Hòan thành giải phóng mặt bằng





Hàng loạt dự án trọng điểm trên địa bàn quận Hà Đông, như đường Lê Văn Lương kéo dài, đường Lê Trọng Tấn, Khu đô thị mới Dương Nội… thời gian qua bị chậm tiến độ do gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).


Lợi dụng sự buông lỏng quản lý đất đai, hàng ngàn hộ dân đã lấn chiếm đất nông nghiệp, chia lô xây dựng trái phép. Sau ngày hợp nhất, lãnh đạo TP Hà Nội đã nhiều lần kiểm tra và chỉ đạo chính quyền địa phương tập trung GPMB đối với những dự án đã có quyết định thu hồi đất, yêu cầu xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Trước chủ trương cương quyết của TP, nhiều người vi phạm đã tự tháo dỡ công trình, tạo điều kiện cho dự án hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn triển khai.



Ách tắc do vướng GPMB


Phường Dương Nội, nơi các dự án nói trên đi qua, lâu nay được coi là một trong những “điểm nóng” của quận Hà Đông về GPMB, làm ách tắc cản trở thi công. Như thừa nhận của ông Lê Khánh Đồng, Chủ tịch UBND phường Dương Nội, lúc cao điểm (đặc biệt là trước khi hợp nhất) có tới trên 1.500 trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng. Nhiều gia đình ngang nhiên san lấp ruộng vườn, mua bán đất trái phép. Suốt dọc con đường 70 dẫn vào trụ sở UBND phường, người ta chia lô xây nhà, xưởng, thậm chí có người xây cả nhà cao tầng.


Đại diện đơn vị chủ đầu tư một số dự án nằm trên địa bàn Hà Đông nói chung và phường Dương Nội nói riêng phàn nàn: Dự án bị chậm tiến độ hàng năm liền do không thể GPMB. Nhiều người dân có tâm lý chờ điều chỉnh cơ chế, chính sách bồi thường GPMB sau ngày sáp nhập về Hà Nội nên nhất định không cho cán bộ vào đo đạc, kiểm đếm đất, tài sản. Tình trạng lấn chiếm, mua bán đất và xây dựng trái phép khiến cho địa phương và chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc lên phương án, áp giá đền bù… Có những thời điểm, khâu GPMB hoàn toàn bế tắc, nhà thầu đành phải để máy móc đắp chiếu hoặc chấp nhận thi công xôi đỗ. Như dự án đường Lê Văn Lương kéo dài, Tập đoàn Nam Cường đã xây dựng xong 5,7km đoạn thuộc địa phận Hà Đông và thông xe kỹ thuật, song vẫn còn gần 1.700m2 do 15 hộ đang ở, không GPMB được, nên dự án chưa thể phát huy hiệu quả. Dự án Khu đô thị mới Dương Nội quy mô 174ha thì có tới 121ha chưa thể GPMB do hơn 1.000 hộ xây dựng trái phép.


Tập trung vào các dự án đã có quyết định thu hồi đất


Trong buổi làm việc với lãnh đạo quận Hà Đông và các sở, ngành liên quan kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình đã chỉ đạo: Khẩn trương triển khai các dự án theo đúng trình tự, quy định hiện hành của pháp luật; UBND quận Hà Đông tập trung GPMB các dự án đã có quyết định giao đất, thường xuyên báo cáo tiến độ với TP…


Nhận thức rõ tính nghiêm trọng của các sai phạm liên quan tới đất đai, trật tự xây dựng, UBND quận Hà Đông đã thành lập tổ công tác GPMB đặc biệt, chuyên trách giải quyết vấn đề liên quan tới GPMB các dự án tại Dương Nội. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khâu xử lý cũng được tiến hành quyết liệt. Từ đầu năm 2009 đến nay, UBND quận Hà Đông và phường Dương Nội đã tổ chức cưỡng chế 25 trường hợp; ra thông báo yêu cầu tháo dỡ 98 trường hợp. Một số đối tượng vi phạm nghiêm trọng đã bị đưa ra xét xử trước pháp luật. Tính đến nay, đã có 83 hộ tự nguyện tháo dỡ nhà cửa vi phạm.


Ông Lê Khánh Đồng khẳng định: Trong tháng 6-2009, công tác kiểm đếm sẽ xong toàn bộ để kịp công khai phương án đền bù và tổ chức chi trả tiền bồi thường trong tháng 7-2009. UBND phường vận động các hộ tự tháo dỡ, trường hợp cố tình chây ỳ sẽ cưỡng chế, thu hồi đất sử dụng sai mục đích…


Lãnh đạo UBND quận Hà Đông cho biết, sau ngày sáp nhập về Hà Nội, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của TP, công tác GPMB đã được tập trung, quyết liệt hơn nên đã có bước chuyển biến tạo điều kiện cho các dự án triển khai thuận lợi. Hiện trên địa bàn Hà Đông có 57 dự án đã có quyết định thu hồi đất. Trong thời gian tới, GPMB vẫn sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quận, trong đó, ưu tiên cho dự án công trình đầu mối hạ tầng giao thông, khu đô thị mới, khu tái định cư, khu-cụm công nghiệp…


(Theo HNM)


Đại diện một số chủ đầu tư, cán bộ BQL dự án bày tỏ: Những động thái quyết liệt của chính quyền địa phương thời gian qua trong GPMB đã thực sự “cởi trói” cho doanh nghiệp, tạo niềm tin cho nhà đầu tư khi quyết định tham gia các dự án của TP.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *