|
KTĐT – “Yêu cầu UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các ngành chức năng tiếp tục rà soát và kiên quyết xử lý các vi phạm lấn chiếm, xây dựng trái phép gây cản trở dòng chảy dọc hai bờ sông Nhuệ xong trước tháng 7-2009”, đó là kiến nghị mới đây của cơ quan Cảnh sát môi trường Hà Nội nhằm “cứu” sông Nhuệ.
Từ nước thải…
Theo khảo sát của cơ quan quản lý môi trường, sông Nhuệ hiện nhận nước từ 35 điểm cống, kênh tiêu, cửa sông từ nội thành chảy vào. Lưu vực sông Nhuệ có nhiều phụ lưu lớn chảy qua thành phố, thị trấn, điểm dân cư, khu công nghiệp, dịch vụ làng nghề… Lượng nước thải sinh hoạt của thành phố đổ vào sông Nhuệ mỗi năm một tăng do tốc độ phát triển đô thị cao với hàng chục khu đô thị mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Cùng với nước thải sinh hoạt, sông Nhuệ hiện phải “gánh” nước thải từ hàng trăm nhà máy công nghiệp, cơ sở sản xuất và dịch vụ. 4 con sông lớn trong nội thành là Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu, mỗi ngày đổ ra sông Nhuệ khoảng 400.000m3.
Đặc biệt, sông Nhuệ đi qua khu vực Văn Điển chịu ảnh hưởng nhiều tác nhân gây ô nhiễm như nước thẩm thấu từ nghĩa trang, chất và nước thải của các khu công nghiệp (từ các nhà máy phân lân, pin…) của bãi rác thành phố. Khảo sát mới đây cho thấy, sông Nhuệ chứa nước thải của hơn một trăm làng nghề phát sinh khoảng 45.000 – 60.000m3/ngày, với nhiều loại hình sản xuất như: dệt nhuộm, chế biến nông sản thực phẩm, cơ kim khí, thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, tái chế nhựa…
Nước thải từ các hoạt động sản xuất của các làng nghề này đều không được xử lý trước khi thải ra môi trường.
…Đến sự xâm lấn có hệ thống
“Tình hình lấn chiếm xây dựng trái phép hai bên bờ sông Nhuệ, đổ phế thải, rác thải sinh hoạt trực tiếp xuống sông đang ngày càng bức xúc”, ghi nhận từ khảo sát của cơ quan môi trường thành phố.
Từ năm 2004 đến năm 2008, có 978 vụ vi phạm dọc hai bờ sông Nhuệ thuộc địa bàn các quận, huyện Hà Đông, Từ Liêm, Thanh Trì, ứng Hòa, Thanh Oai với tổng diện tích lấn chiếm trái phép gần 30.575m2. Việc đổ rác thải xuống sông của người dân và của một số đơn vị sản xuất, cơ quan doanh nghiệp không những làm cản trở dòng chảy, mà còn là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Tổng lượng rác thải của nội thành Hà Nội là 1.800m3 đến 2.000m3/ngày đêm nhưng lượng thu gom chỉ được 800m3/ngày, phần còn lại được xả vào các khu đất ven các hồ, kênh. Lượng rác thải sau thời gian bị phân hủy khi có mưa sẽ đổ vào kênh dẫn trong nội thành sau đó chảy ra sông Nhuệ.
Theo thiết kế mặt thoáng của sông Nhuệ có chiều rộng là 60m (chưa kể mặt đê), song nhiều nơi người dân lấn chiếm hiện mặt sông bị thu hẹp chỉ còn 50m, có đoạn còn 40m. Nhiều đoạn tại các khu vực như Cầu Diễn (Từ Liêm), phố Thanh Bình (Hà Đông), Cầu Tó, Hữu Hòa (Thanh Trì), Cự Khê (Thanh Oai) dòng sông bị thu hẹp co thắt.
Cần những biện pháp mạnh
Từ khi được thành lập và đi vào hoạt động, Phòng Cảnh sát môi trường – CATP Hà Nội đã xác minh, kiểm tra, phát hiện 10 cơ sở vi phạm gây ô nhiễm sông Nhuệ.
Điển hình như Xí nghiệp Cơ điện hóa chất thuộc Công ty CP Cơ khí 75 – xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì xả nước thải không qua xử lý hệ thống mương tiêu chảy vào sông Nhuệ với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng (các chỉ số đều vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép, trong đó có các chỉ số vượt từ 9 lần đến 157 lần).
Công ty Cơ khí Tân Hòa thuộc cụm công nghiệp Từ Liêm xả nước thải không qua xử lý với các chỉ số vượt tiêu chuẩn cho phép như chỉ số COD vượt từ 81 đến 88 lần; chỉ số về dầu mỡ khoáng vượt từ 16,7 đến 17,8 lần.
“Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ môi trường nhất là đối với các cơ sở có hoạt động xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ; có biện pháp đình chỉ việc xả thải đối với các cơ sở tái vi phạm”, đó là kiến nghị của cơ quan quản lý môi trường thành phố.
Vấn đề đặt ra để “cứu” sông Nhuệ là cần có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm giữa các ngành chức năng, nhằm kiểm tra, phát hiện và xử lý những vi phạm có tính chất điển hình.
Theo ANTĐ