nhóm tư vấn cho đồ án QHC Hà Nội đã đề xuất giải pháp: Đối với đô thị trung tâm cần tạo ra những hệ thống tiêu liên hoàn để hỗ trợ giữa các lưu vực với nhau. Đồ án đã tính đến do biến đổi khí hậu thời tiết sẽ bất thường, lượng mưa trong mùa mưa sẽ tăng lên, nên kiến nghị bổ sung công suất Yên Sở giai đoạn 3 là 55m3/s, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hồ điều hoà trên các lưu vực đã được đề xuất và xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới cống cấp 2, 3… Việc các sông hồ bị ô nhiễm, vẫn xảy ra úng ngập nặng tại nhiều điểm không chỉ tư vấn quy hoạch giải quyết được mà cần các cấp các ngành cùng chung sức trong công tác quản lý, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước mưa, dự báo thời tiết, duy tu bảo dưỡng, giáo dục ý thức cộng đồng… |
Hạn chế khai thác nước ngầm
4
Bài trước