Hoả trong nhà, đón nhận và tiết giảm


Hành hoả được quy định phương vị trong dịch lý đông phương là về phương nam, mang tính nóng ấm của mùa hè và buổi trưa, hình thế biểu trưng là hình nhọn (tam giác, góc nhọn, hình chóp…) hướng lên trên như hình ngọn lửa bốc cháy. Bấy nhiêu đó đủ thấy… nóng rồi. Do vậy, trong ngôi nhà từ truyền thống đến đương đại ở Việt Nam lâu nay luôn diễn ra một cuộc song hành thú vị: vừa đón nhận hoả như đón nhận ánh sáng không thể thiếu cho sự sống, ấm áp, tươi mới… mà lại vừa tìm các giải pháp­ khắc chế hành hoả, tiết giảm bớt những tác động xấu của hoả vào nơi cư ngụ. Từ xa đến gần, từ đại thể đến chi tiết, những giải pháp này đều có thể áp dụng trong điều kiện hiện nay








Dùng đèn hợp lý, chỉ chiếu sáng những chỗ cần thiết cũng là một biện pháp giảm hành hoả


Xoay xở Hình Thế


Hình nào thì thế ấy, khoa học phong thuỷ luôn nhắc nhở người làm nhà và người cư ngụ quan tâm đến tạo thế chứ đừng vội tạo hình. Nếp nhà xưa tạo thế rất khôn khéo, tránh nắng gắt, đón gió mát nhờ hình thế phơi mặt nhà dài về hướng nam, xoay đầu hồi ngắn sang đông – tây. Mái nhà Việt Nam – tương tự chiếc nón lá – là một ví dụ đặc trưng trong cách ứng xử uyển chuyển với cái nắng gay gắt xứ nhiệt đới. Vươn rộng nhẹ nhàng, ngăn bức xạ trực tiếp, tạo bóng đổ xuống thấp và thoát khí nóng lên cao. Sau nhà mượn chuối che gió lạnh, trước ngõ nhờ cau đón nắng lành. Thêm hàng hiên, mấy tấm liếp ngăn nắng chói, tạo vùng đệm bằng hành lang giảm nhiệt độ… Kinh nghiệm này nhiều công trình hiện đại dù nhỏ cũng đã biết kế thừa hiệu quả. Nhưng hình như việc thiết kế chung cư cao tầng hiện nay lại hay bị “quên”, khi khá nhiều mặt ngoài nhà hướng tây cũng đều mở cửa sổ y hệt như mặt nhà hướng nam!


Cảm giác ngột ngạt, chật chội và… nóng dễ đến khi gặp các khoảng vát chéo, hốc tường nhọn, gầm cầu thang… Vì thế có thời gian gầm cầu thang rất hay được dùng làm hồ cá kiểng, hòn non bộ với mục đích tận dụng diện tích, khiến gầm cầu thang vốn đã tối tăm ẩm thấp lại thêm nước tù đọng, âm thịnh dương suy quá cũng không hay. Xu hướng hiện nay là làm hồ khô, xếp đặt tiểu cảnh nhẹ nhàng, làm vườn cây chọn lọc không um tùm… và nếu có nước thì nên làm nước luân chuyển róc rách vui tai, cũng là một cách làm mát mẻ không chỉ cho thị giác.


Khéo dùng vật liệu, ánh sáng


Do tính chất mộc sinh hoả, nên nếu lạm dụng vật liệu gỗ trong nhà nhiều có khi làm cho cảm giác nóng tăng thêm, nhất là trong nhà phố hẹp. Nên học tập mô hình nhà vườn truyền thống: mộc trong thì phải có mộc ngoài làm xiêm áo che chở. Dùng thuỷ khắc hoả cũng là cách hiệu quả, từ việc bố trí hồ nước, nhà – ao – vườn theo mô hình sinh thái khép kín truyền thống, cho đến đặt hòn non bộ, làm thác nước nhân tạo… trong điều kiện đất đai phố thị chật hẹp.


Giảm hoả cho nhà còn là giảm bớt các bề mặt bê tông hay kim loại bị “cứng” hoá để thay thế bằng các mặt tiếp xúc “mềm” hơn, thiên nhiên hơn như trồng thảm cỏ trước sân, dùng cây leo, cây bóng mát. Một mảng tường có dây leo xanh luôn mát mẻ hơn là phẳng lì chói chang. Nếu sử dụng sân thượng thì nên kết hợp vườn trên mái để cản bức xạ trực tiếp. Dùng kính cũng phải lưu tâm đến hiệu ứng nhà kính, một loại “ bẫy” sẽ lưu nhiệt trong nhà khi đóng kín cửa, vì thế chọn hình thức cửa (cửa nan chóp, cửa có phần kính lật xoay được, cửa dùng kính có lớp cách nhiệt…) sẽ quyết định không nhỏ đến nhiệt độ trong nhà. Lại một lần nữa ngôi nhà truyền thống khẳng định giá trị của hệ cửa nan chớp, cửa bức bàn… vừa kín vừa hở, chắn nắng tốt mà thông gió cũng thật nhiều.


Việc bố trí ánh sáng hợp lý cũng điều tiết hành hoả tốt cho nhà. Ví dụ ban đêm (âm thịnh) dùng nhiều ánh sáng vàng, chiếu sáng điểm và bổ sung đèn pha vào các góc khuất, trong khi ban ngày (dương thịnh) cần bổ sung ánh sáng trắng, xanh và ánh sáng khuyếch tán để làm dịu không gian. Việc lạm dụng đèn mắt ếch, đèn pha và đèn chùm cũng gây ra những mảng sáng gắt và nóng. Có thể kiểm soát cường độ ánh sáng bằng cách dùng chụp đèn, dùng các bề mặt hắt sáng gián tiếp và giấu đèn trong các chi tiết trang trí như hồ cá cảnh, quầy bar… Dùng đủ đèn vào các không gian cần thiết chứ không phải là bật nhiều đèn cùng một lúc vì sẽ làm nhiệt độ trong nhà tăng cao đáng kể. Ví dụ như hành lang, cầu thang có thể dùng đèn loại cảm ứng (có người đi qua mới sáng). Phòng làm việc và phòng ngủ thì nên thiên về ánh sáng mát (xanh biển, tím) kết hợp chiếu sáng điểm ánh sáng ấm để cân bằng âm dương.


Dĩ nhiên, vẫn có thể tạo sự mát mẻ cho ngôi nhà (hoặc cục bộ từng phòng) bằng hệ thống cơ khí, điện lạnh… Nhưng trong xu thế thiết kế – xây dựng nhà thông minh và thân thiện môi trường đang trở nên cấp thiết, thì mỗi nhà nên cân nhắc chọn lựa giải pháp sao cho phù hợp, giữ gìn và phát triển tốt môi trường, như cha ông ta thuở… chưa có máy điều hoà mà vẫn khéo xoay xở được!


Bài: Th.S – KTS Hà Anh Tuấn
Ảnh: Khánh Phương

















Mành sáo nếu sử dụng hợp lý có tác dụng chắn nắng tốt mà thông gió cũng nhiều


Hệ thống cửa bàn khoa che chắn tốt mà vẫn thông thoáng


Dùng cây leo, bóng mát, giảm bớt bề mặt bê tông là cách giảm hành hoả  có hiệu quả


Chiếu sáng hợp lý, kết hợp ánh sáng vàng, chiếu sáng điểm và bổ sung đèn pha vào góc khuất cũng là một cách điều tiết hành hoả trong nhà

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *