Triển lãm 9 phương án trong cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận” bước sang ngày thứ 4 được trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của các chuyên gia quy hoạch kiến trúc cũng như các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Phần đông đều cho rằng, cần trả lại cho khu vực Hồ Gươm sự yên tĩnh, thoáng đãng dù phải phá bỏ một số công trình cao tầng đang tồn tại ở đây.
Sau 4 tháng chuẩn bị, 9 phương án tham gia cuộc thi tuyển đã được “trình làng”. Ngay cả với những người không có chuyên môn về kiến trúc cũng dễ dàng nhận thấy các ý tưởng được trình bày khá công phu, bắt mắt người xem bằng hình ảnh cũng như mô hình. Trao đổi với chúng tôi, kiến trúc sư Lê Văn Thiêm, thành viên Ban tổ chức cho biết: “Các đơn vị tham dự đều là những nhà tư vấn chuyên nghiệp có uy tín. Các ý tưởng của họ đều tuân thủ với đầu bài do Ban tổ chức đặt ra, mỗi người một vẻ, rất khó để nhận xét ai là người vượt trội”. Theo ông Thiêm, cuộc thi do UBND TP Hà Nội phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam phát động nhằm tìm ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị cho khu vực Hồ Gươm và phụ cận, đóng góp thiết thực và cụ thể vào chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Ông Tô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nhận xét, khu vực Hồ Gươm cần có quy hoạch tổng thể như quy chuẩn về chiều cao, màu sắc các tòa nhà. Hiện nay, các tòa nhà, tuyến phố xung quanh Hồ Gươm xây dựng khá lộn xộn, chưa có quy chuẩn về độ cao. Điển hình là Dự án xây dựng trung tâm điều hành điện lực vừa qua bị bãi bỏ. Phác thảo chung cho diện mạo Hồ Gươm trong tương lai là một số tuyến phố sẽ được quy hoạch trở thành phố đi bộ và tạo điểm nhấn ở các khu vực lân cận như quảng trường Cách mạng Tháng 8, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bông, Hàng Gai… Phần lớn người dân khi đến tham quan triển lãm đều khá hài lòng với các phương án được trưng bày. Đặc biệt, nhiều người đã tỏ rõ quan điểm đồng tình với phương án của Công ty Tư vấn và Đầu tư xây dựng CDCC phá toàn bộ các công trình xây dựng không có nhiều giá trị về kiến trúc, văn hóa xung quanh Hồ Gươm để xây dựng một quảng trường lớn. Công ty Nikken Sekkei Civil Engineeng LTD (Nhật) cũng đưa ra quy hoạch bỏ các công trình xây dựng quanh khu Công ty Điện lực, UBND TP để thay thế bằng nhiều công trình mới mang đậm kiến trúc Pháp… Nhận xét về các ý tưởng trên, ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất, xóa bỏ một số công trình tồn tại không hợp lý về không gian, cảnh quan có thể sẽ rất khó khăn nhưng nếu việc đó đem lại lợi ích tối đa cho số đông thì đó là việc nên làm. Dù có những phong cách riêng nhưng các ý tưởng triển lãm lần này gặp nhau ở một điểm là mở ra không gian mới thoáng đãng, rộng rãi hơn cho di sản vô giá của Thủ đô, một quần thể có giá trị vô cùng lớn đối với Hà Nội, cả về văn hóa, lịch sử, kiến trúc hoặc khai thác cảnh quan. Cũng giống như đề án Thành phố sông Hồng, Ban tổ chức cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận” xác định, khu vực Hồ Gươm là nơi hàm chứa rất nhiều giá trị về văn hóa, kiến trúc, tâm linh có tầm ảnh hưởng cả nước nên việc kêu gọi đề xuất ý tưởng cũng như lấy ý kiến của mọi người dân là những việc làm cần thiết và đã được Ban tổ chức tiến hành rất thận trọng. Sau khi thu nhận sự đóng góp của nhân dân, các chuyên gia, ban giám khảo sẽ họp để chất vấn, xem xét chọn ra đồ án có ý tưởng tốt nhất. Từ đồ án này, Hà Nội sẽ xem xét phê duyệt quy hoạch Hồ Gươm và phụ cận. Trong đó, sẽ làm rõ việc phải ứng xử với không gian Hồ Gươm ra sao để thích ứng với tình hình hiện tại.
|